Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Giải Nobel Hòa Bình 2012 cho Việt Nam, sao không thể?

February 8, 2012
Nguyễn Ngọc Già
Tác giả gửi đến Dân Luận
 
Trong lịch sử hơn trăm năm của giải thưởng danh giá – giải Nobel Hòa Bình (1) – khuyến khích và ghi nhận, đồng thời trở thành niềm cổ vũ lớn lao, cũng có thể coi như điểm tựa tinh thần mãnh liệt cho hoạt động vì hòa bình thế giới, người ta đã từng tiếc rẻ về trường hợp của Ngài Mahatma Gandhi, khi nhiều lần được đề nghị trao giải nhưng cuối cùng trước khi Ngài bị ám sát vào năm 1948, giải thưởng danh giá này vẫn không được trang trọng trao cho Ngài. Tuy vậy tư tưởng vĩ đại của Ngài đã trở thành luận thuyết khả thi cho nhiều dân tộc khác trên thế giới đấu tranh đòi hỏi nền tự do dân chủ bằng phương pháp ôn hòa, nhân ái, từ bi – có lẽ từ lý do đó mà nhân loại đã phong Ngài trở thành Thánh.


Lịch sử Nobel cũng gợi nhớ trường hợp ông Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1973 để ghi nhận quá trình nỗ lực cùng ông Henry Kissinger cho ra đời Hiệp định Paris (2) nhằm chấm dứt chiến tranh, lặp lại hòa bình ở Việt Nam cũng như cho Đông Dương. Tiếc rằng, ông Thọ đã từ chối. Theo thời gian, hiện nay chẳng còn người dân Việt Nam nào cảm thấy khó hiểu về hành động từ chối này, bởi lẽ nó hoàn toàn logic với tư tưởng của người cộng sản – đấu tranh bằng bạo lực là phương châm duy nhất của họ để giành thắng lợi.


Nói không khéo, nếu việc nhận giải của ông Thọ xảy ra thì Hiệp định Paris bị phá vỡ sau đó sẽ trở thành chứng cớ tố cáo khó chối cãi về bản chất gian giảo, lật lọng của người CSVN trước toàn thế giới. May cho giải thưởng danh giá này không bị mất uy tín và rủi cho nhân dân Việt Nam khi vuột mất cơ hội được sống và làm lại từ đầu, xuất phát một khởi nguồn hòa bình sau quá nhiều máu đổ, xương phơi trên toàn cõi Việt Nam. Vô phúc cho nhân dân Việt Nam, khi đã trôi tuột một Nhà nước pháp trị được xây nền từ hòa bình, văn minh bởi những lời thỏa thuận ở cấp quốc tế và quốc gia. Quả đáng tiếc và bội phần cay đắng khi nhắc lại Hiệp định Paris mà người việt Nam cứ ngỡ sẽ là hiện thực sau đó.


Nhắc lại thêm đau thương, ôn lại thêm tủi hổ. Tất nhiên, tủi và đau ở đây, trước hết cho ngay người CSVN, khi có vẻ chính họ đã vì tham vọng điên cuồng, mê muội biến cả Việt Nam, Đông Dương trở thành “tiền đồn XHCN” phục vụ cho Liên Xô và Trung Quốc thực hiện nhuộm đỏ cả thế giới! Ôi! Cái “thế giới đại đồng” do người CS huyễn hoặc đặt ra, giờ đã tan tành mây khói!


Ngày cha tôi còn sống, ông và “đồng chí” của ông hay bàn tán về Hiệp định Paris và tôi nghe lõm được (tất nhiên không biết thực hư ra sao, nhưng tôi tin 8 phần thực) rằng: Ông Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel do yêu cầu từ “ngoài” cho đến “trong”, nghĩa là từ Trung Quốc, Liên Xô cho đến Việt Nam (tất nhiên là miền Bắc lúc bấy giờ). Bởi lẽ, cha tôi nói có 2 lý do chính:
- Nếu nhận giải thì coi như “chúng ta” đã dính bẫy Mỹ và “bè lũ”. “Chúng nó” gài “chúng ta” bằng cái giải uy tín như thế làm sao “chúng ta” thực hiện ý đồ của mình?! Bởi Mỹ và chư hầu phán đoán Hiệp định Paris có thể bị lật lọng, tráo trở, nên gài “chúng ta” bằng cái giải danh giá đó, để nếu “chúng ta” có phản pháo thì khó bề ăn nói với thế giới, tất nhiên chẳng ai ủng hộ chúng ta cả, ngay cả dân Mỹ cũng thế, mọi việc sẽ càng dễ bị…lột mặt nạ (!)
- “Chúng ta” luôn giữ đúng phương châm “vừa đánh vừa đàm”. Đàm thì cứ đàm, nhưng đánh thì chọn đúng thời cơ cũng như đảm bảo “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.


Tôi không biết có bao nhiêu người đồng tình với 2 lý do trên, riêng tôi, tôi thấy đúng, đúng với bản chất người Cộng sản.
Giải Nobel Hòa Bình 2012 cho Trần Huỳnh Duy Thức và Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ,  sao không thể?
Giải Nobel Hòa Bình 2012 cho Trần Huỳnh Duy Thức và Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, sao không thể?


Vừa qua, theo loan báo của đài RFA và VoA, bà Loretta Sanchez – dân biểu Mỹ và phóng viên Ỷ Lan (đài RFA) thực hiện cuộc phỏng vấn dân biểu Ramon Tremosa I Balcells – Châu Âu (3), cả hai vị này đều lên tiếng đề nghị và ủng hộ trao giải thưởng uy tín – giải Nobel Hòa Bình cho người Việt Nam – Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ – nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền trong nước không mệt mỏi suốt gần 40 năm qua. Đó là một tin rất đáng mừng cho người Việt Nam. Nhiều người vẫn không quên Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ (4) đã từng nhận giải tưởng niệm Thorolf Rafto năm 2006 và là một người được đề cử cho giải Nobel Hòa bình nhiều lần, tuy vậy cho đến nay giải thưởng cao quý đó vẫn chưa đến tay Ngài. Nhắc điều này để mọi người chúng ta càng tiếc rẻ cho Ngài Mahatma Gandhi, khi chính ủy ban trao giải Nobel cũng đã từng tiếc nuối khi cho đến lúc Ngài Mahatma Gandhi bị ám sát giải thưởng này vẫn bỏ quên Ngài. Tất nhiên, những bậc vĩ nhân chẳng bao giờ quan tâm đến những giải thưởng gì khác, hơn là phần thưởng to lớn mà các Ngài hằng khát khao: Dân chủ, tự do, nhân quyền cho chính dân tộc mình và cho nhân loại.


Không có gì phàn nàn hay đắn đo khi người Việt Nam trong và ngoài nước cùng ủng hộ giải Nobel Hòa Bình được trao cho người Việt Nam trong năm nay, bởi đó sẽ là nguồn khích lệ lớn lao, nguồn động viên thiết thực của thế giới dành cho dân tộc chịu quá nhiều đau thương, mất mát gần 40 năm qua dưới ách cai trị bạo tàn và xảo trá mang tên CSVN. Giải thưởng cao quý này nhất định sẽ trở thành một cánh quân quả cảm để người Việt Nam cùng nhau tập hợp lại, phất cao “Lá cờ – Nobel Hòa Bình” mà thế giới trao cho chúng ta như một niềm cổ vũ, như một lời cảm thông và trên hết như một lời hiệu triệu người Việt Nam hãy nắm chặt tay nhau và cùng chuyển thông điệp quan trọng, cấp thiết và dứt khoát đến ĐCSVN rằng: HÃY QUAY VỀ VỚI DÂN TỘC, TỔ QUỐC TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN!


Thật lòng, ngoài Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ – Người rất xứng đáng nhận giải thưởng này, tôi mong Ủy ban trao giải tại Oslo hay xem xét, cân nhắc và quan tâm đến một người đủ cả tâm, tài, tuệ, đó chính là ông TRẦN HUỲNH DUY THỨC.


Giá như tôi có được một lá phiếu trong tay, người tôi đề cử sẽ là TRẦN HUỲNH DUY THỨC. Bởi xét về quá trình cống hiến có lẽ anh còn thua xa Ngài Thích Quảng Độ, nhưng xét về sức bật và sự đóng góp cho tương lai Việt Nam hòa bình (tôi tin một ngày không xa), anh còn thừa năng lượng để cống hiến cho Việt Nam tất cả tâm, trí, lực với tuổi đời còn đủ trẻ, với khối óc thông minh cùng một tấm lòng lương thiện, yêu nước không mảy may ngờ vực cho bất kỳ ai.


Tôi tin giải Nobel hòa Bình 2012 sẽ được trao cho người Việt Nam. Tôi tin ngày ấy đang đến. Khởi từ giải thưởng Nobel Hòa Bình trong năm nay – cho TRẦN HUỲNH DUY THỨC HAY ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ – chính là cho VIỆT NAM.


Miến Điện đang đổi thay từng ngày bởi lòng yêu nước, thương dân nồng nàn của bà Aun Sang Suu Kyi cùng sự quay đầu hối cải của nội các Thein Sein. Sao người Việt Nam không có quyền nghĩ đến điều này và… sớm hơn?


Tôi tin điều đó!


Nguyễn Ngọc Già

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Đại Vệ Chí Dị 44

Năm Tân Mão. Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66, đời Vệ Kính Vương thứ nhất.

Năm đó loạn khắp nơi. Mùa hè đến suốt mùa thu năm Tân Mão dân sĩ kinh thành tụ họp phản đối chuyện Tề chiếm lãnh hải, việc đó kéo dài đến mấy tháng. Sau này triều đình mới tóm người nổi bật trong đám ấy là một nữ nhi, tống vào trại giáo dục như trại tù. Chuyện đó mới tạm yên.

Từ khi con cháu của khai quốc công thần là Cù tiến sĩ bị đưa ra xét xử vì tội mưu phản triều đình. Nước Vệ càng rối ren hơn. Ngay sau khi xử, triều đình tầm nã ráo riết, bủa lưới khắp nơi bắt thêm vài chục mống thanh niên với tội mưu phản, đến đầu năm sau lại bắt thêm nhóm khác ở phía Nam thuộc phái Công Luận Công Án đến cả chục người cũng tội mưu phản.

Bấy giờ ở đất Lãng ven biển, có người họ Đoàn thi đỗ cử nhân không làm quan bỏ về quê ra công lấn biển, đắp đê, quai đập ròng ra mười mấy năm trời. Cơ nghiệp cha ông để lại cùng mưu sức dồn cả vào đó. Lập nên một trang trại mênh mông, dân trong vùng nương nhờ con đập mà ổn định sự sống. Tưởng đâu đời sống thái bình, chí thú làm ăn đến lúc tuổi già.

Ngày nọ quan anh đất Lãng là Lê Liêm Khiết cùng quan em là Lê Hiền Lành đi tuần thú, thấy đất đai của Đoàn màu mỡ, thẳng cánh cò bay. Quan anh mới hỏi quan em rằng.
- Ơ! đất đâu ra mà ngon thế nhỉ?

Quan em thưa.
- Đất này do Đoàn cử nhân, lấn biển mà có. Nay họ Đoàn đang sử dụng.

Quan anh.
- Thế tên Đoàn cử nhân ấy sống có biết lẽ trời không?

Quan em.
- Tên họ Đoàn ấy ỷ công sức lấn biển, coi thường quan sở tại, hàng năm không có cống nạp gì. Gặp quan lại trong quán chỉ dương mắt mà nhìn. Thật vô lễ. Lẽ đời còn chưa biết, nói chi là lẽ trời.

Quan anh nói.
- Nhà Sản chúng ta thay trời hành đạo, cai trị đất nước này đã mấy chục năm. Bốn cõi phẳng lặng, yên bình, ấy là do chúng ta hành đạo sâu sát, khiến dân chúng ý thức được bổn phận con đen. Anh em chúng ta là quan nhà Sản tức là vâng mệnh trời mà hành đạo. Sao để có đứa vô lễ như vậy. Nếu không làm cho ra nhẽ, đứa khác a dua theo, chúng ta còn mặt mũi nào mà cầm thẻ ngà nhà Sản mà hành đạo nữa. Mau ra lệnh thu hồi gấp để giao đứa nào biết lễ nghi sử dụng.

Thế rồi kẻ nách thước, người tay đao, súng ống tề tựu dưới sự chỉ huy của anh em nhà quan sở tại họ Lê, ngày nọ dẫn cả đám kéo đến trang trại nhà họ Đoàn thu hồi đất. Họ Đoàn thấy đám nọ xâm phạm đất nhà mình,từ xa bèn lấy súng đạn ghém bắn dọa chơi một cái. Khiến quan quân sợ vỡ mật, ôm đầu mà chạy. La đến tận hàng tổng, khiến quan tổng binh thành Hoa Cải là Đậu Ka phải vận dụng hết binh pháp, sáng tạo thêm lối đánh tài tình. Trên bến, dười thuyền, thủy bộ toàn dùng quân đặc nhiệm nhịp nhàng tác chiến do Ka trực tiếp chỉ huy. Đến nơi khai hỏa, khói súng mịt mù trời đất, rồi xông vào thì chả còn ai. Quan sở tại họ Lê nhân lúc đó bèn cho người bắt chó, bắt cá, đập phá nhà cửa khiến cơ ngơi mấy mươi năm họ Đoàn thành bình địa, vườn không nhà trống. Triệt luôn tang tích, dấu ấn của họ Đoàn.

Họ Đoàn ra đầu thú, quan tổng binh trấn Hoa Cải là Đậu Ka bắt cả họ vào ngục, sau thả vài mống đàn bà về. Anh em nhà họ Đoàn bị giam vào ngục vì tội có ý giết quân triều đình. Tiếng tăm vụ án này bay khắp nước, nhân sĩ, quan văn, lão thành, cựu chiến binh nghe thấy đều bất bình với hành động của quan sở tại đất Lãng làm đơn khiếu nại, rồi bàn tán bất bình.

Vua tôi nhà Sản họp cả tháng trời không biết quyết sao. Lúc đang phân vân, dằng co tính định thì lão khai quốc công thần mới sốt ruột gửi tờ hối thúc. Tờ đó ý rằng cả năm nay nhà Sản bắt bao người dân thường, trí sĩ với tội mưu phản, khiến lòng dân đã hồ nghi sao lắm người làm phản thế. Nay lại chính quan lại nhà Sản cũng gây phức tạp thêm, nếu không quyết xử thì người ta lại đổ tại là vì quan lại ác bá mà dân làm phản.

Triều đình nhà Sản nghe thấy cao kiến, bèn quyết định bãi chức anh em nhà họ Lê đất Tiên Lãng. Việc rành rành cả tháng trời mới quyết xong, bàn đi tính lại mãi. Ấy cũng bởi cách làm phân vân giữa luật và lệ. Phàm khi dân phạm luật thì có án ngay, quan lại phạm luật dùng dằng để cả năm chưa xong. Vụ xứ Lãng nhờ dư luận gay gắt thế mà cũng phải mất tháng trời.

Thế mới biết, nhà Sản hành đạo thì hay, nhưng hành pháp vẫn còn lúng túng lắm.