Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Tin hay không tin

Tin hay không tin

Sau vụ anh Ðoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng bị cướp đất rồi bị bắt, nhiều người Việt trong nước đã đặt câu hỏi trên các mạng lưới: “Liệu vụ này có bị chìm xuồng không?” Rồi tự trả lời: “Chúng tôi chả còn biết tin vào đâu nữa!” Một độc giả khác trấn an: “Hãy tin vào đảng vào trung ương…” Nhưng có người phản bác ngay: “Các bác vẫn còn cái trung ương để tin. Em thì chẳng. Dứt khoát như thế cho nó nhanh. Còn tin vào đâu?”

Một cách cụ thể, một vị độc giả trên mạng đề nghị: “Hãy làm một cuộc trưng cầu dân ý bằng cách cho mọi người bỏ phiếu với hai khả năng (chọn lựa): Tin – Không tin.” Và vị này đoán kết quả sẽ “có đến 90 % người dân không tin vào vai trò lãnh đạo của đảng nữa.” Một vị khác đồng ý: “Tôi nghĩ… việc mất lòng tin của dân là nhãn tiền.”

Thực sự bây giờ mà đặt câu hỏi dân Việt Nam còn tin hay không tin đảng cộng sản thì hơi phí thời giờ. Ðó là một vấn đề chẳng cần nêu ra làm gì nữa, câu trả lời ai cũng biết rồi. Có thể đặt ngay một câu hỏi là “Ðảng cộng sản có còn tin vào đảng nữa hay không?” Và có thể trả lời ngay là KHÔNG. Cũng trả lời “Dứt khoát như thế cho nó nhanh!”

Hãy thử tự đặt mình vào địa vị các đảng viên và lãnh tụ cao cấp của đảng mà tự hỏi: “Nếu TIN thì TIN vào cái gì? Có cái gì để TIN hay không?” Hỏi rồi, nhìn quanh nhìn quẩn, thực tình, chẳng thấy có cái gì để tin hết! Chính họ cũng không thấy có gì để tin vào đảng của họ nữa, “Nói dứt khoát như thế cho nó nhanh!”

Trước hết, đảng viên cộng sản còn ai tin vào mục đích sau cùng của các đảng cộng sản là làm cách mạng vô sản toàn thế giới hay không? Các đảng viên cộng sản bây giờ còn tin rằng kinh tế tư bản đang rẫy chết, sắp sụp đổ như ông tổ Karl Marx đã tiên đoán trước đây hơn 150 năm hay không? Các đảng viên cộng sản bây giờ còn ai muốn nghiên cứu học tập những lý thuyết viển vông như Duy Vật Biện Chứng hay Duy Vật Lịch Sử nữa hay không?

Những giáo điều căn bản của đảng cộng sản, họ không tin, thì họ tin vào cái gì? Ngay cả những lãnh tụ cao cấp nhất trong đảng cũng chỉ chăm chắm lo làm giầu, lo củng cố địa vị cho con cháu; có ai bây giờ còn tự xưng mình là một “chiến sĩ vô sản?”

Cơn khủng hoảng niềm tin trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu ngay từ khi họ chiếm được miền Nam Việt Nam. Những đảng viên người miền Bắc thấy rõ người dân trong Nam từng có mức sống cao hơn và có nhiều quyền tự do hơn trước khi “được Ðảng giải phóng.” Những chính sách kinh tế thất bại gây ra nạn đói, cho thấy chủ trương và tài cán của các lãnh tụ là số không. Các cuộc chiến tranh với Khmer Ðỏ và Trung Cộng cho thấy cái gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản là hoàn toàn dối trá, bịp bợm. Cảnh sụp đổ của Liên Xô và khối cộng sản ở Âu Châu đã mở mắt tất cả những đảng viên vẫn còn mơ hồ. Khi đảng cộng sản quyết định “đổi mới” thì người ta đã thấy chẳng qua chỉ là trở về với những phương pháp cũ, trước bị đảng cộng sản thay đổi! Nếu còn ai tin tưởng vào đảng cộng sản thì niềm tin đó cũng chấm dứt khi người ta nhìn thấy cảnh các cán bộ từ trên xuống dưới chạy đua trên con đường biến thành tư bản đỏ. Không phải tất cả các đảng viên cộng sản đều hy vọng thành tư bản đỏ, vì chỉ có một thiểu số giành được quyền làm giầu. Những người còn lại phải bám vào đảng để sống.

Riêng đám lãnh tụ đầu đảng bây giờ chỉ còn lo củng cố địa vị mà làm giầu. Họ tìm cách học tập rồi chắp vá những mánh khóe của các chế độ độc tài khác trên thế giới, cố làm sao bảo vệ quyền hành, và bảo đảm đám con cháu sẽ còn được hưởng thụ như họ càng lâu càng tốt. Tất cả là một mạng lưới kết hợp chặt chẽ với nhau để giữ quyền và đục khoét. Ở cấp xã, cấp huyện thì tiêu biểu là xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ở cấp cao hơn thì tiêu biểu là bọn những tập đoàn PMU 18, Xa lộ Ðông Tây ở Sài Gòn, Vinashin. Tất cả đều nhắm mục đích vơ vét thật nhanh, vì biết ngày sụp đổ không còn xa nữa. Leo lên ngồi được vào một cái ghế rất tốn kém, thời gian kiếm chác không biết được bao lâu, cho nên phải nhất trí vơ vét thật nhanh! Như một người dân đã viết trên mạng: Họ đầu tư thì họ phải cố thu hồi!

Tóm lại, bây giờ, đảng cộng sản cũng không còn tin vào chính nó nữa. Những bài diễn văn vẫn đề cao những chủ nghĩa lạc hậu, vẫn hô to các khẩu hiệu rỗng tuếch; chính họ cũng không còn tin lời họ nói nữa. Ngay việc họ vẫn tự gọi tên đảng của họ là đảng cộng sản đã là một điều dối trá trơ trẽn rồi. Người dân coi họ chỉ là một bè lũ Mafia.

Nhưng một hậu quả thê thảm sau hơn nửa thế kỷ cộng sản cai trị, là họ cũng phá vỡ hết cả niềm tin của mọi người dân Việt Nam. Ðảng cộng sản ngay từ đầu đã chủ trương phá các tôn giáo, vì sợ lòng trung thành với đảng bị chia sẻ. Họ hủy bỏ trật tự của các gia đình, là nơi vẫn chứa đựng các giá trị nhân bản như tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái, niềm tin vào phúc đức tổ tiên, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ biến công việc giáo dục thành một khí cụ tuyên truyền, xóa sạch tinh thần “tôn sư trọng đạo” mà các tiền nhân từ Chu Văn An đến Nguyễn Ðình Chiểu đã xây dựng trong hàng ngàn năm. Họ bỏ mặc các giáo chức sống nghèo khổ, phải lo kiếm ăn nhiều hơn là lo giáo dục; làm mất uy tín của các thầy giáo, cô giáo, mà từ đời xưa vẫn được coi là lớp người làm gương mẫu cho thanh thiếu niên Việt Nam. Họ coi cả hệ thống tư pháp là một dụng cụ cai trị, không người dân nào tin tưởng vào luật pháp nữa. Trật tự xã hội chỉ dựa trên nỗi sợ hãi trước guồng máy công an.

Hậu quả của các chính sách cộng sản là tạo nên một xã hội bơ vơ không còn ai tin vào các giá trị tinh thần. Trước đây 30 năm, tập truyện Thằng Người Có Ðuôi của nhà văn Thế Giang đã cho thấy những thứ tội ác diễn ra lạnh lùng, ngay cả cảnh người lớn đối xử ác độc với trẻ em. Trước đây 25 năm Nguyễn Huy Thiệp đã mô tả tình trạng con giết cha, vợ bỏ chồng, anh em, bạn bè lợi dụng lẫn nhau; trong một xã hội hoàn toàn không có các tiêu chuẩn luân lý. Nhưng trong văn chương của Nguyễn Huy Thiệp cũng như Thế Giang độc giả còn thấy bóng dáng của lòng từ bi, của những khát vọng hướng về Cái Thiện. Ngày nay, đọc tiểu thuyết Xe Lên Xe Xuống của Nguyễn Bình Phương chúng ta thấy ông cực tả tình trạng trống rỗng tinh thần ở một mức độ kinh hoàng hơn nữa. Cái Thiện hoàn toàn vắng mặt. Các nhân vật trong Xe Lên Xe Xuống không quan tâm đến một giá trị luân lý nào cả. Ðộng cơ của họ khi cư xử với nhau, khi đối phó với hoàn cảnh bên ngoài, đều là do lòng tham và nỗi sợ. Họ chỉ đi tìm tiền bạc, quyền hành, và nhục dục. Họ nhìn người khác đều chỉ thấy đó là những vật có thể dùng để thỏa mãn các mục đích này. Hình ảnh duy nhất còn mang lại niềm tin trong toàn cảnh tiểu thuyết này là tình anh em ruột thịt, qua những ký ức về thời thơ ấu của nhân vật chính, khi hai anh em đối xử với nhau như những con người, không vụ lợi.

Có thể đó là một điều mà Nguyễn Bình Phương nêu lên như mầm mống để nuôi hy vọng cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Cuốn tiểu thuyết đặt trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Hoa tàn khốc những năm 1979, và 1984, cuối cùng, chứa đựng một nỗi khát khao: Phải sống lại tình anh em máu mủ, như thời chúng ta còn là những đứa trẻ thơ.

Bởi vì các chế độ chính trị sau cùng đều tàn lụi cả. Các chủ nghĩa, các lý thuyết đều chỉ có giá trị nhất thời. Những người giầu có nhất, quyền lực cao nhất, sau cùng cũng sẽ bị lãng quên. Quyền hành, danh vọng, tiền bạc, khi chết không ai mang theo được. Nhưng tình tự dân tộc, tình thương yêu giữa người Việt Nam với nhau giống như tình anh em ruột thịt, vẫn tồn tại. Mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều chia sẻ những nỗi nhục nhằn cay đắng của các nhân vật trong Xe Lên Xe Xuống, trong cơn hoạn nạn đất nước bị xâm lăng. Tất cả đều xúc động khi đọc tin tức về gia đình ông Ðoàn Văn Vươn. Tình đồng bào đó vượt lên trên mọi bức tường chia rẽ chúng ta, dù là tường lửa.

Bây giờ chẳng cần đặt ra câu hỏi người dân còn tin chính quyền cộng sản hay không nữa. Nhưng chúng ta có thể tin vào tình thương yêu giữa đồng bào với nhau. Mối quan tâm lớn là chính chúng ta phải xây dựng lại niềm tin giữa người Việt Nam với người Việt Nam. Bắt đầu bằng tấm lòng thành thật, bằng lời nói đúng sự thật, và thái độ sẵn sàng tin tưởng vào những người cùng thành tâm thiện chí. Chỉ có sự thật xây dựng được niềm tin.

Ngô Nhân Dụng

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Tư duy kinh tế nào đã và đang giết chết từng ngành và toàn diện nền kinh tế Việt Nam?


Tư duy kinh tế nào đã và đang giết chết từng ngành và toàn diện nền kinh tế Việt Nam?


Phan Châu Thành

Đặt vấn đề về Tư duy Kinh tế của Việt Nam


Từ hơn năm chục năm nay, tức là ngay trong và sau các cuộc chiến tranh, khách quan mà nói, nhà nước XHCN Việt nam đã luôn có những cố gắng tìm cách phát triển nền kinh tế mà họ định hướng là sẽ phải mang tính XHCN. Thế nhưng tại sao kết quả thì “Việt Nam vẫn là nước nghèo”, như TTg NTD mới vừa “hùng hồn” tuyên bố? 

Thực tế, kinh tế nước Việt ta đang còn lùi xa sau các nước lân cận mà trước đó, ngay cả khi trong những cuộc chiến tranh tàn khốc, nước ta vẫn có Hòn ngọc Viễn đông để vẫy gọi họ.


Hơn ba chục năm hoà bình ổn định là thời gian đủ dài để hai nước Á Đông lớn trở thành cường quốc kinh tế thế giới là Nhật (số 3 thế giới) và Trung quốc (số 2 thế giới), hoặc để đa số các nước Đông Nam Á hoá rồng, như Hàn Quốc (thứ 13 thế giới) hay Đài loan, Hongkong hay Singapore (tốp Rồng con), Malaysia hay Thái Lan (tốp đầu Đông Nam Á), chỉ riêng trừ Việt Nam XHCN là cứ tự mình “ưu việt” từ tốp đầu ĐNA lùi lại chót!


Hiện nay, rõ ràng ngay cả Philippine, Miamma, Lào hay Cămpuchia cũng đã, đang và sẽ có khả năng bứt phá, vượt qua Việt Nam trong 3-5 năm tới, làm câu hỏi trên càng thêm vô cùng nhức nhối lòng mỗi người Việt có tự trọng và tư duy.


Vậy, các nước đã và sẽ hoá rồng bứt phá bằng những điều kiện ưu việt hơn ta? Không, họ chỉ bứt phá bằng tư duy kinh tế khác. Đó không còn là vấn đề đúng sai của các chiến lược, mô hình hay đường lối kinh tế của đảng và chính phủ nữa, bởi vì vấn đề chiến lược các nước đều có thể học nhau và tự điều chỉnh… Vấn đề là tư duy kinh tế nào của đảng và chính phủ đang là cơ sở cho việc áp dụng các chiến lược kinh tế đó suốt mấy chục năm nay mà không thay đổi?


Tư duy kinh tế đó đã và đang trói chân buộc cánh nền kinh tế Việt Nam vốn “hứa hẹn cất cánh” từ 1975, rồi lại được kỳ vọng “sẽ cất cánh” sau đổi mới 1986, rồi lại “đang trên đường rồng bay” từ 2000, suốt cả hơn chục năm nay? Để rồi sắp hạ cánh xưống vực thẳm trong 2012-2013?!


Vậy, cái gọi là Tư duy kinh tế của Việt Nam là gì? Đó là tư duy kinh tế XHCN mang tính thị trường hay Tư duy kinh tế Thị trường định hướng XHCN, duy nhất chỉ VN có trên thế giới và na ná giống một hệ tư duy kinh tế cũng duy nhất khác: kinh tế Thị trường mang bản sắc TQ…(thực ra thì ta copy cái tên và chế biến đồ cũ dùng lại).


Thực trạng kinh tế Việt Nam 2011: một câu hỏi lớn

Cuộc “cất cánh” của nền kinh tế Việt Nam từ 1986 đến 2011 nghe chừng vẫn đang trục trặc chưa tìm thấy “đường băng” đâu, mà chỉ thấy bản thân nó đang bị rụng rơi từng “cánh” một…


Rụng đầu tiên là “cánh” “quả đấm thép” đóng tàu Vinashin. Nó cũng đã làm tan nát chiến lược kinh tế biển quốc gia đến 2030 mà Vinashin đã được thủ tướng và đảng đặt ở trọng tâm, ảnh hưởng tồi tệ đến không chỉ các ngành kinh tế biển khác (như hàng hải, thuỷ sản, du lịch, dầu khí, năng lượng…) mà cả khoa học biển và an ninh quốc phòng, cả vẹn toàn lãnh thổ quốc gia trên biển.


Tiếp theo là “cánh” “giấc mơ bốn bánh ô tô” dần tan vỡ âm thầm trước khí lên tiếng chào đời, để cho La Đalạt của CVCH từ trước 1975 vẫn là đỉnh cao ngất ngưởng không thể vượt qua. “Giấc mơ bốn bánh” kết thúc bằng thế giới đệ nhất thị trường xe hai bánh (thị trường lớn nhất) cho 95% dân lao động và thế giới đệ nhất xe sang (nhập ngoại) của quan chức và các đại gia “cùng nhóm” thân hữu. Tóm lại là Việt Nam chắc chắn và mãi mãi sẽ không bao giờ có một mác xe nào của mình ngoài La Đà lạt thân yêu!


“Cánh” đường sắt thì mới bị gãy trên “giấy” và “mồm” sau cơn cuồng ngộ ĐSCT của chính phủ, nay cũng chưa thể nâng cấp đường 1m thành 1,45m…, điều thế giới cơ bản đã làm xong trong thế kỷ trước rồi. Dù vậy, đảng ta vẫn còn đang âm mưu trở lại ước mơ ĐSCT mang màu sắc TQ trong tương lai gần để đưa dân tộc “đi tắt vào tương lai”…


Còn “cánh” ngành vật liệu cơ bản (thép, xi măng…), vốn chỉ biết bán nhân công độc quyền kiếm lời trên sân nhà và xin chế độ bảo hộ thì luôn thua trắng nước ngoài và chỉ biết đổ lỗ cho thị trường nội địa.


“Cánh” công nghiệp nặng và cơ khí chế tạo “là then chốt” của nên kinh tế đất nước nửa thế kỷ nay thì đã gãy chốt từ trước 1986 mà chưa gắn chốt lại được, và có lẽ kinh tế nước ta sẽ mãi mãi không có then chốt nữa, vì…


“Cánh” cơ khí-luyện kim-chế tạo máy với hàng trăm hàng ngàn tiến sĩ giáo sư vẫn chưa làm nổi các con bùlong đinh ốc cho chiếc xe máy, chứ chưa nói đến cho các ngành công nghiệp nội địa, và còn phải đi học các bác nông dân đang tự chế tạo máy móc nông cụ cho đến cả trực thăng… vài trăm năm nữa?


Các “cánh” điện tử, hoá chất, nhựa cũng sẽ sắp tan chảy hay bốc khói … vì chỉ chuyên dùng máy móc và công nghệ cũ của TQ, Đài loan…thải ra, không chế được 1 con chip, lắp đước một cái handphone…


“Cánh” điện, nước, xăng, dầu, than khoáng sản… thì luôn là hiểm hoạ tăng giá sản xuất và sinh hoạt của xã hội lên không ngừng vì …kinh doanh lỗ! Lạ thế, có tiền vốn, có độc quyền thị trường, có mọi chính sách hỗ trợ và chỉ việc đào tài nguyên đất nước của Tổ tiên để lại lên mà bán mà cứ lỗ triền miên trên “mỏ vàng vô tận” của dân tộc…


Tôi xin nói riêng về “cánh” dầu khí trong dịp khác, vì khi nó gẫy là thảm hoạ kinh tế sẽ bao trùm tất cả, nền kinh tế quốc gia sẽ sụp đổ, quốc gia sẽ sụp đổ…


Chỉ có “cánh” buôn bán nông sản, hải sản, và nhân công may mặc, giày da… là có lãi và có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế, nhưng người lao động thì ngày càng vô sản và tương lai ngành cũng hoàn toàn phụ thuộc thị trường “tư bản bóc lột” quốc tế mà thôi.


Các cánh là nông nghiệp và kinh tế dân doanh thì không thể rụng được, vì các nhân dân vẫn luôn còn đó, nhân dân vẫn luôn phải tự nuôi mình, chỉ có điều họ không thể nuôi cả đảng và chính phủ, quân đội chỉ bằng sức lao động của họ mà thôi. Nhung nông dân vẫn thiếu đói, cụ thể là Thanh Hoá đang đói rộng (trên 240,000 dân đang thiếu đói 2011!).


Chỉ có hai điểm sáng le lói cuối đường hầm kinh tế Việt Nam: kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Có mẫu số chung nào trong tình trạng đó của nền kinh tế nước ta hiện nay? Đó là tư duy kinh tế định hướng XHCN!


Thử lý giải hiện trạng và gọi tên nguyên nhân “gẫy cánh”

Thẳng thắn mà nói, bản thân cách chúng ta phải liệt kê thất bại của các ngành kinh tế VN như trên cũng đã nói nên nguyên nhân thất bại của nó trong tư duy kinh tế, đó là cách tư duy cục bộ, tư duy chiến tranh và tư duy chuyên ngành của lý thuyết kinh tế XHCN, bắt nguồn từ khái niệm XHCN ảo tưởng, đã quá lỗi thời vì sai lầm và đã bị cha sinh mẹ để của nó bỏ đi, mà VN ta đã “xin giống về trồng” đến nay vẫn quyết một lòng chăm bón.


Tư duy kinh tế cục bộ là cách tư duy tách biệt theo đơn vị địa phương nhỏ cấp tỉnh, tách khỏi cả nền kinh tế, không gắn liền và có quan hệ phụ thuộc hữu cơ với các bộ phận khác, như chiến lược chiến tranh du kích vậy. Nó rất tiện cho quan địa phương xâu xé, vì ngân sách quan trọng của nó là quĩ đất địa phương…


Tư duy kinh tế chiến tranh là cách tư duy xin-cho theo mệnh lệnh, nhiệm vụ cụ thể, riêng biệt của mỗi ngành kinh tế, không cần biết đến mối quan hệ của nhiệm vụ đó với các hoạt động kinh tế khác, giống như trong chiến tranh chỉ đơn vị nào tập trung biết nhiệm vụ của mình giao từ cấp trên…


Tư duy kinh tế vĩ mô chuyên ngành, tức là từ cấp nhà nước người ta đã chia nhỏ mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể rất vật chất và chuyên sâu cho từng bộ ngành, được đo bằng nhiệm vụ chính trị trước rồi mới đến hiệu quả kinh tế sau, rồi phân chia ngân sách (thuế và đi vay) cho từng ngành, để mỗi ngành từ đó tự mà lo hoàn thành nhiệm vụ.


Tất cả các ngành như một bầy bê con tranh nhau bú từ một bầu sữa bò mẹ, giữa chúng không hề có quan hệ tương tác chung nào khác ngoài cùng bò mẹ, hoặc quan hệ không được điều tiết bằng chính sách, mà chỉ bằng mệnh lệnh của… bò mẹ.


Đây là cách nhìn kinh tế của Mác, giống như Mác đã chia xã hội thành các giai cấp vậy. Nếu xã hội là một rừng cây, thì theo Mác, các “giai cấp” Lá, Cành, Thân, Rễ, Quả, Hoa… phải đấu tranh sinh tồn với nhau để tồn tại. Và để phát triển, một giai cấp (Lá chả hạn) phải tiêu diệt hết các giai cấp khác, biến họ thành mình… Rừng XHCN sẽ toàn lá?!


Như vậy, mục tiêu của đảng: “mỗi địa phương phải là một “pháo đài kinh tế” XHCN” (xưa là cấp huyện- hơn 500 pháo đài, nay là cấp tỉnh -hơn 60), “môĩ bộ ngành là một “đầu máy kinh tế” XHCN độc lập” (nay: hơn 20 bộ và gần 20 tập đoàn, tổng cty).


Từ tư duy đó, mỗi trong hơn sáu chục tỉnh thành đều phải có đủ các ngành “thế mạnh”: công nghiệp địa phương, các khu công nghiệp, các khu tiểu thủ công nghiệp, khu thương mại, du lịch phải có cả trường đại học của tỉnh, có y tế, giao thông riêng…bất chấp chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tư duy của bộ máy hành chính tỉnh, thành phố giống như tư duy của nguyên thủ quốc gia thu nhỏ, thành các ông vua con địa phương;


Từ tư duy đó, mỗi trong hơn ba chục bộ ngành nghề đều phải có đủ các các khu công nghiệp chuyên các khắp các vùng, các tỉnh từ bắc chí nam (Vinashin từng có trên 20 khu công nghiệp đóng tàu!), có các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu khoa học chuyên sâu, các trung tâm tài chính riêng, các ngành công nghiệp phụ trợ riêng, các trường và trung tâm đào tạo lạo động chuyên ngành riêng, hậu cần du lịch, y tế riêng, bảo hiểm riêng…cũng bất chấp chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tư duy của bộ máy hành chính các bộ ngành giống y như tư duy của văn phòng chính phủ thu nhỏ, phải có đủ mọi lĩnh vực kinh doanh để “độc lập”(vơ vét): các chính phủ con;


Tổng cộng, (không tính các lực lượng kinh tế của quân đội, công an, đảng, công đoàn, phụ nữ, thanh niên… rất đông đảo và hùng hậu), trong nhà nước VN XHCN ta có khoảng trên một trăm “quốc gia và chính phủ con” như thế (khoảng trên 120) để thực hiện một mục tiêu kinh tế xã hội bằng trên dưới một trăm cách, một trăm hướng độc lập và cạnh tranh nhau khốc liệt khác nhau, tất cả có đầy đủ các hệ thống cung cấp dịch vụ riêng nội bộ giống như nhau: dịch vụ giao thông, đào tạo, nghiên cứu, nhà ở, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, …như loạn “120 xứ quân” vậy.


Tôi đã từng nghe các vị chủ tịch nhiều tỉnh thao thao tư duy kinh tế của mình như một vị nguyên thủ quốc gia cao nhất, hay các vị chủ tich TGĐ các tập đoàn thao thao các kế hoạch phát triển biết bao ngành nghề trọn gói chỉ tự cho tập đoàn minh, cứ như một vị đững đầu chính phủ lo cơm áo cho cả quốc gia. Tư duy của họ 120 kẻ đứng đầu “120 xứ quân” như vậy, đáng mừng hay đáng lo? Đảng thì mừng. Tôi thì lo, rất lo, cho dân.


Ví dụ “thủ tướng con”: Cựu TGĐ tập đoàn Vinashin Trần Quang Vũ từng chiêu đãi chúng tôi một bữa trưa thịnh soạn có món tôm sú hấp và ông giới thiệu đó là tôm tập đoàn Vinashin nuôi trên mấy chục hecta chỉ để cung cấp cho cán bộ công nhân viên các nhà máy đóng tầu ăn cũng không đủ. Tôi xuống nhà bếp nói chuyện hỏi anh em thì họ nói bị tập đoàn ép mua tôm đắt hơn ngoài chợ và họ phảỉ ăn mãi một món tôm đắt cả tuần, hàng ngàn công nhân đều ớn mà không ai kêu đến tai ông tổng được. Cũng ông Vũ bữa khác còn khoe rằng tập đoàn ông đang đầu tư mấy trăm hecta rừng trồng thông để cung cấp…cây thông Noel cho công nhân tập đoàn cả nước! Kết quả của tư duy kinh tế Vinashin đó thế nào ta đã rõ…


Ví dụ “vua con”: Bí thư một tỉnh trung du duyên hải tầm trung bình như Quảng Ninh nhưng có khá lắm đất nhiều đồi, rất ít ruộng lại quyết tâm mong muốn để mỗi huyện thị phải có ít nhất 2-3 khu công nghiệp, tỉnh có 13 huyện thị vị chi sẽ phải có trên hai chục khu công nghiệp (sẽ lấy đi số lớn đất ruộng nông nghiệp vốn rất ít ỏi của tỉnh) để hy vọng thu hút đầu tư. 

Với tư duy của các “vua con” như vậy, cả nước đang có trên 300 KCN và con số này sẽ tiến đến 500 trong vài năm tới (đã qui hoạch xong). Trong khi đó, Singapore là quốc gia chỉ có 5 khu công nghiệp nhưng có tổng thu nhập năm 2010 trên 182 tỷ USD, gấp đội VN – 86 tỷ USD). Tư duy tỉnh nào cũng phải có nhiều KCN để thu hút đầu tư làm nước ta có số khu công nghiệp đã quy hoạch gấp 60 lần Singapore nhưng GDP bằng một nửa của họ khi dân số gấp hơn 20 lần, tức hiệu quả kinh tế kém gấp khoảng… hơn hai nghìn bốn trăm lần!


Cơ sở của tư duy theo ngành và địa phương và rồi của hệ thống tổ chức quân đôiu, chính trị, xã hội trong cả nền kinh tế quốc gia như thế là do lý thuyết kinh tế Mác-Lênin vốn chỉ coi trọng các ngành sản xuất ra sản phẩm vật chất, không coi dịch vụ là ngành cũng làm ra giá trị đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân. Nay dù thu nhập quốc dân đã được tính gồm cả giá trị dịch vụ (đến trên 40%) thì cơ cấu tổ chức nhà nước với các bộ ngành của ta, các sở ban ngành của các tỉnh thành vẫn gần nguyên như cũ.


Hiện trạng của tư duy kinh tế XHCN và kèm theo nó là các tổ chức kinh tế như trên làm:
- Tổ chức kinh tế nặng nề, bùng nhùng, không có chỉ huy, kém linh hoạt và không hiệu quả: không thực sự đủ sức làm tốt việc gì; 
- Khó hạch toán minh bạch gây nhiều thất thoát, khó kiểm soát gây tham nhũng bùng phát bên trong các tổ chức; 
- Chia quá nhỏ và dàn trải tiềm lực kinh tế, không tập trung được vốn cho các khu vực trọng điểm; không thể chuyên sâu để có trình độ cao, chất lượng tốt để cạnh tranh quốc tế;

- Nhiều vấn đề các ngành hay các địa phương không thể tự giải quyết được mà phải là liên ngành và cấp trung ương cùng giải quyết như: đào tạo và cung cấp nhân lực lao động phổ thông chất lượng cao, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ chung, đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu thí nghiệm ững dụng liên ngành, các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên, chung, và độc lập như bảo hiểm, tài chính, y tế, hay nghĩ dưỡng, du lịch…
- Các vấn đề không được giải quyết vì không được nhìn ra lại càng tự lây lan hay thấm sâu và gây cản trở cho phát triển chung…

Tư duy kinh tế như vậy có thể gọi là tư duy kinh tế tự sát hay tư duy bị ung thư, mà cái gen ung thư chính là hạt giống XHCN. Muốn khỏi chết, chỉ có cắt bỏ khối ung thư.


Kinh tế Việt Nam muốn phát triển thành Rồng, chỉ có một con đường: bỏ tư duy định hướng XHCN. Thay nó bằng gì? Chả cần thay gì cả, Tư duy kinh tế thị trường – hạt giống đã có trong khối kinh tế tư nhân và nước ngoài, tự nó sẽ phát triển thay thế và phát huy tác dụng tốt cho cả nền kinh tế và cả xã hội.

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Đại Vệ Chí Dị 43

Trích dẫn:
THÔNG CÁO BÁO CHÍ:

Việc bắt giữ Bùi Thị Minh Hằng


Hà Nội, 5/1/2012 – Đại sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc bởi những tin tức tường thuật rằng Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án không qua xét xử tới 2 năm giam giữ tại một trại cải tạo ở Việt Nam vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hoà. Sự việc không theo trình tự chuẩn mực này mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam đối với Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu. Bùi Thị Minh Hằng đã tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hoà liên quan đến Biển Đông hồi năm ngoái.

Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả bà Hằng và tất cả các tù chính trị, và khẳng định rằng không ai đáng bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận hay quyền hội họp ôn hoà hay bất cứ quyền con người nào được quốc tế công nhận. Hoa Kỳ vẫn thường xuyên thúc giục Chính phủ Việt Nam thả vô điều kiện mọi cá nhân bị bỏ tù vì bày tỏ quan điểm của mình.

Hợp tác về nhân quyền vẫn là một mặt quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Chúng tôi tiếp tục thúc giục Chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền được quốc tế công nhận.

(hết thông cáo)

NguồnEmbassy of the US – Hanoi, Vietnam

Hết trích dẫn

Nước Vệ nói rằng ở nước họ không ai bị bắt vì bất đồng chính kiến.
Các nước khác chả ai tin, thật oan uổng cho Vệ. Vì sự thật đúng là như Vệ nói.

Nước Vệ từ thời lập quốc đến nay, trải qua 67 mùa xuân, bao lần bầu cử lần nào dân chúng cũng ủng hộ triều đình tuyệt đối. Người dân Vệ ai cũng đời đời ghi ơn công lao nhà Sản đã đổ xương máu của mọi người ra giành được triều đình về nhà Sản từ tay triều đình khác, ơn ấy dân chúng ghi lòng tạc da, dẫu thời thế đôi khi kém cơm, đói gạo cũng không vì thế mà có bụng khác.

Sứ thần nước nọ vốn tính đa nghi, hiếu sự hay thóc mách chuyện lạ lùng. Nghe thấy người Vệ nói ở đó không có ai bất đồng chính kiến, mới sinh bụng ngờ vực. Bèn nhân chuyến bang giao sang Vệ, đóng giả làm thương gia lân la quán chợ hỏi chuyện nhân tình, thế thái.

Bấy giờ là mùa đông, miền Bắc nước Vệ lạnh dữ dội. Sứ thần nghe trong quán rượu xì xầm chuyện xe ngựa bốc cháy nhiều. Mới đến gần bàn đám đó hỏi sao mà xe cộ, nhà cửa cháy nhiều thế. Người Vệ thấy khách lạ hỏi chuyện ai nấy đều lảng đi không trả lời, chủ quán vì không muốn làm khách ngoại quốc hiểu sai về người Vệ không cởi mở bèn chỉ cho khách đến gặp văn thư ở bộ Lại mà hỏi chuyện.

Văn thư bộ Lại nói rằng, đó là do nhà Sản được lòng trời, nên cháy nổ mới nhiều như vậy.

Khách há hốc mồm ngạc nhiên, xin hỏi rõ nguồn cơn.

Văn thư nói:
- Ông đi xa, biết rộng đọc nhiều. Há không biết là âm dương phải hài hòa, cân đối là điều tốt sao?

Khách gật đầu, văn thư nói:
- Bởi năm nay thời tiết lạnh giá, trời thương nước Vệ mới ban lửa xuống để cân bằng, mà lửa trời ban thì bí hiểm lạ thường. Cho nên chuyện nguyên nhân cháy cũng khác thường vậy thôi. Nơi khác thì cháy từ bếp ra, nước Vệ thì cháy từ ngoài đường cháy vào. Phải cháy lạ như vậy mới đúng là trời làm để nước Vệ bớt lạnh giữa mùa đông khắc nghiệt này.

Khách vốn không phải tay vừa, vì bản chất lắm chuyện mới hỏi vặn rằng:
- Biết đâu nước Vệ làm gì thất đức, động đến lòng trời thì sao. Ví như trời thời tiết lạnh giá thế này lại đem bắt người oan uổng, bất đồng chính kiến vào ngục tối giam cầm. Trời thương những người ấy lạnh lẽo mà làm lửa khác lạ như thế có ý nhắc nhở chăng?

Văn thư nghiêm mặt nói:
- Ở nước Vệ không có ai vì bất đồng chính kiến mà bị bắt cả, không tin tôi cấp giấy cho ông đi hỏi khắp nơi, muốn hỏi ai cũng được cho khách quan.
Nói rồi đóng triện, cấp giấy cho khách đi hỏi.

Khách cầm giấy ra chợ gặp một nho sinh, mời vào quán hỏi có biết ở nước Vệ có ai bất đồng chính kiến mà bị bắt không. Nho sinh nói:
- Nước Vệ không có ai làm bất đồng chính kiến cả, vì làm được như thế là điều rất khó. Muốn làm được điều ấy phải vượt qua nhiều hiểm nguy. Mà những hiểm nguy này được ghi rõ thành luật là bộ luật hình sự. Cho nên những người bất đồng chính kiến đều bị bắt bởi vi phạm luật hình trước khi kịp trở thành nhà bất đồng chính kiến.

Ngừng nhìn quanh rồi nói tiếp:
- Ví như một người có gì không đồng ý với triều đình, thì phải làm đơn nói rõ những điều mình không đồng tình. Dán kín thư không cho ai biết nội dung và gửi đến bộ phận tiếp đơn của nhà Sản.

Khách hỏi:
- Sao phải dấu kín, như thế ai biết là bất đồng chính kiến?

Nho sinh cười sằng sặc:
- Hay là ở chỗ ấy, ông bất đồng chính kiến thì phải không để ai biết ông là bất đồng. Này nhé ở Vệ có tội cấm tán phát, tuyên truyền tài liệu nói xấu nhà Sản. Nếu ông ấm thâm gửi đơn cớ đến thẳng bộ phận quản lý triều đình, không ai biết ngoài cái nơi nhân thì được gọi là ý kiến đóng góp đa chiều. Ông trở thành nhà bất đồng chính kiến không ai biết. Nhưng nếu ông phán tán cái tờ cớ của ông, trong đó nói nhà Sản phải thay đổi, làm thế này, thế kia vì thế nọ…rõ ràng là ông sẽ bị khép vào tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận phỉ báng triều đình. Thế là ông đi tù khi chưa kịp trở thành nhà bất đồng chính kiến là vậy. Đương nhiên nếu thế thì đúng nước Vệ bắt người tuyên truyền, phỉ báng triều đình chứ có bắt người bất đồng chính kiến đâu.

Khách hặc:
- Thế gửi đơn đến họ không trả lời sao?

Nho sinh:
- Thì lại gửi đơn tiếp, gửi năm này sang năm khác, tháng này sang tháng khác.

Khách:
- Cứ gửi liên miên thế thôi à?

Nho sinh:
- Thưa vâng, cứ gửi âm thầm như thế thôi, được trả lời hay không, đơn mình có được xem hay không tuyệt không được bức xúc. Có thế mới là người bất đồng chính kiến thật sự.

Khách hậm hực:
- Thế xin ngài đưa tôi đi chứng kiến một người bất đồng chứng kiến thật sự như ngài nói.

Nho sinh cười hô hố nói rằng:
- Nói từ nãy ông không hiểu, nếu mà ông biết người ấy là bất đồng chính kiến thì họ đâu còn là vậy nữa. Thậm chí đơn của họ gửi người ta cũng không thèm đọc xếp vào xó, cho nên chính triều đình cũng không biết có bất đồng chính kiến vì có ai đọc họ viết gì đâu mà biết.

Khách:
- Thế là sao?

Nho sinh:
- Thì nếu ông biết họ, thì họ đã bị bắt vì tôi liên tiếp gửi đơn thư khiếu nại sai sự thật, gây phiền hà cho cơ quan nhận đơn. Xét thấy hành vi chưa đủ đưa ra xét xử, nhưng vi phạm nhiều lần nên cho tập trung vào trải cải tạo để giáo dục.

Khách:
- Lại còn có chuyện thế nữa sao?

Nho sinh cười sằng sặc:
- Ấy thì ông chỉ gặp kẻ kém phẩm chất, cần phải giáo dục chứ đâu còn gặp nhà bất đồng chính kiến.

Khách nghe xong đầu óc ù ù như hàng trăm con ong, nghìn tiếng sấm trong đầu, ngã lăn quay ra bất tỉnh.

Đại Vệ Chí Dị 42

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67 – Vệ Kính Vương năm thứ hai.

Vệ Kính Vương họp quần thần đầu năm. Khiển trách một số quan lại có tư tưởng thoái hóa, biến chất. Nhưng pháp luật nhà Sản vốn nhân từ, cho nên Vương chỉ nhắc nhở và răn đe quần thần, quan lại tự phải kiểm điểm mình.Thay đổi bản chất cho phù hợp với thời cuộc hơn. Những quan lại năm ngoái còn lo nơp nớp vì vướng tội, nghe Vương phán thế đều thở phào nhẹ nhõm. Kết thúc buổi chầu, bá quan ai nấy đều hân hoan tung hô: "Vệ Vương thật nhân từ."

Thế là theo lệ cũ, Vương mới nên ngôi thường đại xá để lấy đức mà thu phục thiên hạ. Cho nên những chuyện rắc rối, bê bối từ những năm trước như ngành tàu biển, tài chính, khai khoáng, năng lượng đều được xí xóa. Quan lại nhờ thế mà có tinh thần, hăng hái quyết tâm năm mới phấn đấu xây dựng nước nhà ngày càng phát triển hơn nữa.

Ban tuyên huấn tư tưởng nhà Sản ca ngợi ơn đức của triều đình, ơn mưa móc nhân hòa trải khắp bốn cõi từ tể tướng, thượng thư đến công sai, lính gác đều được tắm táp đầy đủ. Năm ấy những công sai đánh chết người đều được giảm thành tội ” làm chết người trong lúc thi hành công vụ ” hoặc không khởi tố ” vì thiếu bằng chứng hay bằng chứng không rõ nguồn gốc”. Lòng quan quân ai nấy đều cảm kích hăng hái hướng về triều đình hứa tận trung bảo vệ triều đình bền vững đến thiên thu, vạn đại.

Phàm phép trị nước, phải có đủ ân và uy. Đối với người mình có lầm lỡ thì khuyên nhủ để họ đoái công chuộc tội, đối với kẻ địch phải cương quyết triệt để như lời di huấn của tiên đế. Năm đó hằng hà vô số quân phiến loạn, bọn hủ nho nói sàm, bọn dân oan cứng đầu, bọn chức sắc tôn giáo, bọn tín đồ mê muội…đều bị quan quân triều đình tầm nã gắt gao bắt bỏ vào lao ngục. Bấy giờ luật lệ để ghép tội bọn này còn thiếu, khiến công sai bộ Hình nhiều khi lung túng phải dựa cả vào luật từ thời thượng cổ, thuở khai sinh, lập quốc là luật ” tập trung giáo dục cải tạo” để bắt gom người gây khó chịu về uy tín của triều đình. Luật này đàn bà, con trẻ cũng không từ khiến người phụ nữ yêu nước ở phía Nam vì ghét quân Tề quấy nhiễu bờ cõi mà thất lễ với quan quân phải vào trại cải tạo để phục hồi nhân phẩm.

Năm đó quan quân nhà Sản bắt nhiều người lắm, trải từ Nam ra Bắc đủ mọi thành phần, con cháu công hầu khai quốc công thần đến thanh niên, học trò nhiều vô kể. Tất cả chung quy đều là tội yêu nước không đúng cách.

Chung quy tại nước Vệ dưới thời nhà Sản từ khi khai quốc phải chống ngoại xâm liên miên, dân tình quen thói yêu nước là phải chống ngoại xâm hăng hái. Thế nhưng thời nhà Sản sau này bốn phương yên bình,ngoài khơi ngư dân thong thả đánh bắt hải sản bốn mùa, trên núi tiều phu tha hồ rong ruổi tìm trầm, gỗ quý. Doanh nhân nhàn nhã làm ăn. Thật là thời thái bình thịnh trị gấp vạn lần đời vua Thái Tổ, Thái Tông. Thời như thế đáng ra yêu nước là phải chí thú làm ăn, có tiền bạc dư thừa thì đầu cơ vào đất đai, chứng khoán, tín dụng để trước là lợi nhà, sau là ích nước. Chỉ vì không thức thời mà một số người do thiếu hiểu biết, không nắm bắt được xu hướng của thời thế đã quen thói bồng bột từ thời ngoại xâm, nóng lòng phản kháng Đại Tề. Đại Tề là nước thâm giao với Vệ, tình hữu nghị khăng khít keo sơn, lúc Vệ khó khăn Tề cho người sang bày cách trị dân, cách làm ăn, khai khoáng..bán những đồ mà Vệ không sản xuất được như hàng tiêu dùng, mua và khai thác, trồng trọt giúp những thứ Vệ làm chưa được như quặng, mỏ, nông lâm thổ sản.

Thế nước đang lên như rồng bay gặp mưa, nhà Sản bắt đám ấy để trước là ổn định xã hội hai là để tỏ uy phong của triều đình. Bọn tuyên huấn bảo triều đình làm thế cũng là vì nước vì dân cả.

Nhà Sản thể hiện ân uy đâu ra đấy. Quan quân thì mững rỡ cảm tạ ơn đức triều đình ra sức giúp rập việc cai trị, bọn hủ nho thì khiếp hãi trước luật pháp ngiêm ngặt. Đóng cửa mà vờ cáo ốm, kẻ thì lảng tránh về quê tảng là chữa bệnh, đám thì quay lại chí thú làm ăn.

Mùa xuân năm mới, cờ hòa xưng tục ơn đức triều đình tưng bừng rộn rã khắp phố phường. Lời ca ngợi triều đình liên miên không ngớt. Nước Vệ vua sáng, tôi hiền, dân lành chăm chỉ thật là một nước thái hòa.

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012