Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ
64.
Miền Bắc hạn, miền
Trung lũ, dịch bệnh lan tràn khắp nơi.
Lăng tiên đế quàn ở
phía Tây kinh đô, cửa chính trông về phía Đông hưởng ánh mặt trời, thuộc cung
Càn, Thái Dương rọi chiếu đời đời sáng lạn. Sau lưng là núi Nù, bên trái là hồ
rộng. Thế long chầu, hổ phục, tả bật, hữu phù. Địa thế đắc đạo có thể truyền cơ
nghiệp đến hàng trăm năm nữa.
Hậu duệ của
Tả Ao tiên sinh nói rằng:
- Nhà Sản chỉ chấm dứt nếu trước lăng tiên đế có một tháp cao trấn,
ngăn ánh thái dương mới yểm được linh của huyệt ấy.
Vệ Cường Vương và
triều thần biết vậy, ra lệnh trước mặt lăng tiên đế trải dài đến bờ sông Huyết,
không được xây dựng một công trình cao tầng nào cả.
Bởi thế nhà Sản vẫn
vững như bàn thạch dù bao nhiêu biến cố.
Vệ Vương nuôi nhiều
quân lính, nước Vệ có hàng trăm thứ loại lính, hàng chục loại sai nha. Quan quân
nhiều vô kể, gia tăng đủ các loại thuế để nuôi quân không đủ. Sợ lòng quan quân
vì túng thiếu mà sinh nản. Vệ Vương mới triệu các đại thần trọng trách nghị sự.
Nói rằng:
- Tuy lăng tiên đế quàn vào linh
huyệt, nhưng không thể lấy đó làm chỗ dựa mà sinh chủ quan. Quan quân không có
bổng lộc khó mà trung với triều đình. Các khanh có kế gì không?
Đại
thần coi tài chính trán bóng loáng, quai hàm bạnh
nghiến răng ken két tấu:
- Xin tăng nâng cao mức lương của các quan.
Vệ Vương xua
tay:
- Nâng cao lương không phải là kế vẹn toàn
Đại thần
quản kinh đô bàn:
- Phải làm sao cho dân có tiền, dân có tiền thì các quan mới có
lộc.
Cả triều thần đều
cho là diệu kế, Vệ Vương mới hỏi:
- Cách đó rất hay, làm thế nào ngươi nói rõ.
Đại thần quản kinh
đô giãi bày:
- Trước tiên lấy đất
ruộng đẹp, bán cho thương gia nước ngoài, đền bù cho dân. Theo ý thần nên đền bù
cao để dân hưởng ứng. Không nên rẻ mạt quá dân lại khiếu kiện như mọi lần. Dân được đền bù thoả đáng không có ý gì để mà kêu ca. Đó là xong một
việc.
Cả triều lao xao, Vệ
vương hỏi:
- Trả cho dân cao thì còn lấy đâu ra lãi mà
chia?
Hào Đức Vị, vốn có
dòng dõi trâm anh, ông nội cũng từng là đại thần nghị sự, dáng vóc khôi ngô sáng
sủa nói:
- Xin để đại thần kinh đô nói tiếp việc sau.
Đại thần quản kinh
đô quê ở châu Ái tên chữ là Sáng Quyết, vốn không là dòng dõi, nhưng
thiếu thời ham học, lại tinh thông thời thế nên tiến thân vùn vụt. Gật đầu tỏ ý
cám ơn Vị và nói rằng:
- Người xưa có câu "rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt" tiền ở
trong dân thiếu gì cách để các quan tự lấy. Để các quan tự tìm cách mà lấy có
phải là hơn tăng lương cho các quan không ? Làm quan có cơ hội như thế tôi nào mà
chả trung. Như thế vừa rèn luyện, đạo tạo ngón nghề cho các quan có nghiệp vụ.
Chả phải làm một mà lợi hai ư.
Các đại thần đều gật
gù, cho rằng kế đó hay. Đại thần thanh tra là Chu khuyến cáo:
- Nhưng lấy của dân
thì lấy thế nào đừng để lộ liễu.
Sáng Quyết trả lời
ngay:
- Việc này là một quá trình diễn biến
theo đúng quy luật đã được đại thần Tôn Dưa nghiên cứu và tổng kết, xin đại thần
Tôn Dưa có lời.
Tôn Dưa bước ra giữa
triều tâu:
- Dân ta vốn chỉ
biết làm ruộng, làm thủ công. Nay có đống tiền thì làm gì. Gửi vào ngân hàng thì
sợ lạm phát, thực hiện đổi tiền như xưa nên bọn dám gửi chắc không có mấy. Đứa
nào đầu tư làm ăn gì thì phải qua cửa các quan thuế, hành chính, các cấp địa
phương xin giấy phép thủ tục này nọ trăm thứ giấy má. Mỗi lần xin thế các quan
phải tự biết làm gì, sau đó hàng tháng lại thanh tra, kiểm tra hàng trăm quy
định, tự bọn dân lại phải biết làm gì.
Còn đứa nào không
biết làm ăn, có tiền sẽ nảy sinh ăn chơi. Các quan cho các nơi mở ăn chơi, bài
bạc, gái gú. Để khuyến khích chúng ăn chơi tiêu pha, thần cho bộ truyền thông
phát động những cuộc thi người đẹp, nhà đẹp, xe đẹp các trò vui chơi tốn kém để
chúng đua nhau lao đầu tiêu pha, triều đình đánh thuế những loại hàng xa xỉ này
không ai mà kêu ca cho được. Lại nữa ta cho bọn cung ứng các trò đó ăn chơi, tệ
nạn làm ăn bước đầu dễ dàng, thu tiền cống nạp.
Sau khi dân bán đất tiêu hết
tiền, chúng ta quay sang bắt tội và lên án bọn cung cấp dịch vụ tệ nạn, trực
tiếp thu lợi nhuận từ những trò như xới bạc, lầu xanh. Bọn này tất
phải nôn oẹ hết những gì chúng kiếm được của dân cho các loại quan để thoát
thân. Thế có phải là vừa thoả lòng căm hận của dân với bọn chúng hút, lại vừa
có miếng cho các quan. Chung quy tiền bạc lại về các quan cả, kế
này hoàn mỹ như "châu về Hợp Phố".
Triều đình nhà Vệ
nghe xong, ai nấy đều hớn hở, quay sang chúc tụng Vệ Vương:
- Tiên đế anh linh, ngự đúng long mạch, đại Vệ trường
tồn.
Hậu duệ của Tả Ao
tiên sinh, sau này có lần mỗ được diện kiến, chuyện trò về phong thuỷ, ngài phán
rằng:
- Chuyện phong thuỷ, đất linh còn do đức con người nữa. Những việc
tham tàn, xảo quyệt thất đức, bất nhân còn nguy hại gấp ngàn lần vật trấn yểm
hữu hình. Dẫu có táng vào đại long mạch mà hành vi bất nghĩa thì cũng không thể
nào tồn tại lâu được. Ấy là lẽ diệu huyền của trời đất, đời không nhiều người
biết cho lắm lý ấy.
Nói xong ngài rũ áo
bỏ đi, không biết hướng nào.
Mỗ về mua sách phong
thuỷ của nước Vệ ra đọc, tìm mãi không có đoạn nói về đoạn bất nhân, bất nghĩa
mà tổn hại đến long mạch. Tự hỏi có phải những nhà soạn sách, không muốn viết
đoạn đó là ý kệ cho nhà Sản đến đâu thì đến cho đúng mệnh
trời. Thiên cơ không thể tiết lộ.
Hoặc là hậu duệ của
Tả Ao tiên sinh, ngài tuỳ hứng mà nói vậy thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét