Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

VINASHIN - Như một điển hình

VINASHIN - Như một điển hình

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20111221
 
Trong loạt bài tổng kết về tình hình kinh tế cuối năm, Diễn đàn Kinh tế chọn một đề tài có thể là tiêu biểu cho các khó khăn nhiều mặt của Việt Nam. Đấy cũng là ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà tư vấn của đài Á châu Tự do. Sau đây là phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Vào dịp cuối năm và cũng để tổng kết về tình hình kinh tế, hình như hồ sơ của Tập đoàn Kinh tế Nhà nước Vinashin của Việt Nam có thể là một điển hình về nhiều khía cạnh. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa tôi cho rằng ngay từ đầu và từ trên đầu xuống, Tập đoàn Vinashin đã có những tiêu biểu về sự bất toàn của hệ thống kinh tế và chính trị của Việt Nam. Vụ khủng hoảng ngày nay là một kết quả tất yếu, với hậu quả sẽ bất lợi cho Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, việc nhắc lại hồ sơ Vinashin cũng là một tổng kết cần thiết.

Vũ Hoàng: Nếu như vậy và theo phương pháp đã quen thuộc với thính giả, xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của hồ sơ này. Trước nhất tại sao ông lại nói là "từ đầu và từ trên đầu xuống"?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên bối cảnh của sự việc này bắt nguồn từ 15 năm trước với việc thành lập loại Tổng công ty vào năm 1996. Sau đó là chọn lựa của Đại hội Khóa 10 đảng Cộng sản Việt Nam vào Tháng Tư năm 2006. Từ đấy, Chính phủ Việt Nam mới có hai Quyết định số 103 và 104 do Thủ tướng ban hành vào Tháng Năm và Tháng Sáu năm đó để, thứ nhất phê duyệt Đề án Thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế từ Tổng công ty và, thứ hai, thành lập Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam, gọi tắt là Vinashin. 

- Kỳ vọng của việc tập trung và nâng cấp các đơn vị sản xuất quốc doanh thành tập đoàn kinh tế nhà nước là tạo ra những "quả đấm thép". Đó là giấc mơ "vĩ cuồng" từ trên đầu xuống, tương tự như dự án xe lửa cao tốc vậy. Khi thực hiện thì ta có hiện tượng "loạn chiêu" của tay chân.

Vũ Hoàng: Ông dùng những từ rất lạ là "vĩ cuồng từ cái đầu" và "loạn chiêu ở tay chân". Đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - "Vĩ cuồng" là phản ứng mơ chuyện vĩ đại của cái đầu chủ quan duy ý chí mà không thấu hiểu quy luật kinh tế cơ bản nên cứ tưởng rằng lãnh đạo mà muốn là được. Họ càng tin tưởng chuyện cuồng dại ấy vì không ai có quyền phản biện và xã hội không có tự do thông tin để minh bạch hoá tiến trình quyết định.

- "Loạn chiêu" là khi ở dưới chấp hành quyết định ở trên mà tổ chức ra tập đoàn Vinashin này. Cơ cấu tổ chức của Vinashin biểu hiện tình trạng hỗn loạn đó. Cốt lõi chỉ là công ty trách nhiệm hữu hạn có 100% vốn của nhà nước với bốn chi nhánh và một số cơ sở gọi là sự nghiệp.

- Nhưng cái lõi đó lại phát triển ra mười mấy công ty con, hơn hai chục công ty cổ phần, hơn một chục đơn vị hạch toán phụ thuộc, 11 công ty liên doanh, bảy đơn vị sự nghiệp có thu, bảy đơn vị phụ thuộc, ba chục công ty cổ phần do tập đoàn này giữ tỷ lệ chi phối về vốn. Vị chi là hơn một trăm đơn vị sản xuất đã từ một lĩnh vực ban đầu là đóng tầu bành trướng ra dịch vụ hàng hải, tài chính, bảo hiểm và rất nhiều sinh hoạt khác. Quả đấm thép trở thành mớ bùi nhùi như nhiều tập đoàn khác.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, ở trên có thấy ra chuyện ấy không mà vì sao lại để như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy mới là khía cạnh tiêu biểu của các gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Đó là một hệ thống tất nhiên gây ra hiện tượng tự tung tự tác mà không ai bị trách nhiệm. Chúng ta phải trở lại từ đầu, từ trên đầu xuống.

- Người chỉ huy việc điều hành công ty này đều phải là đảng viên được Ban Tổ chức đảng chấp thuận trước khi được Chính phủ bổ nhiệm. Trong cơ cấu tổ chức, Tập đoàn phải có bộ phận kiểm soát của đảng, có thẩm quyền hơn Hội đồng Quản trị, Chủ tịch hay các Tổng giám đốc và còn có thực quyền hơn ban Thanh tra của Chính phủ. Thực tế thì đây là cơ sở kinh tài cho đảng lại ôm thêm mục tiêu kinh doanh sản xuất cho kinh tế quốc dân và lẫn lộn về chức năng. Trong nội bộ, họ có đảng ủy vẫn sinh hoạt thường xuyên, lại còn liên lạc và toa rập với đảng ủy các địa phương cho một số dự án bất chính. Vì vậy, ta có một cơ sở sản xuất được giao phó nhiều mục tiêu mà có mục tiêu lại không được công khai hóa. Tình trạng nhập nhằng ấy là cơ hội cho đảng viên bất lương phát huy sáng kiến mà khỏi sợ bị kiểm soát hay kỷ luật nhờ đảng tính đảng tịch của mình.

- Hậu quả là khi khủng hoảng bùng nổ - mà nó manh nha từ nhiều năm trước rồi – cuối Tháng Bảy năm ngoái Bộ Chính trị mới kết luận rằng Tập đoàn Vinashin có yếu kém và sai phạm nghiêm trọng. Mà rốt cuộc cũng không xử lý hay kỷ luật bất cứ một cá nhân hay tập thể nào và chỉ yêu cần kiểm điểm để tự phê. Đáng phê bình hơn cả là hệ thống kinh tế chính trị đã bảo vệ chế độ công hữu và bịt kín thông tin nên để xảy ra tình trạng lũng đoạn công sản.
 

Định hướng XHCN

 
Vũ Hoàng: Một số dư luận cho rằng Vinashin cũng là nạn nhân bất ngờ của những biến động kinh tế trong các năm 2008-2009. Theo như phân tích của ông, thì sự thật là như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta trở lại "chuyện nhân duyên" về kinh tế mà diễn đàn này hay nói tới.

- Cái "nhân" của khủng hoảng thì đã có từ lâu nên khủng hoảng là tất yếu. Cái "duyên" là nạn tổng suy trầm toàn cầu khiến thiên hạ hết tiền và bớt lạc quan nên mới phơi bày ra chứng tật hữu cơ đã nằm sâu trong Tập đoàn.

- Thứ nhất, ngay từ năm 2006 trở về sau, nội bộ Vinashin đã có cả chục lần thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán và phát hiện nhiều sai phạm mà giới điều hành không sửa mà còn tìm cách che giấu sự sai phạm. Hiển nhiên là họ tin vào thế lực bảo vệ ở đằng sau hay ở trên.  
 
- Thứ hai, cũng từ năm 2006, Vinashin còn bung ra khắp nơi với đủ loại dự án, từ Móng Cái tới Cà Mau, từ Thái Bình Nam Định đến Quảng Bình, Quảng Ngãi tới Hậu Giang, Đồng Tháp. Trong việc mời chào và quảng cáo cho các dự án hoang tưởng vĩ đại, họ được các tỉnh mau mắn hợp tác, mà chủ yếu là bằng đất của dân. Đấy là cơ hội cho nhiều đảng viên địa phương làm giàu, dân bị mất đất mà chờ mãi chẳng thấy công ăn việc làm từ các dự án mơ hồ này. Người ta có thể đã kiểm tra những sai phạm kế toán tài chính rồi nói đến chuyện Tập đoàn Vinashin mất 80.000 tỷ đồng, mà chưa tính ra thiệt hại kinh tế tràn lan ở nhiều nơi vì lề lối làm ăn tự tiện đó.

- Rồi lồng trong một chuỗi bất cẩn và bất lương mới là chuyện đi vay ngoại quốc với lãi suất hạ nhờ sự bảo lãnh mặc nhiên của nhà nước. Như vậy, vì ngần ấy dự án thất bại chứ chẳng phải do nạn khủng hoảng kinh tế Tập đoàn Vinashin mới bị nguy cơ vỡ nợ vì không thanh toán nổi khoản nợ đáo hạn với nước ngoài từ cuối năm ngoái.
 
Vũ Hoàng: Thưa ông, từ chuyện quản lý, ta bước chuyện vay mượn. Phải chăng là nhờ thế lực nhà nước mà Tập đoàn Vinashin có thể vay quá sức trả như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chuyện vay mượn của Tập đoàn Vinashin cũng phản ảnh cái định hướng xã hội chủ nghĩa mà các chủ nợ nước ngoài đang hiểu ra. Nếu họ có bị mất vốn thì cũng là một cách trả tiền bài học về rủi ro tín dụng và chính trị!

- Trước hết, chưa ai rõ Vinashin có tài sản là bao nhiêu và đã vay bao nhiêu, từ những ai, ở trong và ngoài nước. Nhờ các nhà tài trợ ngoại quốc lên tiếng khi khởi tố thì người dân mới hiểu ra chuyện động trời. Đó là Tập đoàn này mắc nợ từ ba tỷ đến bốn tỷ tư, tính bằng đô la. Làm sao họ có thể vay tiền đến như vậy nếu không là một tập đoàn kinh tế nhà nước với số vốn của công ty mẹ là 100% của nhà nước?

- Chuyện thứ hai là khi vay đô la bằng phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, Vinashin được lãi suất thuộc loại ưu đãi như phân lời của công trái, của công khố phiếu, vì có thư bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam vào Tháng Bảy năm 2007. Vì sự nhập nhằng ấy, Vinashin được công ty lượng cấp trái phiếu Standard & Poor's đáng giá ngang hàng chính phủ Việt Nam.


- Khi Vinashin trễ hạn hoàn trái ngân khoản 600 triệu bị các chủ nợ khiếu nại thì nhà nước Việt Nam lại tuyên bố không chịu trách nhiệm và công ty nào vay thì phải trả. Không chỉ trốn nợ, chính quyền còn có biện pháp thực tế là giúp con nợ tẩu tán tài sản qua Quyết định số 2108 ngày 18 Tháng 11 năm ngoái để tránh bị sai áp. Họ gọi đó là "tái cơ cấu", là chuyển giao 11 dự án và nhiều khoản vốn khác của Vinashin qua Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, cũng có người cho rằng quyết định không trả nợ của Chính phủ Việt Nam còn là tín hiệu cho các tập đoàn nhà nước là từ nay sẽ không thể ỷ thế nhà nước mà vay liều được nữa. Lý luận ấy có đúng không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng tín hiệu như vậy là cần thiết, mà phải là quyết định từ cấp có thẩm quyền nhất, từ Bộ Chính trị tới Chỉnh phủ. Nhưng là chỉ thị với doanh nghiệp của mình. Với các chủ nợ ngoại quốc thì cách xù nợ như vậy chưa chắc là khôn ngoan vì làm xoi mòn niềm tin của giới đầu tư và cụ thể là khiến doanh nghiệp khó huy động vốn sau này. Lãnh đạo Hà Nội có khi nhìn chuyện ký kết hiệp định và cam kết theo tiêu chuẩn khác người về danh dự và uy tín. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đầu tư sẽ còn khan hiếm hơn, tiêu chuẩn ấy là cực bất lợi và càng khiến Việt Nam bị xuống cấp tín dụng và mất khả tín. Từ nay về sau, giới đầu tư sẽ thủ thế trong từng hợp đồng để tránh thủ thuật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 

Tai họa cho uy tín chính phủ


Vũ Hoàng: Bây giờ, đến việc công ty Elliot đã khởi tố Vinashin trước Toà Thượng thẩm của Anh vào cuối Tháng 11 vừa qua. Vụ việc như thế nào và hậu quả sẽ ra sao?  
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Elliot Advisers LP là một quỹ đầu tư đối xung hay hedge fund của Mỹ. Nhưng biệt tài khiến họ có hỗn danh của loại hình đầu tư "muông thú" hay "vultur fund" là tìm mua giấy nợ với giá bèo từ loại khách nợ suy yếu. Đó là doanh nghiệp sắp phá sản hay chính quyền sắp vỡ nợ đã lỡ vay trăm bạc mà xin trả có vài chục thôi. Thật vô phúc cho xứ nào gặp phải loại kên kên như vậy, vì họ ráo riết kiện để lấy lại nguyên giá của giấy nợ cộng thêm tiền lãi và phí tổn khác.

- Trong khoản nợ 600 triệu đô la có 60 triệu đáo hạn mà không trả, Elliot mua vào một số nhỏ, cả vốn lẫn lời thì chỉ hơn 13 triệu đô la. Nhưng với tư thế là khách nợ, công ty khởi kiện để đòi được trả nguyên giá 100% thay vì 35% như phía Việt Nam có vẻ thoả thuận. Elliot kiện Vinashin tại tòa Thượng thẩm Anh vì nơi đây có thẩm quyền giải quyết vụ vay mượn vốn dĩ đã do các ngân hàng, đứng đầu là Credit Suisse, dàn xếp, làm trung gian phát hành giấy nợ và thực tế là cũng cho vay. Elliot đứng đơn là bên nguyên, bên bị là Tập đoàn Vinashin và cả các chi nhánh hay công ty con đã được Việt Nam đẩy qua cho hai Tập đoàn Dầu khí và Hàng hải. Theo luật pháp thì đấy là vi phạm hợp đồng đi vay nên tôi mới gọi là tẩu tán tài sản để khỏi bị sai áp.

Vũ Hoàng: Thưa ông, kết cuộc thì sự thể sẽ ngã ngũ ra sao mình có thể dự đoán thế nào? 
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Công luận thế giới thường không ưa và rất ngại loại kên kên muông thú như vậy. Nhưng khi Việt Nam để một quỹ đầu tư như Elliot kiện ra toà thì đấy là một tai họa cho uy tín mà càng tìm hiểu thì dư luận càng thấy sự sai trái không xử lý trong hồ sơ Vinashin. Bao nhiêu công lao tuyên truyền lâu nay sẽ thành công cốc!

- Tôi không tin rằng Elliot sẽ ngừng ở đó mà sẽ huy động các chủ nợ khác mở ra một vụ khiếu kiện tập thể theo tiêu chuẩn của quốc tế. Khi ấy, không có một con mà một bầy kên kên cùng đánh hợp đồng theo kiểu xa luân chiến và trước toà thì nhiều sự thật khác tai hại còn được phơi bày. Việt Nam có thể ngăn chặn việc sai áp tài sản trên lãnh thổ của mình, nhưng cứ ló đầu ra ngoài thì bị đòi nợ, tài sản bị tịch biên thì còn gì là danh dự? Chuyện đáng buồn ở đây là cái vỏ quít tưởng là dày lại gặp móng tay nhọn, mà vỏ quít lại chỉ bao che cho sự tồi tệ của cả hệ thống. 
 
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, liệu vụ kiện tụng này có thể dàn xếp được không?


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta chưa thể biết được, nhưng tôi trộm nghĩ rằng họ kiện là để dàn xếp và Chính quyền Việt Nam sẽ bị tổn thất. Vấn đề là tính toán xem tổn thất về mặt này mặt kia, về tiền bạc hay uy tín chẳng hạn, cái nào là ít hại nhất. Mà chuyện lợi hại này không chỉ nhất thời vì có ảnh hưởng lan rộng và lâu dài như người ta đã thấy tiền lệ là các vụ kiện xứ Argentina, Congo hay Peru. 

- Kết luận ở đây không là vỏ quít hay cái móng tay mà là "quít làm cam chịu" vì Vinashin không là trường hợp duy nhất và nạn nhân của cả bi hài kịch Tập đoàn Kinh tế Nhà nước chính là người Việt Nam. Họ đã mất đất mà còn phải nộp thuế để nhà nước trả món nợ do một thiểu số bất lương gây ra, dưới sự bao che của đảng và nhà nước.

Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này. 
 
http://dainamaxtribune.blogspot.com/2011/12/vinashin-nhu-mot-ien-hinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét