Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Đại Vệ Chí Dị 2

Năm Mậu Tí, triều Sản, Vệ Cường Vương đời thứ 8.

Lụt ở kinh thành, nước dâng cao đến hàng thước, chết 27 mạng người.

Hàng ngàn người theo đạo kéo về kinh thành đòi đất Thánh.

Trộm cướp hoành hành, kinh tế suy thoái, vật giá leo cao khiến đời sống nhân dân vất vả vô cùng.

Chính sự trong nước có nhiều bất ổn, kể cả ngoại giao bên ngoài.

Cường Vương họp quần thần, mời Khổng Tử đến hỏi kế sách ổn định dân tình. Không Tử nói:
- Ổn định đất nước có hai cách. Một là dùng Cường đạo, hai là dùng Nhân đạo. Vương muốn cách nào.

Cường Vương xuất thân từ người trồng rừng phía mạn ngược, vốn thích nói nhiều, nhưng chỉ nói chung chung. Từ khi lên ngôi không có biện pháp gì rõ ràng để canh tân đất nước, chỉ ỷ lại vào thiên triều và đám quần thần bảo thủ. Tính không dám quyết, bèn hỏi Khổng Tử:
- Ông nói cho ta nghe thế nào là Cường Đạo, thế nào là Nhân Đạo?

Không Tử thưa:
- Nước Tần thời Ngô Khởi trước kia hay Doanh Chính sau này đều lấy binh quyền làm trọng để ổn định đất nước. Đàn áp triệt để những tư tưởng khác biệt bằng mọi hình phạt, thủ đoạn tàn khốc. Không có thế lực nào ngóc lên nổi. Bởi vậy kéo dài được mấy chục năm. Đấy là Cường Đạo.

Cường Vương hỏi:
- Theo cách này được không?

Khổng Tử:
- Nước Tần theo cách ấy, rút cục tồn tại cũng chỉ vài chục năm. Bởi đàn áp lòng dân bằng cường bạo khác nào nắm tay từ tối đến sáng. Khó mà nắm lâu được. Thế nên nước Tần mới bị diệt vong. Các đời vua trước nước Vệ đã dùng cách này rồi, đến nay cũng đã mấy chục năm. Đại Vương dùng tiếp e rằng ở giai đoạn cuối.

Cường Vương nghĩ một lát hỏi tiếp:
- Thế còn Nhân đạo?

Khổng Tử thưa:
- Lúc thần cầm chính sự nước Lỗ, đề cao việc lễ nhân. Người dân ai cũng ý thức, của ngoài đường rơi không ai nhặt. Nhà đêm đến không phải cài cửa. Cửa công đường không có người kêu oan. Mọi người chăm chỉ làm ăn. Nhưng kết cục cũng chỉ kéo dài vài chục năm. Bởi lòng người vốn sẵn chữ tham. Trước sau lòng tham cũng động. Lấy Nhân hòa mà trị nước cũng như mặc áo giấy cho trẻ con. Lúc đầu thấy đẹp thì nó mải ngắm, sau chán rồi nó cựa quậy là rách tan. Cách ấy cũng không bền.

Cường Vương nhìn tên lính gác cửa đeo cung chỉ tay nói:
- Phàm ở đời phải uyển chuyển, kết hợp giữa cứng và mềm. Như cây cung kia thân nó cứng, dây nó mềm. Bởi thế thành thứ vũ khí lợi hại. Nay ta muốn dùng cả Cường Đạo lẫn Nhân Đạo để trị nước có được không?

Khổng Tử nói:
- Sáng tạo là sức mạnh của người Vệ. Thần giờ đã hết thời, không còn trí lực giúp đại vương. Xin cho thần lui.

Cường Vương sai người mang lụa, bạc cho Khổng Tử rồi bảo lui.

Khổng Tử ra khỏi thành, học trò hỏi:
- Thưa thầy, nước Vệ liệu có kết hợp cả hai cách để làm chính sự không?

Khổng Tử nhìn quanh thấy ở cánh đồng vắng vẻ mới nói:
- Về lý thì làm được, nhưng vua quan nước Vệ là một bầy tham lam. Mà đã tham thì tất vi phạm. Chức quyền mà cao khi vi phạm lại dùng quyền để trấn áp, che lấp tội. Rút cục thì còn ta còn các ngươi. Thế nào Cường Vương cũng đề cao nhân đạo và làm theo cường đạo. Đó không phải là triều đình nhà Vệ muốn vậy, mà vì nước Vệ từ trên xuống dưới, tham nhũng đã tràn ngập không có cách gì bỏ được. Kẻ làm quan vừa muốn vơ vét tư lợi, vừa muốn ổn định phát triển đất nước khác nào con cá vừa muốn bơi dưới nước lại muốn chạy trên bờ.

Học trò nói có ý trách:
- Thầy không có ý nào rõ cho Cường Vương, thế mà Cường Vương vẫn ban cho tặng vật. Thế có lạ không?

Không Tử nói:
- Không lạ, Cường Vương mời ta đến cốt chỉ mượn cái tiếng hiền của ta để nói với thiên hạ rằng: Nước Vệ vời hiền sĩ để tham mưu chinh sách. Thật ra ta có nói thế nào thì Cường Vương cũng chả nghe, vì có nghe thì chả có tâm mà làm, dẫu có tâm thì cũng chả có bản lĩnh để đẩy lùi cái gốc tham nhũng. Kẻ sĩ ngày nay trong nước Vệ, muốn giữ mình chỉ có bày kế nửa vời , không đụng đến ai mà cũng chả dùng được thì mới giữ nổi mình. Cái chính là có kế sách để loan tin trong thiên hạ là triều đình đã có kế sách. Như thế cho lòng dân yên mà hy vọng chờ đợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét