Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Đại Vệ Chí Dị 30

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66, đời Vệ Kính Vương thứ nhất.

Châu Ái mưa lũ chết hàng chục người, rắn hai chân xuất hiện.

Giá cả tăng không ngừng, dân nghèo đi làm thuê đình công khắp mọi miền, bọn chủ sai tay chân mang xe ra cán người đình công, cán cả vào phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, chết thật thương tâm.

Bọn nhà giàu vẫn ngày đêm tậu tứ mã thời trang hàng hiệu giá hàng vài chục nghìn lượng vàng, bọn ca kỹ thì ăn mặc khiêu dâm phô bày cơ thể cho thiên hạ thấy. Dân chúng lao xô vào theo dõi đám ăn chơi, mua sắm, hở hang...

Ngoài khơi quân Tề án ngữ, giăng hết trên biển. Ngư dân Vệ khốn khó vô cùng.

Bấy giờ lác đác có số người trong nước, cảm thấy mối nguy từ phương Bắc, họ hợp nhau đi khắp phố phường để cảnh báo mối nguy ấy, ngõ hầu muốn lay động lòng người Vệ từ dân đến quan lại quan tâm, tìm cách đối phó. Cứ cách bảy ngày một lần, đám người ấy hợp nhau lại đi từ phố này sang phố khác, họ kêu những tiếng da diết giữa dòng xe cộ nườm nượp của phố phường, họ nói về ngư dân Vệ bị Tề giết hại, về biển đảo ngoài khơi quân Tề đã cướp. Lúc ấy đang là giữa mùa Hạ, nắng như đổ lửa trên đầu. Thế mà nhúm người ấy quanh đi, quanh lại chỉ chừng đó không nản lòng, họ đi như những con vạc trên quê hương mình. May lắm mới có người đi đường ủng hộ, hầu hết thiên hạ vẫn bàng quan, dửng dưng.

Đã thế triều đình lại đưa công sai đi giám sát họ, số công sai đông đến gấp đôi nhúm người kia. Cứ mỗi bữa như thế, công sai lại bắt vài người để dằn mặt. Nhất là đám công sai phương Nam, giữa ban ngày muốn bắt ai cứ xông vào tóm cổ xốc nách, bịt miệng lôi đi. Đám người vì thế mà ngày một ít đi, đến lần thứ tư chỉ còn lại vài chục mống lẻ tẻ.

Nước Vệ có nhiều ca sĩ thần tượng, bọn xướng ca này chỉ hát những bài nhố nhăng, yêu đương rầu rĩ thác loạn, nhưng mỗi đứa ca sĩ có đến cả ngàn người hâm mộ. Mỗi khi đi đến đâu, đám hâm mộ vây theo ít cũng cả trăm. Chí sĩ nước Vệ nhìn thấy cảnh đó ngao ngán than rằng:
- Hỡi ôi, người có lòng với an nguy nước Vệ còn ít hơn cả đám người cuồng nhiệt sẵn sàng chết vì đám xướng ca kia.

- Mệnh nước Vệ này mạt rồi chăng ?

Trần tiên sinh hay bàn chuyện thế sự, được người đời đặt hiệu là Trung Luận không nghĩ thế. Thấy chí sĩ than, Trần tiên sinh mới chỉ trời mà nói:
- Tháng này là tháng ở nước Vệ mưa gió liên miên bất thường. Thế nhưng cứ đến buổi sáng mà đám người ít ỏi kia tuần hành phản đối bọn Tề, trời nước Vệ lại xanh trong. Dù hôm nay bước đi của họ chưa làm rung chuyển  được lòng người Vệ khắp nước. Nhưng có lẽ cũng đã động đến lòng trời rồi chăng?

Nhà Sản từ khi nắm triều chính nước Vệ. chiến tranh liên miên với các cường quốc quân sự trên thế giới. Đánh nhau nhiều đến nỗi thành quen. Cứ mỗi lần đánh nước này, thì nước khác lại tiếp vũ khí, của cải cho người Vệ chiến đấu với nước kia. Mấy chục năm ròng người Vệ không cần lo làm ăn, buôn bán chỉ có mỗi việc nhận lương thực và vũ khí của bên ngoài mà đi chinh chiến. Do đó vào thời kỳ tạm gọi là thanh bình của nước Vệ, quan quân nhà Sản vốn quen chiến trường, giờ gặp thương trường thành ngớ ngẩn, không biết xoay sở. Rút cục là chỉ đi vay nợ và bán tài nguyên, ngân sách thâm thủng, tài nguyên cạn kiệt.

Nước Tề bấy lâu nay vẫn có bụng dòm ngó nước Vệ, thấy Vệ suy, bèn đóng hàng loạt chiến thuyền dong ra biển Vệ tung hoành thu thuế ngư dân, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở vùng lãnh hải của Vệ. Một mặt Tề Bá Vương vẫn thắt chặt quan hệ với các quan lại nhà Sản, tạo cho họ những nguồn lợi và bảo đảm chức tước.

Tưởng thế là thâu tóm được nước Vệ, quân Tề ngày càng bạo ngược.

Mùa Hạ năm Tân Mão, triều nhà Sản thứ 66. Dân Vệ nổi lên biểu tình phản đối gay gắt hành vi bá đạo của Tề.

Nhà Tề mới họp lại bàn. Có quan nói:
- Một dúm người Vệ con con đó được cái chi, người của ta bên đó giữ chức vụ cao trong triều còn đầy. Nước Vệ không dám kháng cự đâu.

Quan khác tâu:
- Thưa đại vương, nước Vệ cạn kiệt, vũ khí hoen rỉ, quân lính chểnh mạng, quan lại hoang đàng, dân tình bạc nhược. Dẫu đám phản đối đó có đông gấp mấy đi nữa cũng chả khiến Vệ khác đi được. Chúng ta cứ vậy mà tiến thôi.

Triều nhà Tề bàn đang bàn đến đó, bỗng có một vị quan già phụng sự mấy đời triều nhà Tề từ thời Tề Đặng Vương đến nay e hèm một cái. Mọi người ngoảnh lại, vị quan đó lên tiếng:
- Một nhúm người đó là mầm đại họa cho nhà Tề, không những có thể ngăn Tề ta chiếm được đất của Vệ, mà còn làm nước Tề suy sụp.

Vua quan nhà Tề ngạc nhiên nhìn lão tướng già, Tề Bá Vương hỏi:
- Khanh nói rõ xem nào.

Vị quan già bước ra giữa sân chầu, vái lạy Vương và các quần thần. Sau đó nói một hơi dài:
- Thưa đại vương, dưới triều nhà Sản, nước Vệ chỉ biết có nghề chinh chiến. Mỗi lần họ đánh trận như chúng ta biết thì họ được nước khác viện trợ đầy đủ từ cái kim sợi chỉ đến chiến xa, hạm thuyền. Ngay nước Tề ta cũng cung cấp cho họ để họ đánh Cờ Hoa, Phú Lãng Sa. Sau này họ lại được Bạch Mao tiếp viện để đánh nước Cam. Nói tóm lại một điều nước Vệ chính chiến với tất cả những cường quốc trên thiên hạ. Khi họ đánh trận thì yếu tố vũ khí, lương thực .... họ hoàn toàn không phải lo, bởi cường quốc khác đứng đằng sau lo cho họ. Chuyện Tề và Vệ có chinh chiến so đo về tiềm lực không biết được ai hơn ai. Cho nên điều quan trọng nhất là phải ngăn người Vệ vốn là nước phên dậu che chắc cho ta đừng trở thành tiền đồn của kẻ khác.

Bấy lâu chúng ta vẫn dùng tiền bạc can thiệp để gây dựng những nhân tố của chúng ta trong triều Vệ. Những người này giúp chúng ta đưa Vệ đi đúng bổn phận là chư hầu, phên dậu cho nước Tề. Ngoài ra còn chăn dắt, định hướng cho dân Vệ thuần phục, mến yêu nước Tề qua những loại hình văn hóa Tề tràn ngập đời sống Vệ hàng ngày. Bộ phận chiến tranh tâm lý của Tề ta trong mấy chục năm qua cũng đạt nhiều thành công lớn, khiến cho bọn Vệ giờ trở nên ích kỷ, độc ác, trành giành, xâu xé nhau chỉ nghĩ đến sao cho hưởng thụ được cá nhân mình. Trong cuộc tấn công toàn diện núp dưới 16 chữ vàng, về kinh tế ta đã khống chế hoàn toàn nước Vệ, về nhân sự cũng có nhiều khả quan, về tinh thần văn hóa hầu như đã làm tê liệt ý chí người Vệ, thế nhưng dù quân sự ta mạnh hơn Vệ nhiều lần, chúng ta cũng cần phải đắn đo.

Như thần đã nói trên, người Vệ dưới sự chuyên chính của nhà Sản, nếu quyết chiến thì bất lợi cho Tề vô vùng. Nay nước Tề ta hùng mạnh, các nước trong thiên hạ ganh ghét. Nếu Tề, Vệ có giao tranh, chắc hẳn các nước sẽ xúm vào viện trợ vũ khí tối tân cho Vệ, tiếp tế nguồn lương thảo. Nước Vệ quen nghề xông pha tuyến đầu từ trước đến nay, giờ lúc tiền của ngân khố hết, nguy cơ mất lãnh thổ, như dồn đến đường cùng, lẽ nào họ không quay lại nghề cũ nhận của cải từ nước khác mà giao tranh với ta. Về địa lý Vệ gần với ta, đã giao tranh là phải kéo dài liên miên. Nước Tề tập trung đối phó với Vệ cũng thực ra là đối phó với nhiều nước thù ghét Tề hậu thuẫn đằng sau cho Vệ. Vô hình chung ta chiến đấu với Vệ, còn các nước khác rảnh rang phát triển. Sau chiến tranh thắng thua thế nào thì nước Tề cũng bị ảnh hưởng, không theo kịp các nước khác, chưa nói đến là sa lầy.

Nay nước Vệ đang bạc nhược về tinh thần, vua tôi mỗi người một ý, đó là công lớn của bộ tuyên huấn chúng ta trong suốt mấy chục năm hợp tác toàn diện với Vệ. Tiền của tiêu hao không biết bao nhiêu mới khiến người Vệ khiếp nhược chinh chiến như vậy. Bỗng dưng có đám Vệ nổi lên, dẫu chỉ vài trăm mống, nhưng cũng là cái họa, bởi nó là ngọn lửa khêu gợi tinh thần dân tộc, quyết chiến đến cùng. Nếu ảnh hưởng ngày càng to sẽ gây khó khăn cho những nhân sự mà chúng ta cấy trong triều Vệ khi can thiệp vào đường lối nước Vệ vào những quyết sách có lợi cho nước Tề ta. Nếu dẫn đến dân vua tôi nhà Vệ đồng lòng sát cánh chiến đấu với ta, thì bao nhiêu kế hoạch diễn biến trong lòng địch của chúng ta từ trước đến nay thành phá sản.

Mà nếu như xảy ra giao tranh Vệ và Tề, thì thần cũng đã nói rõ lúc trước. Mong đại vương và triều thần nghe cho vài lời.

Triều đình Tề xôn xao, ai cũng nhận thấy lời lão tướng già nói có lý. Thống nhất bàn bạc xong, Tề Bá Vương quyết sách rằng:
- Phải khai thác tối đa những thuận lợi mà chúng ta đang có. Triệt hết những tư tưởng, mầm mống gay gắt với Tề đang diễn ra tại nước Vệ. Nay chỉ dụ gấp cho tay chân ta trong triều Vệ ngăn chặn các cuộc biểu tình, điều tra cô lập và làm vô hiệu hóa những đối tượng chủ chốt có ảnh hưởng trong đám tuần hành, hạn chế đưa tin hoạt động của Tề ngoài khơi nước Vệ. Mặt khác đưa đoàn phái bộ sang để ve vãn triều thần Vệ, khi đoàn phái bộ sang, các tay trong phải phối hợp chặt chẽ với phái bộ, tuyên truyền rằng Tề ta không có bụng dạ nào ngoài ý tốt muốn giao hảo với Vệ chư hầu. Mặt khác phải tập chung tập luyện hải quân, nhân lúc Vệ chủ quan đánh một trận tiêu diệt nhanh gọn như hồi Mậu Thìn, chiếm giữ và xây dựng các căn cứ lâu dài kiên cố. Đưa chúng vào thế đã rồi, lúc đó ta phủ dụ vỗ về triều Vệ rằng đằng nào cũng đã xong rồi, giờ chỉ còn hợp tác hữu hảo để cùng nhau phát triển. Vừa mua chuộc bọn quan lại, vừa ký kết vài hiệp định thương mại đầu tư tạo công ăn việc làm cho dân chúng. Đến lúc đó thì Vệ còn bụng đâu mà làm được điều gì nữa.

Tề Bá Vương bãi triều.

Mùa Hạ năm đó, phái bộ nhà Tề sang Vệ bàn chuyện hữu nghị, hòa bình, không gây căng thẳng.

Nước Vệ bớt đưa tin về biển khơi.

Các tỉnh thành công sai ra sức gắt gao trấn áp những người Vệ biểu tình phản đối Tề.

Duy ở kinh đô còn le lói mấy mống kiên trì khơi dậy tinh thần cảnh giác âm mưu của Tề.

Dân Vệ vẫn hỏi móc máy nhau rằng, việc lớn có triều đình lo, mắc mớ gì đi biểu tình như thế, thừa cơm để nhiễu sự à?

Than ôi, phải có nhiều kẻ hỏi dã tâm như vậy, mới sáng tỏ bản chất của người Vệ dưới triều nhà Sản là vậy.

Mỗ là phường lêu lổng, vô học, mạt hạng trong thiên hạ, sống bám vào gia đình, sinh ra nhàn rỗi chép lại những chuyện này cho đời Vệ sau nếu có, biết được đôi phần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét