Năm Mậu Tí, đời Vương Mạnh, hiệu Hòa Sản.
Ngập
lụt triền miên khắp đất nước. Ở kinh thành là nước ngập đến ngang
hông. Nước dâng cao làm chết hàng chục người. Dân kinh thành sống khổ
sở, nheo nhóc vì nước lũ.
Phường lái buôn nhân cơ hội ấy mà trục
lợi, mớ rau con cá giá gấp chục lần hàng ngày. Kẻ lái buôn tên là Gió ở
ngoại thành, nghe tin kiếm được bạc vội vàng vào kinh thành để dò la
giá cả, hòng tính kế làm ăn. Vội vàng bất chấp mưa gió từ bên kia sông
chèo thuyền sang. Đến giữa dòng thuyền xoay tít không sao đi được, thấy
xa xa là núi Tản Viên bèn khấn thầm:
- Thần cho con qua được quả này, con tạ thần một con lợn béo.
Tức thì thuyền ngừng quay, mũi thuyền hướng bờ Nam lao vun vút, nhắm mắt đã thấy bờ.
Lái
Gió lên bờ, vào làng Nhô mua con lợn bột mới sinh, dìm xuống nước cho
uống đẫy bụng. Hai bên bụng lợn căng phềnh, thả dưới chân núi Tản. Lợn
con ặc è chạy. Lái Gió chắp tay khấn:
- Y lời một con lợn béo, thần phù hộ cho con làm ăn khấm khá, sau ắt hậu tạ, không dám sai lời.
Chuyến
ấy Lái Gió vào kinh thành, bán thuốc trị tiêu chảy. Do nước ngập lâu
ngày, bệnh dịch hoành hành. Thuốc bán chạy lắm. Lái Gió được cả túi bạc
nặng. Lòng hớn hở qua sông về nhà. Khi gần về đến nhà thì trời đã tối,
ngang qua rặng cây thấy tiếng nói chuyện xì xào, ngoảnh đi khoảnh lại
không thấy bóng người. Lòng rất đỗi hoảng sợ lắng nghe thấy tiếng văng
vẳng trên cây:
- Người lái buôn nước Vệ kia vừa lừa được cả thần đấy.
Lại có tiếng khác:
- Kẻ ấy thế nào cũng gặp hoạ, thần Tản Viên cho hắn về nhà gặp người thân lần cuối mà thôi.
Lái
Gió nghe xong, hoảng loạn cực kỳ, ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Viết
di chúc, dặn dò người thân. Rồi tắm rửa sạch sẽ trèo lên giường đắp
chăn. Nằm được một lát bỗng nhỏm dậy sai người chạy đi mời ông từ giữ
đền Tản đến. Ông từ núi Tản đến nơi, thấy Lái Gió đã yếu lắm rồi.. Ông bắt mạch xong nói:
- Bệnh này do gian dối mà ra, nay chất hàn đã nhiễm tận xương tuỷ, chả mấy mà chết.
Lái Gió nghe xong, mới bật dậy cười ha hả nói:
- Ta mời ông đến không sai, nếu ông nói thế mệnh ta còn lâu mới chết.
Cả nhà đang chuẩn bị hậu sự cho Lái Gió đều ngạc nhiên, ông từ hỏi:
- Mày lừa cả thần mà nói không bị phạt ư?
Lái Gió cười ngặt nghẽo nói:
-
Lừa thần có con lợn mà chết thì thiên hạ này chết hết rồi. Xin hỏi
ngài, kẻ nào chức càng to, lừa càng to, tội càng to đúng không?
Ông Từ gật đầu, Lái Gió tiếp lời:
-
Ngày nay cả nước Vệ này là nước lừa, triều đình dâng lễ tổ Hùng Vương
bằng bánh trưng, bánh dầy giả. Trước mặt cả thiên hạ mà dám lừa, nào bị
làm sao. Cớ gì ta lại bị, nay có danh sách này của những kẻ lừa thần,
dối tổ tiên, ông mang về cho thần xem. Nếu giết hết lũ ấy thì Gió này
có chết cũng cảm phục cái ân uy của thần.
Ông Từ cầm danh sách
Lái Gió đưa ra về. Lái Gió nhỏm dậy, xỏ guốc đi lại nhởn nhơ. Pha chè
mời hàng xóm đến uống. Có người hỏi:
- Ông không sợ sao?
Lái Gió cười đáp:
-
Cứ như ta suy thì hành pháp nước Vệ điều tra xem xét danh sách ấy mất
1000 năm, thần có nhờ Nam tào, Bắc đẩu, Diêm Vương cũng mất 100 năm.
Huống chi khi xét đến tội lại phài dò con nhà ai, cháu nhà ai nữa thì
thời gian không sao mà biết được. Mà đời ta đâu có sống được quá 50 năm
nữa.
Lại nói đến ông Từ núi Tản. Mang tờ đơn của Lái Gió về, qua
sông sóng nước trùng trùng, ba ba, thuồng luồng vũng vẫy dữ dội. Trong
bóng nước mịt mùng thấy Thuỷ Tinh cầm đinh ba cưỡi sóng lướt đi, dáng
đầy kiêu hãnh. Thuỷ Tinh thấy ông Từ mới hỏi:
- Này bằng hữu, lâu quá không gặp. Cô ấy vẫn mạnh khoẻ chứ, mà sao bằng hữu lại đóng giả ông Từ đi đâu thế.
Sơn Tinh tức ông Từ nói:
- Ta đi xem dân Vệ lòng dạ thế nào mà lừa cả thần, đang dò xét định tội để trừng phạt răn đe kẻ khác đây.
Thuỷ Tinh cả cười mà nói:
- Chẳng phải dân Vệ từ đời tổ tiên đã lừa đấy thôi sao?
Sơn Tinh:
- Tổ tiên lừa từ bao giờ?
Thuỷ Tinh cười nhạt nhắc:
- Ông không nhớ vụ thách cưới à? Ông liệu có tra được đến mấy nghìn năm
hay không. Giờ nước Vệ đang ổn định. Người dân sống trong cảnh thanh
bình, thoải mái làm ăn. ông làm thế là gây xáo trộn, xét lại quá khứ.
Cứ như tôi đây này, chuyện cũ ông với tôi giờ tôi cũng không nhắc tới.
Hướng tới tương lai. Hiện nay không phải là mùa làm ăn của tôi đây sao?
Ông mà điều tra thì đến ngọn rau cũng chả còn ai cúng cho ông. Thà có
con lợn nhỏ còn hơn là không có. Nay việc dưới nước tôi có phần của
tôi, việc trên cạn ông có phần của ông. Chúng ta chia nhau mà hưởng có
phải lợi không?
Sơn Tinh nghe xong thần người ra. Đoạn thò tay vào túi lấy tờ đơn của Lái Gió ngầm vò nát đi.
Dân kinh thành ngập lụt nheo nhóc, tiếng kêu ai oán. Quan tổng trấn kinh thành:
- Chúng mày lười lắm, không chịu bảo nhau lấy gầu đoàn kết mà múc đổ ra sông. Kêu cái gì mà kêu.
Cả kinh thành nghe thấy đều phẫn nộ, việc ấy đến tai triều đình. Quan tổng trấn cả cười mà nói giữa bàn nghị sự:
- Chúng tức thì làm được cái gì, chủ trương đâu đã vào đó rồi. Vừa rồi các thần gặp nhau bàn ở sông các ngài không thấy sao?
Triều đình hỉ hả gật đầu:
-
Ừ các thần trên kia đã chủ trương thế, chúng ta cớ gì mà phải lo lắng.
Đúng là bọn dân đen, ngu thế không biết. Trời có lúc nắng. lúc mưa.
Đợi đấy vài hôm thì mưa tạnh, kêu gì lắm thế.
Họp xong ra nghị quyết:
-
Bất cứ kẻ nào nhân dịp mưa bão mà báng bổ triều đình, đều ghép vào tội
phản nghịch. Bắt ngay tại chỗ. Còn việc phòng chống lụt lội đã có các
cơ quan chức năng, ban ngành nghiên cứu tìm cách đối phó. Tạm thời nhân
dân chủ động khắc phục khó khăn.
Nhân dân nước Vệ nghe lời, bảo nhau lấy gầu, xô, chậu múc nước tát ra sông. Khổng Phu Tử đi qua thấy vậy khen:
- Không ở đâu dân lành như dân Vệ.
Học trò là Tử Cống đáp:
- Dân Vệ lành, nhưng người Vệ không thật.
Tử Lộ nói:
- Bao giờ người Vệ thật, họ sẽ không lành nữa
Khổng Tử chốt hạ:
- Họ còn lành thì còn không biết cái thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét