Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Tư duy kinh tế nào đã và đang giết chết từng ngành và toàn diện nền kinh tế Việt Nam?


Tư duy kinh tế nào đã và đang giết chết từng ngành và toàn diện nền kinh tế Việt Nam?


Phan Châu Thành

Đặt vấn đề về Tư duy Kinh tế của Việt Nam


Từ hơn năm chục năm nay, tức là ngay trong và sau các cuộc chiến tranh, khách quan mà nói, nhà nước XHCN Việt nam đã luôn có những cố gắng tìm cách phát triển nền kinh tế mà họ định hướng là sẽ phải mang tính XHCN. Thế nhưng tại sao kết quả thì “Việt Nam vẫn là nước nghèo”, như TTg NTD mới vừa “hùng hồn” tuyên bố? 

Thực tế, kinh tế nước Việt ta đang còn lùi xa sau các nước lân cận mà trước đó, ngay cả khi trong những cuộc chiến tranh tàn khốc, nước ta vẫn có Hòn ngọc Viễn đông để vẫy gọi họ.


Hơn ba chục năm hoà bình ổn định là thời gian đủ dài để hai nước Á Đông lớn trở thành cường quốc kinh tế thế giới là Nhật (số 3 thế giới) và Trung quốc (số 2 thế giới), hoặc để đa số các nước Đông Nam Á hoá rồng, như Hàn Quốc (thứ 13 thế giới) hay Đài loan, Hongkong hay Singapore (tốp Rồng con), Malaysia hay Thái Lan (tốp đầu Đông Nam Á), chỉ riêng trừ Việt Nam XHCN là cứ tự mình “ưu việt” từ tốp đầu ĐNA lùi lại chót!


Hiện nay, rõ ràng ngay cả Philippine, Miamma, Lào hay Cămpuchia cũng đã, đang và sẽ có khả năng bứt phá, vượt qua Việt Nam trong 3-5 năm tới, làm câu hỏi trên càng thêm vô cùng nhức nhối lòng mỗi người Việt có tự trọng và tư duy.


Vậy, các nước đã và sẽ hoá rồng bứt phá bằng những điều kiện ưu việt hơn ta? Không, họ chỉ bứt phá bằng tư duy kinh tế khác. Đó không còn là vấn đề đúng sai của các chiến lược, mô hình hay đường lối kinh tế của đảng và chính phủ nữa, bởi vì vấn đề chiến lược các nước đều có thể học nhau và tự điều chỉnh… Vấn đề là tư duy kinh tế nào của đảng và chính phủ đang là cơ sở cho việc áp dụng các chiến lược kinh tế đó suốt mấy chục năm nay mà không thay đổi?


Tư duy kinh tế đó đã và đang trói chân buộc cánh nền kinh tế Việt Nam vốn “hứa hẹn cất cánh” từ 1975, rồi lại được kỳ vọng “sẽ cất cánh” sau đổi mới 1986, rồi lại “đang trên đường rồng bay” từ 2000, suốt cả hơn chục năm nay? Để rồi sắp hạ cánh xưống vực thẳm trong 2012-2013?!


Vậy, cái gọi là Tư duy kinh tế của Việt Nam là gì? Đó là tư duy kinh tế XHCN mang tính thị trường hay Tư duy kinh tế Thị trường định hướng XHCN, duy nhất chỉ VN có trên thế giới và na ná giống một hệ tư duy kinh tế cũng duy nhất khác: kinh tế Thị trường mang bản sắc TQ…(thực ra thì ta copy cái tên và chế biến đồ cũ dùng lại).


Thực trạng kinh tế Việt Nam 2011: một câu hỏi lớn

Cuộc “cất cánh” của nền kinh tế Việt Nam từ 1986 đến 2011 nghe chừng vẫn đang trục trặc chưa tìm thấy “đường băng” đâu, mà chỉ thấy bản thân nó đang bị rụng rơi từng “cánh” một…


Rụng đầu tiên là “cánh” “quả đấm thép” đóng tàu Vinashin. Nó cũng đã làm tan nát chiến lược kinh tế biển quốc gia đến 2030 mà Vinashin đã được thủ tướng và đảng đặt ở trọng tâm, ảnh hưởng tồi tệ đến không chỉ các ngành kinh tế biển khác (như hàng hải, thuỷ sản, du lịch, dầu khí, năng lượng…) mà cả khoa học biển và an ninh quốc phòng, cả vẹn toàn lãnh thổ quốc gia trên biển.


Tiếp theo là “cánh” “giấc mơ bốn bánh ô tô” dần tan vỡ âm thầm trước khí lên tiếng chào đời, để cho La Đalạt của CVCH từ trước 1975 vẫn là đỉnh cao ngất ngưởng không thể vượt qua. “Giấc mơ bốn bánh” kết thúc bằng thế giới đệ nhất thị trường xe hai bánh (thị trường lớn nhất) cho 95% dân lao động và thế giới đệ nhất xe sang (nhập ngoại) của quan chức và các đại gia “cùng nhóm” thân hữu. Tóm lại là Việt Nam chắc chắn và mãi mãi sẽ không bao giờ có một mác xe nào của mình ngoài La Đà lạt thân yêu!


“Cánh” đường sắt thì mới bị gãy trên “giấy” và “mồm” sau cơn cuồng ngộ ĐSCT của chính phủ, nay cũng chưa thể nâng cấp đường 1m thành 1,45m…, điều thế giới cơ bản đã làm xong trong thế kỷ trước rồi. Dù vậy, đảng ta vẫn còn đang âm mưu trở lại ước mơ ĐSCT mang màu sắc TQ trong tương lai gần để đưa dân tộc “đi tắt vào tương lai”…


Còn “cánh” ngành vật liệu cơ bản (thép, xi măng…), vốn chỉ biết bán nhân công độc quyền kiếm lời trên sân nhà và xin chế độ bảo hộ thì luôn thua trắng nước ngoài và chỉ biết đổ lỗ cho thị trường nội địa.


“Cánh” công nghiệp nặng và cơ khí chế tạo “là then chốt” của nên kinh tế đất nước nửa thế kỷ nay thì đã gãy chốt từ trước 1986 mà chưa gắn chốt lại được, và có lẽ kinh tế nước ta sẽ mãi mãi không có then chốt nữa, vì…


“Cánh” cơ khí-luyện kim-chế tạo máy với hàng trăm hàng ngàn tiến sĩ giáo sư vẫn chưa làm nổi các con bùlong đinh ốc cho chiếc xe máy, chứ chưa nói đến cho các ngành công nghiệp nội địa, và còn phải đi học các bác nông dân đang tự chế tạo máy móc nông cụ cho đến cả trực thăng… vài trăm năm nữa?


Các “cánh” điện tử, hoá chất, nhựa cũng sẽ sắp tan chảy hay bốc khói … vì chỉ chuyên dùng máy móc và công nghệ cũ của TQ, Đài loan…thải ra, không chế được 1 con chip, lắp đước một cái handphone…


“Cánh” điện, nước, xăng, dầu, than khoáng sản… thì luôn là hiểm hoạ tăng giá sản xuất và sinh hoạt của xã hội lên không ngừng vì …kinh doanh lỗ! Lạ thế, có tiền vốn, có độc quyền thị trường, có mọi chính sách hỗ trợ và chỉ việc đào tài nguyên đất nước của Tổ tiên để lại lên mà bán mà cứ lỗ triền miên trên “mỏ vàng vô tận” của dân tộc…


Tôi xin nói riêng về “cánh” dầu khí trong dịp khác, vì khi nó gẫy là thảm hoạ kinh tế sẽ bao trùm tất cả, nền kinh tế quốc gia sẽ sụp đổ, quốc gia sẽ sụp đổ…


Chỉ có “cánh” buôn bán nông sản, hải sản, và nhân công may mặc, giày da… là có lãi và có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế, nhưng người lao động thì ngày càng vô sản và tương lai ngành cũng hoàn toàn phụ thuộc thị trường “tư bản bóc lột” quốc tế mà thôi.


Các cánh là nông nghiệp và kinh tế dân doanh thì không thể rụng được, vì các nhân dân vẫn luôn còn đó, nhân dân vẫn luôn phải tự nuôi mình, chỉ có điều họ không thể nuôi cả đảng và chính phủ, quân đội chỉ bằng sức lao động của họ mà thôi. Nhung nông dân vẫn thiếu đói, cụ thể là Thanh Hoá đang đói rộng (trên 240,000 dân đang thiếu đói 2011!).


Chỉ có hai điểm sáng le lói cuối đường hầm kinh tế Việt Nam: kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Có mẫu số chung nào trong tình trạng đó của nền kinh tế nước ta hiện nay? Đó là tư duy kinh tế định hướng XHCN!


Thử lý giải hiện trạng và gọi tên nguyên nhân “gẫy cánh”

Thẳng thắn mà nói, bản thân cách chúng ta phải liệt kê thất bại của các ngành kinh tế VN như trên cũng đã nói nên nguyên nhân thất bại của nó trong tư duy kinh tế, đó là cách tư duy cục bộ, tư duy chiến tranh và tư duy chuyên ngành của lý thuyết kinh tế XHCN, bắt nguồn từ khái niệm XHCN ảo tưởng, đã quá lỗi thời vì sai lầm và đã bị cha sinh mẹ để của nó bỏ đi, mà VN ta đã “xin giống về trồng” đến nay vẫn quyết một lòng chăm bón.


Tư duy kinh tế cục bộ là cách tư duy tách biệt theo đơn vị địa phương nhỏ cấp tỉnh, tách khỏi cả nền kinh tế, không gắn liền và có quan hệ phụ thuộc hữu cơ với các bộ phận khác, như chiến lược chiến tranh du kích vậy. Nó rất tiện cho quan địa phương xâu xé, vì ngân sách quan trọng của nó là quĩ đất địa phương…


Tư duy kinh tế chiến tranh là cách tư duy xin-cho theo mệnh lệnh, nhiệm vụ cụ thể, riêng biệt của mỗi ngành kinh tế, không cần biết đến mối quan hệ của nhiệm vụ đó với các hoạt động kinh tế khác, giống như trong chiến tranh chỉ đơn vị nào tập trung biết nhiệm vụ của mình giao từ cấp trên…


Tư duy kinh tế vĩ mô chuyên ngành, tức là từ cấp nhà nước người ta đã chia nhỏ mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể rất vật chất và chuyên sâu cho từng bộ ngành, được đo bằng nhiệm vụ chính trị trước rồi mới đến hiệu quả kinh tế sau, rồi phân chia ngân sách (thuế và đi vay) cho từng ngành, để mỗi ngành từ đó tự mà lo hoàn thành nhiệm vụ.


Tất cả các ngành như một bầy bê con tranh nhau bú từ một bầu sữa bò mẹ, giữa chúng không hề có quan hệ tương tác chung nào khác ngoài cùng bò mẹ, hoặc quan hệ không được điều tiết bằng chính sách, mà chỉ bằng mệnh lệnh của… bò mẹ.


Đây là cách nhìn kinh tế của Mác, giống như Mác đã chia xã hội thành các giai cấp vậy. Nếu xã hội là một rừng cây, thì theo Mác, các “giai cấp” Lá, Cành, Thân, Rễ, Quả, Hoa… phải đấu tranh sinh tồn với nhau để tồn tại. Và để phát triển, một giai cấp (Lá chả hạn) phải tiêu diệt hết các giai cấp khác, biến họ thành mình… Rừng XHCN sẽ toàn lá?!


Như vậy, mục tiêu của đảng: “mỗi địa phương phải là một “pháo đài kinh tế” XHCN” (xưa là cấp huyện- hơn 500 pháo đài, nay là cấp tỉnh -hơn 60), “môĩ bộ ngành là một “đầu máy kinh tế” XHCN độc lập” (nay: hơn 20 bộ và gần 20 tập đoàn, tổng cty).


Từ tư duy đó, mỗi trong hơn sáu chục tỉnh thành đều phải có đủ các ngành “thế mạnh”: công nghiệp địa phương, các khu công nghiệp, các khu tiểu thủ công nghiệp, khu thương mại, du lịch phải có cả trường đại học của tỉnh, có y tế, giao thông riêng…bất chấp chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tư duy của bộ máy hành chính tỉnh, thành phố giống như tư duy của nguyên thủ quốc gia thu nhỏ, thành các ông vua con địa phương;


Từ tư duy đó, mỗi trong hơn ba chục bộ ngành nghề đều phải có đủ các các khu công nghiệp chuyên các khắp các vùng, các tỉnh từ bắc chí nam (Vinashin từng có trên 20 khu công nghiệp đóng tàu!), có các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu khoa học chuyên sâu, các trung tâm tài chính riêng, các ngành công nghiệp phụ trợ riêng, các trường và trung tâm đào tạo lạo động chuyên ngành riêng, hậu cần du lịch, y tế riêng, bảo hiểm riêng…cũng bất chấp chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tư duy của bộ máy hành chính các bộ ngành giống y như tư duy của văn phòng chính phủ thu nhỏ, phải có đủ mọi lĩnh vực kinh doanh để “độc lập”(vơ vét): các chính phủ con;


Tổng cộng, (không tính các lực lượng kinh tế của quân đội, công an, đảng, công đoàn, phụ nữ, thanh niên… rất đông đảo và hùng hậu), trong nhà nước VN XHCN ta có khoảng trên một trăm “quốc gia và chính phủ con” như thế (khoảng trên 120) để thực hiện một mục tiêu kinh tế xã hội bằng trên dưới một trăm cách, một trăm hướng độc lập và cạnh tranh nhau khốc liệt khác nhau, tất cả có đầy đủ các hệ thống cung cấp dịch vụ riêng nội bộ giống như nhau: dịch vụ giao thông, đào tạo, nghiên cứu, nhà ở, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, …như loạn “120 xứ quân” vậy.


Tôi đã từng nghe các vị chủ tịch nhiều tỉnh thao thao tư duy kinh tế của mình như một vị nguyên thủ quốc gia cao nhất, hay các vị chủ tich TGĐ các tập đoàn thao thao các kế hoạch phát triển biết bao ngành nghề trọn gói chỉ tự cho tập đoàn minh, cứ như một vị đững đầu chính phủ lo cơm áo cho cả quốc gia. Tư duy của họ 120 kẻ đứng đầu “120 xứ quân” như vậy, đáng mừng hay đáng lo? Đảng thì mừng. Tôi thì lo, rất lo, cho dân.


Ví dụ “thủ tướng con”: Cựu TGĐ tập đoàn Vinashin Trần Quang Vũ từng chiêu đãi chúng tôi một bữa trưa thịnh soạn có món tôm sú hấp và ông giới thiệu đó là tôm tập đoàn Vinashin nuôi trên mấy chục hecta chỉ để cung cấp cho cán bộ công nhân viên các nhà máy đóng tầu ăn cũng không đủ. Tôi xuống nhà bếp nói chuyện hỏi anh em thì họ nói bị tập đoàn ép mua tôm đắt hơn ngoài chợ và họ phảỉ ăn mãi một món tôm đắt cả tuần, hàng ngàn công nhân đều ớn mà không ai kêu đến tai ông tổng được. Cũng ông Vũ bữa khác còn khoe rằng tập đoàn ông đang đầu tư mấy trăm hecta rừng trồng thông để cung cấp…cây thông Noel cho công nhân tập đoàn cả nước! Kết quả của tư duy kinh tế Vinashin đó thế nào ta đã rõ…


Ví dụ “vua con”: Bí thư một tỉnh trung du duyên hải tầm trung bình như Quảng Ninh nhưng có khá lắm đất nhiều đồi, rất ít ruộng lại quyết tâm mong muốn để mỗi huyện thị phải có ít nhất 2-3 khu công nghiệp, tỉnh có 13 huyện thị vị chi sẽ phải có trên hai chục khu công nghiệp (sẽ lấy đi số lớn đất ruộng nông nghiệp vốn rất ít ỏi của tỉnh) để hy vọng thu hút đầu tư. 

Với tư duy của các “vua con” như vậy, cả nước đang có trên 300 KCN và con số này sẽ tiến đến 500 trong vài năm tới (đã qui hoạch xong). Trong khi đó, Singapore là quốc gia chỉ có 5 khu công nghiệp nhưng có tổng thu nhập năm 2010 trên 182 tỷ USD, gấp đội VN – 86 tỷ USD). Tư duy tỉnh nào cũng phải có nhiều KCN để thu hút đầu tư làm nước ta có số khu công nghiệp đã quy hoạch gấp 60 lần Singapore nhưng GDP bằng một nửa của họ khi dân số gấp hơn 20 lần, tức hiệu quả kinh tế kém gấp khoảng… hơn hai nghìn bốn trăm lần!


Cơ sở của tư duy theo ngành và địa phương và rồi của hệ thống tổ chức quân đôiu, chính trị, xã hội trong cả nền kinh tế quốc gia như thế là do lý thuyết kinh tế Mác-Lênin vốn chỉ coi trọng các ngành sản xuất ra sản phẩm vật chất, không coi dịch vụ là ngành cũng làm ra giá trị đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân. Nay dù thu nhập quốc dân đã được tính gồm cả giá trị dịch vụ (đến trên 40%) thì cơ cấu tổ chức nhà nước với các bộ ngành của ta, các sở ban ngành của các tỉnh thành vẫn gần nguyên như cũ.


Hiện trạng của tư duy kinh tế XHCN và kèm theo nó là các tổ chức kinh tế như trên làm:
- Tổ chức kinh tế nặng nề, bùng nhùng, không có chỉ huy, kém linh hoạt và không hiệu quả: không thực sự đủ sức làm tốt việc gì; 
- Khó hạch toán minh bạch gây nhiều thất thoát, khó kiểm soát gây tham nhũng bùng phát bên trong các tổ chức; 
- Chia quá nhỏ và dàn trải tiềm lực kinh tế, không tập trung được vốn cho các khu vực trọng điểm; không thể chuyên sâu để có trình độ cao, chất lượng tốt để cạnh tranh quốc tế;

- Nhiều vấn đề các ngành hay các địa phương không thể tự giải quyết được mà phải là liên ngành và cấp trung ương cùng giải quyết như: đào tạo và cung cấp nhân lực lao động phổ thông chất lượng cao, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ chung, đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu thí nghiệm ững dụng liên ngành, các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên, chung, và độc lập như bảo hiểm, tài chính, y tế, hay nghĩ dưỡng, du lịch…
- Các vấn đề không được giải quyết vì không được nhìn ra lại càng tự lây lan hay thấm sâu và gây cản trở cho phát triển chung…

Tư duy kinh tế như vậy có thể gọi là tư duy kinh tế tự sát hay tư duy bị ung thư, mà cái gen ung thư chính là hạt giống XHCN. Muốn khỏi chết, chỉ có cắt bỏ khối ung thư.


Kinh tế Việt Nam muốn phát triển thành Rồng, chỉ có một con đường: bỏ tư duy định hướng XHCN. Thay nó bằng gì? Chả cần thay gì cả, Tư duy kinh tế thị trường – hạt giống đã có trong khối kinh tế tư nhân và nước ngoài, tự nó sẽ phát triển thay thế và phát huy tác dụng tốt cho cả nền kinh tế và cả xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét