Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Đại Vệ Chí Dị 55

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Bấy giờ nước Vệ nhìn bên ngoài tưởng bình yên, thực ra bên trong nhiều mối lo lắm. Nợ quốc khố đầm đìa, năm ấy tiêu chí chọn quan nhà Sản chỉ có hai tiêu chí. Một là người nghĩ cách thu nhiều tiền từ dân, hai là thu nhiều tiền từ quan lại tham nhũng.

Vệ Kính Vương cho người vào xứ Quảng, lệnh cho trấn thủ Quảng Đà là Trăm Xanh gấp phục mệnh về triều.  

Xanh nhận mật chỉ, dẫn vài tuỳ tùng thân tín ở quê nhà, ngày đêm vượt đường gấp về kinh thành lãnh ấn tín mới. Khi đến kinh thành, Xanh đứng giữa sân triều, đi một bài quyền múa võ thể hiện uy lực. Các quan ai cũng nể phục, một số còn có vẻ e dè sợ hãi.

Tể tướng Bạo nhìn Xanh múa võ , chỉ nheo cái mắt bên tả, cười khẩy một cái. Rồi rũ tay áo đi về phủ. Đám bộ hạ Bạo lo lắng, hỏi Bạo rằng chuyện Xanh có đáng lo không. Bạo ung dung nói.

- Xứ Bắc không có đất dung những kẻ to mồm, xưa kia ta từ trong Nam ra đây nhậm chức, phải âm thầm suốt mười mấy năm, thu thập thân tín, tìm điểm yếu những kẻ có thể là đối thủ. Tích lương để nuôi môn khách, gia nhân, chiêu đãi kẻ tâm phúc, thâu tóm binh quyền, ra sức nắm chặt mọi nguồn lương thảo. Nhẫn nhịn  đợi lúc có thời cơ, mới xưng là Chúa. Kẻ kia chân ướt , chân ráo, làm trấn thủ một xứ, sao mà phải lo.

Tuỳ tướng tâu.

- Thưa Chúa Công, Xanh tướng mạo hùng dũng, tiếng nói sang sảng, võ nghệ phi thường, một mình trấn một xứ Quảng Đà có tiếng là cứng cổ, thế mà khuất phục dân chúng đâu ra đấy. Dân chúng Quảng Đà ra đường nghe tên Xanh cúi đầu mà thì thào khen ngợi, đến khen mà còn vậy thì rõ cái uy của Xanh lớn từng nào. Xin Chúa Công chớ coi thường.

Bạo cười lại nhếch mép cười khẩy, nheo con mắt bên hữu, phất tay áo gọi bộ tướng là Tra đến gần lệnh thế này, thế này.

Ngày nọ, Vệ Kính Vương đi giao hảo bên ngoài nước. Tra cầm lệnh bài phủ Chúa, điểm binh mã, nhằm hướng Quảng Đà tiến quân không kể ngày đêm. Vào đến xư Quảng Đà đột ngột cho quân vây phủ Quảng Đà, rà soát sổ sách, tìm nhân chứng, vật chứng. Được ba hôm thì thông báo về triều rằng - Quan lại phủ Quảng Đà làm thất thoát của triều đình hàng ngàn lượng bạc, xin chuyển sang cho bộ Hình điều tra xét tội.

Tin dữ từ phủ Quảng Đà bay về triều, lúc Xanh đang chờ nhận ấn tín Đại thần ban Nội, ban Nội quyền to hơn cả Bộ, cho lên phải đích thân đợi Vệ Kính Vương ban mới được. Lúc này Vệ Kính Vương chưa về. Xanh vò đầu sợ hãi, im thin thít không dám bước chân ra khỏi thư phòng. May sao Vệ Kính Vương về kịp trấn an, Xanh mới bớt lo phần nào. Ngay sau đó đám tay chân của Xanh ở xứ Quảng Đà làm sớ tâu về triều là xứ Quảng Đà không có chuyện thất thu, thất thoát ngân sách.

Vương thấy chuyện đã êm, bèn gọi Xanh lại bàn ngày nhận ấn tín. Xanh thưa.

- Chuyện này không cần làm lớn, xin cho thần cứ đơn giản mà làm lễ nhận ấn là được. 

Vương biết Xanh còn e ngại, mới độ lượng nói.

- Xưa kia nhà Lê suy, phải dựa vào Trịnh, nào ngờ Trịnh xưng Chúa rồi, tiếm quyền át cả nhà Lê. Lúc ấy may mà có Nguyễn Kim vượt Bắc vào Nam xưng Chúa, tạo thế cân bằng. Phủ Trịnh vì thế phải giữ nhà Lê, không cũng thoán nghịch rồi. Nay khanh vượt dãy Hoành Sơn ngược ra đây, không thể không làm Chúa để giữ thế cuộc ấy. Ta ban cho con trai người làm thế tử, cho tập sự bây giờ là vừa.

Xanh được lời ấy của Vương, biết là Vương có bụng tin dùng mình thật. Bèn vui vẻ nhận ấn tín, con trai Xanh là Kiểng lập tức được phong nắm trọn quân thanh thiếu niên ở xứ Quảng. Xanh yên lòng, hôm sau bèn lớn tiếng đe doạ sẽ thanh trừng tất cả những quan lại tham nhũng, bất kể quyền chức nghiêng thành, khuynh đảo đến đâu.

Lời bàn :

Phàm các triều đại khi hết vận số, thường sinh lắm chuyện. Trộm cướp như rươi, cướp bóc hoành hành, quan lại nhũng nhiễu, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh triền miên. Lại có lắm chuyện lạ như đất chảy máu, núi nứt, đập lở, rắn trắng, lợn gà quái thai... 

Lúc ấy, để gian thần hoành hành có khi lại tốt hơn trung thần. Bởi gian thần làm cho khí số triều đại ấy mau tận hơn. Trung thần chỉ là kẻ níu kéo mù quáng một triều đại đã tận khí số mà thôi. Nếu trung thần là loại gian hùng trá hình mưu sự cho mình thì chả khác nào nhà Hán lúc tam phân, nhà Lê lúc mạt để Trịnh, Nguyễn phân tranh. Nhân dân lại lầm than vì nội chiến liên miên.

Hay Vệ Kính Vương thấu hiểu cơ trời, nên cứ để con Chúa là thế tử. Còn ngôi thái tử vẫn để trống không, phải chăng Vương không muốn con mình vào chính sự lúc vận khí nhà Sản đã tàn.

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 54


Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67. Đời Vệ Kinh Vương năm thứ hai.

Trộm cướp công khai hoành hành giữa chợ,bọn cướp phía Nam chặt tay người mà cướp ngựa. Lũ cướp phía Bắc dùng súng bắn lại quan binh, người bị hại. Những việc như thế không xảy ra đêm tối mà toàn nhằm vào lúc thanh thiên bạch nhật.

Năm ấy nổ kho khí đốt, vỡ đập, nhiều người quẫn bách tự sát. Thật lắm chuyện quái lạ, thị phi xảy ra. Tiền bạc bỗng trở nên khan hiếm nên nhiều thương gia phá sản kẻ thành điên loạn, kẻ vào ngục tù. Nợ nần dây dưa khiến việc đòi nợ dùng bộc phá, dao kiếm xảy ra thường xuyên khiến cảnh máu đổ, đầu rơi như cơm bữa.

Bên ngoài biển, giặc Tề hoành hành công khai xâm chiếm lãnh hải, đánh đuổi tàu Vệ như đuổi bọn trộm vặt rập rình hôi của. Cả nguồn thu lợi mênh mông của nước Vệ từ biển nay đã không còn nữa.

Nước Vệ nợ tiền bạc các nước khác ngập cao như núi, chẳng thể trả được, nên khó lòng vay mượn ở đâu để trang trải , cầm cự qua lúc khó khăn.

Trước muôn vàn khó khăn đó, nhà Sản chấn chỉnh quan lại, trước là để an dân sau là tìm người tài trong đám quan lại đứng ra lèo lái đất nước qua thời quẫn bách.

Họp cả năm trời nhưng đến lúc tìm được kẻ có tội, định đưa ra xét xử để an dân. Nào ngờ kẻ ấy trần tình xưa nay làm việc đều do nhà nhà Sản quyết cả, kẻ ấy chỉ là thi hành thôi, đâu phải kẻ ấy xin  hay lo lót làm quan, chính triều đình ra lệnh cho kẻ ấy phải làm quan. Nghĩ phận mình từ nhỏ đã theo nhà Sản cho nên chấp hành mà phụng mệnh. Mà năng lực, đức độ thế nào thì nhà Sản đã biết rõ. Giờ đổ tội cho người lương thiện, há chẳng phải là nhà Sản thiếu trách nhiệm trong việc dùng người hay sao. 

Nhà Sản nghe vạch vòi rõ ràng thế, cũng lấy làm phải, bèn bỏ qua cho yên chuyện. 

Ban tuyên huấn triều đình chỉ thị việc biển đảo phải giữ kín thông tin, nếu những thông tin từ Tề đưa ra,thì  tuyên huấn nước Vệ phải chuyển thể làm sao cho thành việc nhẹ nhàng. Để bá tính dần làm quen với chuyện biển đảo bị mất như là chuyện tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày, không có gì là quan trọng. Đồng thời vỗ về dân chúng tập trung vào cày cấy, sản xuất không được tin lời bọn hủ nho xấu bụng phao tin đồn nhảm về thế sự.

Kế ấy của tuyên huấn thật là vi diệu, dân tình mười phần bớt xôn xao đến phân nửa.

Bấy giờ nhà Sản lại rục rịch thu phí xe cộ, đất đai, nâng viện phí, học phí và nâng giá các nguồn năng lượng...dân tình hốt hoảng nhao sang bàn cách đối phó như giảm chi tiêu, đi làm thêm... đồng thời bắt bớ thêm một số người hay nói chuyện thế sự theo cách phê phán triều đình.

Nhờ thế mà dân chúng không ai màng chuyện triều đình, đất nước ra sao. Nhà nào nhà nấy chỉ cắm đầu lo xoay sở với khó khăn đến trực tiếp hàng ngày với nhà mình.

Nước Vệ thanh bình, hạnh phúc quay trở lại, bốn cõi ấm êm

Đấy là kế sách vĩ đại và hiệu quả nhất mà chỉ có duy nhà Sản mới làm được. Phàm những triều đại khác trong hoàn cảnh vậy thường sai lầm chọn cách lề mề, rườm rà như nghiêm minh pháp luât,nâng cao dân trí, làm trong sạch đội ngũ quan lại, chọn nhân tài ra giúp rập , lắng nghe lời kẻ sĩ ,xiết chặt chi tiêu lễ hội...

Mấy năm sau người Tề thấy nhà Sản nước Vệ ăn ở hiếu nghĩa, biết giữ gìn hoà khí, yêu chuộng hoà bình. Tề lấy làm hối hận vì đã cư xử không tốt với Vệ, trước là mất tình nghĩa anh em, sau là xấu hổ với thiên hạ, Tề bèn rút quân trả lại cho Vệ những biển đảo đã lấy trước kia. Không những thế lại còn viện trợ tiền, của, nhân lực để nhà Sản kiến thiết nước Vệ thêm giàu mạnh bội phần. Tình nghĩa keo sơn hai nước càng trở nên gắn bó mật thiết. Những bọn xúc xiểm quan hệ hai nước khi xưa ở trong chốn lao tù đều tâm phục, khẩu phục thành khẩn nhận lỗi lầm, vì mông muội mà không nhận ra được đường lối uyển chuyển, mềm "dẹo", thu phục nhân tâm, đánh vào lòng người của triều đình nhà Sản. Nước Vệ qua thời khó khăn, vị thế lại lên cao vời vợi trong mắt bạn bè các nước thiên hạ, du khách kéo đến ấm ầm. Câu ca vang lừng khắp biển bạc, đồng xanh.

Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng.
Thuyền anh ra khơi có ngại chi sóng gió.
Ơ hò...
Trên đoàn thuyền hải âu vui sóng xô.
Anh nhớ đồng làng quê cánh cò bay trên thảm lụa.
Đời tự do ôi chan chứa bao tình

Cuộc sống bá tính nước Vệ dưới triều nhà Sản ấm no, thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn. Xét từ đời Nghiêu Thuấn bên Tề đến đời Thái Tổ, Thái Tông bên Vệ. Chưa lúc nào thanh bình, thịnh trị như thế. Đời sau gọi giai đoạn đó là mộng Nam Kha

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 53


Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67. Vệ Kính Vương năm thứ hai.

Mùa thu, có cơn bão đổi hướng không dự đoán được, tàn phá nặng nề vùng duyên hải, cây cối hoa màu ngoài đồng không kịp thu hái dập nát, tả tơi.

Năm ấy nhà Sản chỉnh đốn quan lại, kiểm kê nợ nần, số nợ thật là khủng khiếp. Mọi việc đều đổ tại cho phủ Chúa quản lý không ra gì mới đến nỗi vậy. Chúa là người cơ mưu ứng biến tài giỏi, trước việc khó vẫn tươi cười như không. Khi xưa còn thưở là cai đội ở miền heo hút tận cùng đất nước, đã hiểu được chuyện kinh tài rành rẽ. Lại từng canh cửa biển ngăn chặn bọn vượt biên, nên ngài nắm được trong dân còn có nhiều vàng lắm.

Chúa họp bầy tôi lại phán.

- Giữ cho dân trong rọ, cũng như giữ được vàng trong túi. Nay lệnh cho bộ Hình tăng cường xiết chặt không để cho dân chúng dám có ý khác. Sau đó sẽ có kế lấy vàng thanh khoản nợ công.

Bộ Hình ra tay khắp nước, bắt bớ, xét xử lại bắt bớ. Dân chúng cúi đầu im thin thít, người đi đường không dám ngẩng đầu chào nhau. Ai cũng lo việc nhà nầy. Động một lời phàn nàn cũng thành tội nói xấu triều đình. Bởi thế không ai dám nói gì đến chính sự.

Rồi Chúa ra lệnh cấm vàng trong dân, ai có phải mang bán cho triều đình lấy tiền giấy. Rồi lại khuyên dân mang tiền giấy ấy mà gửi ngân khố triều đình. Cầm giấy chứng nhận mà hàng tháng đi lấy tiền lời.

Dân có ý thăm dò, nhìn nhau. Một tháng trôi qua, chả ai mang vàng đến bán.

Bầy tôi coi kho bạc đến gặp Chúa hiến kế  như vầy, như vầy.

Chúa cấp tốc xuất kho, cho người cầm vàng đi ra thương điếm bán. Đồng thời lại sai bộ Hình đi theo nhằm lúc bán mà bắt. Rồi phao tin trong thiên hạ có kẻ bị bắt tich thu trắng cả mấy trăm lượng vàng. Thiên hạ nghe ai cũng xót xa nghĩ đến phận mình, ruột gan bồn chồn thấp thỏm lo lắng nếu ai có chút vàng giữ trong nhà.

Lúc này quan coi kho mới cho người cầm vàng, lẻn cổng sau đến cổng trước xếp hàng. Rồi lấy đó mà tiếng rằng mỗi ngày kho bạc triều đình mua đến cả xe vàng. 

Chúa lại lệnh rằng quyết tâm giữ không để lạm phát, mất giá đồng tiền.

Lác đác người dân thấy giao dịch bên ngoài thì lỡ công sai thấy thu trắng mất,bèn  đem bán cho kho bạc kém giá một chút nhưng an toàn,vả lại Chúa cam kết thế rồi lo gì tiền mất giá, đem tiền ấy gửi cho ngân khố lấy lời có hơn là để vàng chôn dưới đất.


Có mụ đi chợ thấy miếng đậu phụ ngoài chợ bỗng bé hơn bình thường. Lúc về phàn nàn với chồng. Gã chồng nói.

  - Cái mẹo người bán đầu tiên cho bé dần đi để người mua không để ý. Đến khi bé lắm rồi, mới chợt làm to bằng như cũ với giá cao hơn. Thiên hạ cứ tưởng là vì to hơn thì giá cao hơn, thực tình là đã tăng giá còn miếng đậu phụ vẫn thế mà thôi.

Hào phú bên cạnh nghe thấy, lập tức gom hết vàng trong nhà đem đi chôn giấu thật kỹ. Phu nhân mới hỏi sao lại làm chuyện lạ đời lúc này thế. Hào phú nói.

- Nhờ có miếng đậu phụ mà ta nhớ đến câu '' gánh vàng đi đổ sông Ngô, đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.''  Chuyện này cứ thế, không nói nhiều kẻo đắc tội triều đình.

Phu nhân là người am hiểu, nghe thế không hỏi thêm gì nữa.

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 52



Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Cuộc chấn chỉnh triều đình mùa thu không thành công. Vệ Kính Vương rơi nước mắt trước bàn dân thiên hạ giãi bày tâm tư. Dân khắp nơi ai cũng bàng hoàng nghe kết quả cuộc chấn chỉnh mơ hồ, tâm trạng chán chường. Nhất là lúc giá cả vẫn tăng vọt, đắt đỏ lên hàng ngày. Dân tình chạy ăn từng bữa.

Khi trước lúc chấn chỉnh, dư luận ồn ào kể xấu nhà Chúa. Bộ Hình cho người đi lùng bắt gắt gao kẻ nào đưa tin ấy, đồng thời bộ Huấn cũng ra sức tuyên truyền phản bác và kêu gọi khẩn trương tìm bắt trừng trị những kẻ phao tin nói xấu nhà Chúa.

Cuộc chấn chỉnh không đi đến đâu, Chúa có mệnh trời, lúc trước sang Tề chầu xin che chở, trong nước kinh tài nắm cả, thật là thế lực nghiêng trời , lệch đất. Việc Chúa thoát nạn âu cũng là lẽ thường, uy thế nhà Chúa lúc này lớn rộng khắp thiên hạ. Như con chim hồng hộc đủ lông cánh bay trên trời cao, dẫu Bàng Mông, Hậu Nghệ cũng không thể nào bắn tới.

Nhà Chúa vững như bàn thạch sau phút xôn xao, dư luận ồn lên trách cứ nhà Sản bất tài, mọi oán trách đổ lên đầu Vệ Kính Vương. Lạ thay lời oán trách khắp hàng cùng, ngõ hẻm chê trách nhà Sản, chê trách Vương như thế. Mà bộ Hình, bộ Huấn dường như tảng lờ không biết những lời oán thán, chê bai ấy. Đã thế bộ Huấn còn vác loa đi khen ngợi cuộc chấn chỉnh của nhà Sản đã thành công, đạt nhiều kết quả tốt.

Bây giờ tạm yên, nhà Chúa mới đem những phường văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ chống Tề đem ra trừng trị. Từ lúc Chúa lên ngôi, không khi nào nhà tù không có người chống Tề ở cả. Lứa này về có lứa khác gối đầu thay thế, lớp trước sắp về thì lớp sau sắp đem ra xử. Lớp trước sắp đem ra xử thì bắt thêm lớp sau để kế tiếp tuần hoàn cho nhịp nhàng như dòng nước không bao giờ cạn.

Đầu thu xử ba văn sĩ chống Tề mức án nặng nề, giữa thu xử tiếp hai nhạc sĩ, cuối thu bắt thêm một nữ học trò can tội làm thi sĩ chống Tề. Mưu thần nhà Chúa thật hiểu thế thời. Bắt người chống Tề thì nhà Sản không thể không đồng tình, lại được lòng của Tề nữa. Vì thế bộ Hình đang mở chiến dịch rà soát những đối tượng kháng Tề để lên biện pháp đấu tranh.

Nước Vệ nhờ thế trở nên ổn định chinh sự, hoà bình bốn cõi. Nhân dân tuy khổ sở vì thuế má, gạo châu, củi quế nhưng an tâm vì không có xáo trộn, binh đao.

Chúa vững vàng như thế, bầy tôi mưu kế như thế ,tựa chim hồng hộc đủ lông cánh.

Lẽ nào không bay cao, xem trăm họ dưới đất thuộc giống gì!

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 51



Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67

Mùa thu, khí hậu oi bức. Chính trường nước Vệ cũng nặng nề không kém.

Kiếm tiền trảm hậu tấu Bạo nhận từ thời Vệ Cường Vương vẫn nằm bên phủ Chúa. Vệ Kính Vương mấy lần nhắc nhở, nhưng Bạo cứ lờ đi.

Vương đòi rát quá, Bạo lần nữa cũng cảm thấy khó, mới vò đầu suy nghĩ suốt. Mưu thần là Thụ, trước là phó bộ Hình nay về hưu, làm môn khách trong phủ Chúa. Chuyên bầy mưu kế cho Chúa, Thụ là người lắm mưu, nhiều kế. Thấy Chúa lo toan, bèn vào tâu rằng.

- Giờ trong lúc khó khăn  giữa trùng điệp, chỉ có một cách hoá giải mà thôi.

Bạo hỏi hoá giải gì.

Thụ nhìn quanh rồi dắt tay Chúa ra sân, giả bộ ngắm sao, chỉ trỏ nói về mệnh trời, sao này sáng, sao kia tối, ứng vào điềm này, việc nọ. Nhưng kỳ thực tay Thụ toàn chỉ về phương Bắc.

Bạo hiểu ý, hôm sau nhà Chúa chuẩn bị việc sang Tề chầu. Bấy giờ bên Tề đang vào lúc chuyển ngôi báu, quyền vào tay Tân Vương là Tạp Cặn. Lúc soạn lễ vật dâng cho Tạp Cặn, mưu thần trong phủ Chúa mới bàn.

- Tạp Cặn sắp lên ngôi, trước tiên cần danh chưa không cần báu vật. Chuyến này khó mà biết dâng gì đây.

Mưu thần Thụ nói.

- Thần trước làm phó bộ Hình, đã biết lo xa, mấy năm trước đã sắm cống vật, giờ vẫn đang giữ. Chúa thượng chuyến này sang đó, chắc chắn thành công, được hưởng ơn mưa móc của thiên triều, an bình vạn sự.

Lúc Bạo dẫn đoàn đi, Thụ tiễn chân đến ngoài biên ải. Bạo nhìn thấy Thụ đi tay không thì sốt ruột lắm. Lúc đến cửa biên giới, Thụ mới luồn vào tay Bạo mảnh giấy chỉ có ba chữ.

Y rằng chuyến đó Bạo đi chầu Tân Vương Tạp Cặn, suôn sẻ, nhận được ơn che chở của thiên triều. Về đến nước, mọi việc khó khăn trước kia đều gần như tan biến cả.

Nửa tháng sau, phía Nam nước Vệ có phiên toà đại hình xử ba kẻ can tội dám dùng lời nói để chống phá triều đình. Mức án nặng nề khiến khắp nước không ngớt lời oán thán. Trong đám phạm tội có người cựu chiến binh tuổi đã lục tuần, lại có cả người cựu công sai là phụ nữ, và con của chiến sĩ lão thành. Án xử khiến người ta căm phẫn hơn là khiếp sợ. Nhất là lúc xử, đằng thì nói là công khai, nhưng ai đến dự đều bị bắt giữ cả.

Không ai hiểu vì sao xử đã nặng, trước khi xử lại cố làm to chuyện.

Phải chăng tại kẻ chủ mưu tuổi lục tuần kia trước nay vẫn hô hào chống Phương Bắc. Cho nên việc xử trước bắt người xem để gây sự thu hút, sau nữa xử thật nặng là có ẩn ý gì chăng?

Bên Tề vào cuộc luận sắp xếp quan lại trong triều đình, bàn cả về xử lý quan hệ các nước lân bang. Nhắc đến nước Vệ thì Tạp Cặn đứng lên giơ mảnh giấy của người Vệ đưa. Trên giấy có ba chữ kỳ quặc, rất vô nghĩa.

- Biển Ống Hút.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Đại Vệ Chí Dị 50

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Vệ Kính Vương năm thứ hai, ngày Ất Mão, tiết Lập Thu ở phía bắc ngoại ô kinh thành phát hiện được một vụ giết người. Người chết là nữ, bị chặt đầu treo trên xà nhà, xác vất dưới bếp.

Nước Vệ ngày càng nhiều chuyện giết nhau ghê gớm như cơm bữa. Dân tình thảm sát lẫn nhau hàng ngày. Người ta giết nhau trực tiếp bằng dao chưa đủ. Còn vì mưu lợi mà trộn thuốc độc hại vào thực phẩm để trục lợi khi mua bán, người chết dần vì bệnh ngày càng đông. Ở nhà thương lúc nào cũng chật kín người bệnh. Đã thế trời lại không khoan dung cho cái xứ ấy, làm mưa, khiến lũ liên miên, năm nào cũng có vô số người chết vì thiên tai. Chỉ cơn mưa to là chết mấy chục mạng, đừng nói chi là bão lũ.

Gần Châu Diễn có cỗ xe chở người hành hương, qua địa phận đó bỗng lao xuống vực sâu. Trước đó sập hầm ở đây chết rất nhiều người. Châu Diễn là nơi phát tích của nhà Sản, quê hương của tiên đế. Chả hiểu sao mấy năm gần đây ở phía ấy loạn lạc, cướp phá, tai nạn, lũ lụt xảy ra liên miên. Đại thần nghị chính kiêm tổng quản nghị trường là Sanh gốc ở nơi ấy, Sanh cằm vuông, môi mỏng, mắt rắn, trán bóng thuộc loại thâm trầm, kín kẽ, nhiều mưu kế. Sợ long mạch quê nhà động mới vờ làm cái đền thờ thân quyến tiên đế. Thực ra là trấn yểm cho mệnh của mình. Đền khởi công dịch bệnh, thiên tai vẫn không dứt, thậm chí còn hoành hành khắp cả nước. Người ở chợ có kẻ nói rằng có lẽ long mạch hở từ lâu, giờ chả còn nguyên khí, có hàn hay trấn lại cũng chả ăn thua. Khí trời chỉ cho từng ấy là tận, còn đâu mà giữ nữa.

Vệ Kính Vương là người không tin vào chuyện hoang đường, ngài vốn là học sĩ của thuyết duy vật, trình độ uyên bác, lập luận biện chứng dựa trên khoa học, thực tế. Kính Vương cho rằng chẳng phải vì khí số nhà Sản tận, mà chẳng qua do quan lại triều đình tham nhũng, quan liêu gây ra. Xưa nay đức năng thắng số là chuyện thường. Vệ Kinh Vương mới ban lệnh kiểm điểm tư cách, trình độ quan lại trong triều.

Ngày Quý Sửu tháng Ngâu, nhân đêm tối, triều đình bủa vây biệt thự của Bạch Thủ đại gia ở phường Quảng Yên phía Bắc kinh thành, bắt về ngục tối chờ xem xử vì tội lũng đoạn nền kinh tế. Bạch Thủ đại gia giàu nứt đố, đổ vách, thuộc hàng phú gia địch quốc, chỗ nào cũng có cổ phẩn, hùn vốn. Tin Bạch Thủ đại gia bị bắt khiến thị trường xao động, ngành tín dụng sụt giảm thê thảm. Triều đình lập tức xuất kho bạc ra ứng cứu ngành tín dụng. 

Bạc vừa trong kho xuất ra, chưa đến nơi thì các bộ ngành thuộc quyền của tể tướng Bạo đã ngấp nghé nâng giá những mặt hàng thiết yếu, dù trước đó vừa tăng giá xong.

Trong nước chính sự, đời sống, kinh tế rối loạn. Giá cả leo thang, bệnh dịch, mua điêu bán dối, phường đạo tặc giết người cướp của, hiếp dâm liên miên, càng ngày càng dã man hơn.

Bởi thế việc quân Tề tung hoành ngoài xâm lược biển nước Vệ, chả ai mà nhớ đến.

Người chiến sĩ ăn chơi sa đọa, không gìn giữ sức mình, trữ lưỡng, luyện võ. Khi giặc đến sân nhà, mới khám bệnh, bốc thuốc có phải là muộn rồi không.? Chi bằng dốc sức bắt hết những kẻ tham nhũng, là thượng thư, đại thần lấy hết tài sản của chúng tham nhũng chất chứa đầy nhà mà mua sắm vũ khí. Liều trận với quân thù, nếu có dứt số trời thì còn được tiếng thơm mãi sau này, được hậu thế xá tội cho những sai lầm trước đó.

Còn chấn chỉnh để kéo dài thêm vận khí của mình. Để giang sơn, lãnh thổ rơi vào tay giặc đó cũng chỉ là mưu lợi cho mình. Đất trời nào dung mà không làm mưa gió.?

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Đại Vệ Chí Dị 49

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Nhà Sản sa sút uy tín trong nhân dân. Vệ Kính Vương bèn làm cuộc phê bình và tự phê bình để chấn chỉnh tư  cách, đạo đức quan lại trong triều. Mở đầu Vương nói thẳng vì uy tín nhà Sản giảm sút mới cần phải chỉnh đốn quan lai như vậy.

Cuộc chỉnh đốn tư cách quan lại chưa xong, uy tín nhà Sản chưa thấy tăng thì giá cả ngoài chợ đã tăng vọt. Mọi thứ chất đốt, lương thực, thực phẩm đều tăng lên vèo vèo.

Tháng bảy mưa to, ngày đầu tháng mưa một ngày khiến hơn hai mươi người bị chết. Con đường rộng lớn phía Tây kinh thành bỗng nhiên bị lở cắt ngang như vết chém. Châu Diễn lại sập hầm lò chết mấy người làm công. Dường như đất khắp nơi đều quằn quại chuyển mình dãy giụa.

Trước đó thân mẫu của một người tù vì tội làm phản bỗng nhiên tự thiêu. Lửa bốc ám khói đen cả góc trời. Không biết trời có phải vì thế mà làm mưa không.?

Bấy giờ mọi thứ trong nước đã tăng giá, các nguồn lệ phí cũng đã tận thu, tài nguyên mỏ không còn, rừng xanh kiệt, biển bị quân Tề thôn tính. Đời sống nhân dân khó khăn vô cùng. Quân lính trong triều lại nhiều như cỏ trên thảo nguyên, tướng tá nhung nhúc như rươi. Khiến ngân khố phải oằn mình chi trả lương bổng.

Quan nhà Sản nói với tể tướng : 

- Giờ ngân khố cạn kiệt, xin ngài bổ sung cho.

Tể tướng có nhiều bộ hạ thao lược tài xoay sở, ngài nghe xong quay ra hỏi bộ hạ rằng :
- Còn cái gì chưa tăng giá, còn cái gì chưa thu, cái gì chưa khai thác không.?

Bộ hạ thưa :
- Dạ, hết rồi ạ. Giờ chỉ còn sự bất mãn của dân là nhiều thôi.

Quan tuyên huấn thấy tể tướng lườm mình. Biết có ý trách không dẹp được dư luận, bèn đứng ra tâu :
- Còn bất mãn thì đánh thuế bất mãn.

Các quan lại lao xao, bất mãn thì người ta nói, ai mà đánh thuế được người ca thán cơ chứ. Người khác tỉnh táo hơn thì nói :


- Đừng vội suy đoán, nhà Sản ta có cái gì mà không làm được cơ chứ. Để quan tuyên huấn nói hết xem sao đã.

Quan tuyên huấn e hèm hắng giọng bước ra giữa triều nói :

- Thần trộm nghĩ, giờ nên xử phạt bọn bất mãn, một công đôi việc, vừa cho chúng nó chừa thói ấy, không phải bắt giam vào ngục mang tiếng triều đình, lại tốn người canh giữ, nuôi nấng. Chi bằng cứ phạt bọn ấy là có ngân sách lại là răn đe. Đứa nào không nộp phạt thì đến nhà nó cưỡng chế, nồi niêu, bát đũa có gì thu lấy.

Triều đình nghe mới ngộ ra, ai nấy cũng hỉ hả khen quan tuyên huấn tài. Khiến quan tài chính cũng phải chắp tay bái phục vì chuyên môn khác người của quan tuyên huấn.

Họ Nguyễn người trấn Đoài bị phạt hơn 7 triệu quan tiền. Bên miền trong gia đình nhà họ Huỳnh xứ Chiêm Thành cũ phạt cả nhà còn nhiều hơn gấp bội. Triều đình vừa xử phạt vừa gấp rút soạn lệ phạt lên thành bộ luật.

Dân tình ngoài chợ xôn xao :
- Xưa vẫn có câu '' đéo ai đánh thuế được thằng nói phét '' xem ra bây giờ không đúng ở thời này nữa rồi.

Người khác cãi :
- Người xưa nói không thể sai, khối kẻ nói phét xui dân mua chứng khoán, mua nhà khiến bao người táng gia bại sản. Có kẻ nói không tăng giá mặt hàng này, hôm sau giá tăng luôn đấy có sao.?


Người trung dung tổng kết :
- Đó là nói phét có môn bài, hoặc như câu '' miệng nhà quan có gang có thép' ''

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Đại Vệ Chí Dị 48

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Vỡ nợ khắp nơi, thất nghiệp khắp nơi, kiện cáo khắp nơi, tham nhũng cũng nơi nơi và tăng giá cũng nơi nơi.

Mùa hè năm ấy, ngoài biển quân Tề triển khai tàu thuyền. Nỗ lực xây dựng nhà cửa, kho tàng, chiến lũy kiên cố trên đảo Lam Phu của Vệ. Khi việc xây cất đã xong, lựa ngày tốt bố cáo cho thiên hạ việc mở vùng đất mới, đặt tên là Sa Ta.

Việc động trời ấy, cố nhiên khiến nước Vệ xôn xao. Nhà Sản vô cùng khó xử, nước Tề bên ngoài là láng giềng, nhưng bên trong là tình huynh đệ. Bên Tề cũng do nhà Sản cai trị, anh em với nhau đã mấy mươi năm. Sau khi nhà Sản ở xứ Xa La Tư bị phế truất, Sản Vệ bơ vơ không nơi nương tựa. Triều thần kéo nhau sang Tề khóc thảm thiết mấy ngày trước điện, dâng thơ tha thiết nói rằng:
- Người xưa có câu “quyền huynh thế phụ” cha chết mọi việc do anh quyết. Nay phụ thân ở xứ Xa La Tư lạnh giá, không may đã chẳng còn. Anh em khác còn ở xa và thơ dại, duy chỉ có Tề là anh lớn nhất lại gần kề bên. Xin xá tội cho đứa em nhỏ dại mà nhận về đùm bọc, chỉ bảo, dạy dỗ đừng để bơ vơ thế lực bên ngoài lôi kéo làm tha hóa. Xấu mặt cả họ nhà Sản nói chung.

Tề nghe thấy bèn ra một số điều kiện. Vệ bấy giờ như chết đuối vớ phải cọc, cái gì cũng ừ, miễn sao có chỗ bám chắc chắn. Nhà Sản từ đó mới yên, mưa thuận, gió hòa chỉ việc đào tài nguyên, khoanh đất mà bán lấy tiền. Triều đình quan lại ung dung hưởng lộc, nhàn nhã, phú quý xênh xang. Tậu biệt thự ngoài biển, xây lâu đài trên núi, cuộc sống quan lại nhà Sản nước Vệ thịnh vượng, xa hoa hết chỗ nói.

Giờ nhà Tề chính thức tuyên bố lấy Lam Phu đặt thành quận huyện của Tề. Triều thần nhà Sản nước Vệ rụng rời, bối rối không biết xử lý ra sao. Một mặt chạy sang kêu nài Tề hay thư thả để vài năm nữa nói chuyện. Nhưng thế sự rối bời, mai này chưa biết về đâu, Tề nhất quyết lấy ngay bằng được.

Nhà Sản nước Vệ họp bàn kế sách về việc Lam Phu. Chả ai đưa ra được ý kiến, lúc cả triều đang vò đầu bứt tai thì có quan tuyên huấn đứng ra nói:
- Trong cái họa có cái phúc, nước Vệ gặp việc này càng may cho nhà Sản.

Triều đình mới hỏi phúc họa thế nào. Quan tuyên huấn nói:
- Việc Lam Phu mà Tề gây ra sẽ khiến dân tình bức xúc, trong sự bức xúc đó sẽ lộ ra nhiều đứa ai oán triều đình, phản đối quan hệ Tề-Vệ. Nay ta nhân cơ hội này mà làm cuộc thanh trừng, tảo phạt bọn phản nghịch ấy. Triệt hết mầm mống thì có phải nhà Sản ta lại kê cao đầu mà ngủ không?

Có quan hỏi:
- Thế còn chuyện Lam Phu nói với dân thế nào?

Quan tuyên huấn nói:
- Nói với dân thế nào chả được, nói rằng mọi việc đã có triều đình, làm dân phải yên ổn làm ăn, không được bàn tán thế sự để bọn xấu lợi dụng.

Một quan khác hỏi:
- Thế dân không nghe thì sao?

Quan tuyên huấn:
- Không nghe rõ là có ý nghịch, loại ấy là mầm mống, trước sau cũng nghịch. Chẳng phải đây là cơ hội ta phát hiện chúng sao, thế mới gọi là trong cái họa có cái phúc.

Lập tức hôm sau, nhà Sản cho người đi lu loa khắp phố phường những kẻ phản đối Tề xâm lược Lam Phu chỉ là mưu đồ nhằm lật đổ triều đình nhà Sản, những kẻ này sẽ bị trừng trị thích đáng. Đối với việc Lam Phu nhà Sản đang có đối sách, nhân dân tuyệt đối bình tĩnh làm ăn. Không nghe theo kẻ khác làm loạn.

Sau này Lam Phu bị mất về tay Tề, nhưng nhà Sản nước Vệ vững như bàn thạch, tọa cùng tuế nguyệt, xây thêm nhiều nhà thờ tiên đế khắp nơi để dân chúng cảm tạ.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Đại Vệ Chí Dị 47

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.
Dân oan bị cướp đất kéo nhau đi kiện khắp nơi.
Kinh tế suy thoái, nợ nước ngoài chồng chất.
Quân Tề nhân cơ ấy, tung hoành ngoài lãnh hải, ngư thuyền đi đánh bắt hải sản dàn hàng ngang trên biển Vệ. Khiến cho ngư dân Vệ khiếp đảm không dám ra khơi hành nghề. Vì thế mà nước Vệ yên ổn, tránh được chuyện binh đao với Tề. Quả thật một điều nhịn chín điều lành như cha ông dạy. Triều Vệ nghị sự, các quan bàn rằng, chúng nó (ý nói bọn Tề) đánh hết hải sản, thu hết tài nguyên tức khắc phải kéo về. Cứ án binh bất động là kế hay nhất.
Trong nước người dân bất mãn, ca thán, tiếng vang động đến trời cao. Triều Vệ nghị, sự, các quan bàn rằng. Cứ cấm chúng nó than vãn, thì gần cũng chả nghe thấy, huống chi là trời cao vời vợi kia.
Bèn lựa lúc mùa hạ oi bức khiến bá tính khó chịu vô cùng, mới sai bọn truyền thông thanh tra những người hay phổ biến tin tức trong nhân dân để khép tội.
Lúc ấy ở kinh thành có tiến sĩ họ Nguyễn, Nguyễn nguyên người xứ Đoài, năm 38 tuổi đậu tiến sĩ khóa Mậu Tí đời Vệ Cường Vương, làm quan thủ thư tại viện Cổ Ngữ. Tay ấy rành kinh sử, hay chọn lọc được những tin tức quý giá trong dân phổ biến cho mọi người xem. Ước thiên hạ người đọc tin của tiến sĩ có đến hàng triệu.
Đại thần nghị chính kiêm phó tể tướng là Phước được triều đình tín nhiệm, giao cho xử việc trấn áp Nguyễn. Phước cầm lệnh bài triệu tập các bộ liên quan là bộ Lễ, bộ Hình lại, cắt đặt việc đâu ra đấy. Trước là dùng pháp lệnh để nắn Nguyễn tìm chứng cứ cho bộ Hình vào cuộc, tiếp nữa là dùng bọn bồi bút công kích hạ thấp uy tín của Nguyễn. Đồng thời lệnh cho những kẻ đặc tình cài trong hàng ngũ nhân dân hưởng ứng cuộc hạ uy tín này tạo thành hai mũi giáp công. Dọn đường khi trấn áp được Nguyễn, hạ được uy tín, reo rắc tiếng xấu cho những người đưa tin trong bốn cõi là đưa pháp lệnh xiết chặt việc truyền tin trong dân gian vào thi hành.
Nào ngờ mưu ấy bị lọt ra ngoài, làm mất đi cái chính danh của pháp lệnh. Khắp nơi đường chợ người ta đều hiểu đó là mưu để bịt miệng nhân dân, không để tiếng than vãn lọt đến trời xanh. Dân vì thế mà không phục.
Nhà Sản thấy khó, bèn xoay chuyển sang hướng khác. Đưa tin bọn ca kỹ, diễn viên bán dâm hàng chục lượng vàng tràn ngập khắp bảng tin trong nước. Dân trí Vệ còn thấp, nghe được tin lạ xúm xít vào bàn tán, làm thế cho loạn tin. Một cách làm bấy lâu nay vẫn thành công. Trước gây loạn có cớ dẹp, trong lúc dẹp thì mượn gió bẻ măng.
Bọn lưu manh kẻ chợ ngồi mách chuyện với nhau. Xưa nay chúng ta bảo kê chỗ nào như nhà hàng, quán chợ, bến bãi, trước tiên cho người vào hàng quán quậy phá, gây loạn cho lòng người hoảng sợ. Sau đó đứng ra bảo kê thu tiền với cớ là giữ gìn trật tự. Nay triều đình dùng kế đem mỹ nhân bán dâm gây loạn thiên hạ, sau đó chấn chỉnh việc truyền tin trong nhân dân. Liệu có giống nhau không nhỉ?
Có người nói:
- Giống phần nào thôi, chúng ta là lưu manh, côn đồ, chúng ta dùng vũ lực. Dù sao đi nữa chúng ta cũng là người ngay thật. Chứ dùng váy của đàn bà mà để làm chuyện đó thì xưa nay trong giới chúng ta không ai làm việc đó cả.
Dân kẻ chợ, nghe bọn đó nói chuyện, ai cũng ngao ngán nói với nhau.
- Đúng là thời của âm binh.

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Cả nước đã bị lừa

Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, làm ăn cực nhọc là thế, thành tựu không thể nói là nhỏ, thế mà khoảng cách phát triển của VN so với thế giới sao vẫn xa vời! Không định thần nhìn nhận lại tất cả, không khéo chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào con đường đi làm thuê, đất nước có nguy cơ trở thành đất nước cho thuê với triển vọng là bãi thải công nghiệp của các quốc gia khác! Giữa lúc thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế trí thức!


150 năm đã trôi qua, nhưng bài học này còn nguyên vẹn. Đó là 80 năm nô lệ, 40 năm với 4 cuộc chiến tranh lớn (Pháp, Mỹ, Cam Bốt, Tàu) – trong đó 3 thế hệ liên tiếp gánh chịu những hy sinh khốc liệt, 35 năm xây dựng trong hòa bình với biết bao nhiêu lận đận, và hôm nay VN vẫn còn là một nước chậm tiến.

Thảm kịch của đảng cộng sản thực ra đã bắt đầu ngay từ ngày 30-4-1975. Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt. “Tính hơn hẳn” của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.


Nhìn lại sau hơn nữa thế kỷ dưới chế độ CS, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra :

_ Năm 1954 sau khi thắng Pháp, tại sao hơn 1 triệu người Bắc phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn di cư vào miền Nam ?
_ Sau năm 1975 , tại sao dân miền Nam không ồ ạt di cư ra Bắc sinh sống để được hưởng những thành quả của CNXH mà chỉ thấy hàng triệu người Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam lập nghiệp ?
_ Tại sao sau khi được “giải phóng” khỏi gông cùm của Mỹ-Ngụy, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông ?
_ Tại sao nhân viên trong các phái đoàn CS đi công tác thường hay trốn lại ở các nước tư bản dưới hình thức tị nạn chính trị ?


Tất cả những thành phần nêu trên, họ muốn trốn chạy cái gì?

_ Tại sao đàn ông của các nước tư bản Châu Á có thể đến VN để chọn vợ như người ta đi mua một món hàng?
_ Tại sao Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ?
_ Tại sao lại có sự cách biệt một trời một vực giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn?
_ Tại sao nước ta ngày nay phải quay trở lại với kinh tế thị trường, phải đi làm công cho các nước tư bản?
_ Tại sao các lãnh tụ CS lại gởi con đi du học tại các nước tư bản thù nghịch?


Hỏi tức là trả lời, người VN đã bỏ phiếu bằng chân từ bỏ một xã hội phi nhân tính . Mọi lý luận phản biện và tuyên truyền của nhà nước cộng sản đều trở thành vô nghĩa.


Sự thực đã quá hiển nhiên nhưng đảng cộng sản không thể công khai nhìn nhận. Họ không thể nhìn nhận là đã hy sinh bốn triệu sinh mệnh trong một cuộc chiến cho một sai lầm. Nếu thế thì họ không còn tư cách gì để nắm chính quyền, ngay cả để hiện diện trong sinh hoạt quốc gia một cách bình thường.


Nhìn nhận một sai lầm kinh khủng như vậy đòi hỏi một lòng yêu nước, một tinh thần trách nhiệm và một sự lương thiện ở mức độ quá cao đối với những người lãnh đạo cộng sản. Hơn nữa họ đã được đào tạo để chỉ biết có bài bản cộng sản, bỏ chủ nghĩa này họ chỉ là những con số không về kiến thức. Cũng phải nói là trong bản chất con người ít ai chịu từ bỏ quyền lực khi đã nắm được.


Thế là sau cuộc cách mạng long trời lở đất với hơn ba chục năm khói lửa, máu chảy thành sông, xương cao hơn núi, Cộng sản Hà Nội lại phải đi theo những gì trước đây họ từng hô hào phá bỏ tiêu diệt. Từ ba dòng thác cách mạng chuyên chính vô sản, hy sinh hơn bốn triệu mạng người, đi lòng dòng gần nửa thế kỷ, Cộng sản Hà Nội lại phải rập khuôn theo mô hình tư bản để tồn tại .


Hiện tượng “Mửa ra rồi nuốt lại” này là một cái tát vào mặt các nhà tuyên giáo trung ương.


Cách mạng cộng sản đã đưa ra những lí tưởng tuyệt vời nhất, cao cả nhất, đã thực hiện những hành động anh hùng vô song, đồng thời cũng gieo vào lòng người những ảo tưởng bền vững nhất.


Nhưng thực tế chuyên chính vô sản đã diễn ra vô cùng bạo liệt, tàn khốc, chà đạp man rợ lên đạo lý, văn hóa và quyền con người ở tất cả các nước cộng sản nắm chính quyền. Sự dã man quỷ quyệt mánh lới và sự bất nhân khéo che đậy của cộng sản chưa hề thấy trong lịch sử loài người.


Con người có thể sống trong nghèo nàn, thiếu thốn. Nhưng người ta không thể sống mà không nghĩ, không nói lên ý nghĩ của mình. Không có gì đau khổ hơn là buộc phải im lăng, không có sự đàn áp nào dã man hơn việc bắt người ta phải từ bỏ các tư tưởng của mình và “nhai lại” suy nghĩ của kẻ khác.


Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối, những kẻ mù chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều…


Công dân của nhà nước cộng sản luôn luôn sợ hãi, luôn luôn lo lắng không biết mình có làm gì sai để khỏi phải chứng minh rằng mình không phải là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.


Cơ chế quyền lực cộng sản tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất. Vì vậy công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.


Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là suy đồi đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống…


Bác và đảng đã gần hoàn thành việc vô sản hóa và lưu manh hóa con người VN (vô sản lưu manh là lời của Lê Nin). Vô sản chuyên chính (đảng viên) thì chuyển sang làm tư bản đỏ, còn vô sản bình thường (người dân) trở thành lưu manh do thất nghiệp, nghèo đói.

Nền kinh tế Việt Nam bây giờ chủ yếu là dựa trên việc vơ vét tài nguyên quốc gia, bán rẻ sức lao động của công nhân và nông dân cho các tập đoàn kinh tế ngoại bang, vay nước ngoài do nhà nước cộng sản làm trung gian .


Huyền thoại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp do cộng sản Việt Nam dày công dàn dựng đã tan thành mây khói khi giai cấp “vô sản” âm thầm lột xác trở thành các nhà tư bản đỏ đầy quyền lực và đô la.
 

Do vậy, lý thuyết cộng sản dần dần mất đi tính quyến rủ hoang dại. Nó trở nên trần trụi và lai căng. Tất cả điều đó đã làm cho các ĐCS trên toàn thế giới dần dần chết đi. Dù GDP có tăng lên, nhiều công trình lớn được khánh thành do vay mượn quỹ tiền tệ Quốc Tế nhưng đạo đức xã hội cạn dần. Thực tế cho thấy rằng sức mạnh không nằm ở cơ bắp. Vũ khí, cảnh sát và hơi cay chỉ là muỗi mòng giữa bầu trời rộng lớn nếu như lòng dân đã hết niềm tin vào chính quyền.


Học thuyết về xây dựng một xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ là một loại lý tưởng hóa, nó là chiếc bánh vẽ để lừa gạt dân, không hơn không kém; đảng nói một đằng, làm một nẻo.


Chẳng hạn đảng nói “xây dựng xã hội không có bóc lột” thì chính những đảng viên lại là những người trực tiếp tham nhũng bóc lột người ; đảng nói ” một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản” thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng; đảng nói “đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất” nhưng thực tế thì đảng đầy rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ đục khoét tiền bạc của nhân dân.


Sở dĩ ĐCSVN còn cố giương cao ngọn cờ XHCN đã bị thiêu rụi ở tất cả các nước sản sinh ra nó vì chúng đang còn nhờ vào miếng võ độc “vô sản chuyên chính” là… còng số 8, nhà tù và họng súng để tồn tại !

Nhân dân đang hy vọng rằng Đảng sớm tự ý thức về tội lỗi tầy trời của mình . Đảng sẻ phải thẳng thắn sám hối từ trong sâu thẳm chứ không chỉ thay đổi bề ngoài rồi lại tiếp tục ngụy biện, chấp vá một cách trơ trẽn.


Người dân chẳng còn một tí ti lòng tin vào bất cứ trò ma giáo nào mà chính phủ bé, chính phủ lớn, chính phủ gần, chính phủ xa đưa ra nữa. Họ nhìn vào ngôi nhà to tướng của ông chủ tịch xã, chú công an khu vực, bà thẩm phán, ông chánh án, bác hải quan, chị quản lý thị trường, kể cả các vị “đại biểu của dân” ở các cơ quan lập pháp “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà kết luận: “Tất cả đều là lừa bịp!”


Do đó XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử VN. Con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại nó như một thời kỳ … đồ đểu ! vết nhơ muôn đời của nhân loại.


Một thời kỳ mà tâm trạng của người dân được thi sĩ cách mạng Bùi Minh Quốc tóm tắt qua 2 vần thơ :
“Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa!
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”

Chẳng lẽ tuổi thanh xuân của bao người con nước Việt dâng hiến cho cách mạng để cuối cùng phải chấp nhận một kết quả thảm thương như thế hay sao?


Chẳng lẽ máu của bao nhiêu người đổ xuống, vàng bạc tài sản của bao nhiêu kẻ hảo tâm đóng góp để cuối cùng tạo dựng nên một chính thể đê tiện và phi nhân như vậy?


Tương lai nào sẽ dành cho dân tộc và đất nước Việt Nam nếu cái tốt phải nhường chổ cho cái xấu?


Một xã hội mà cái xấu, cái ác nghênh ngang, công khai dương dương tự đắc trong khi cái tốt, cái thiện phải lẩn tránh, phải rút vào bóng tối thì dân tộc đó không thể có tương lai!


Một kết cục đau buồn và đổ vỡ là điều không tránh khỏi.


Châu Hiển Lý – Bộ đội tập kết 1954




Quốc hội Âu Châu lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại

Ngày 25.01.2006, tại Strasbourg, Pháp, Quốc hội Âu Châu, với đa số áp đảo, 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống, đã đưa ra nghị quyết số 1481, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể.


 

Nguyễn Văn Thiệu (tổng thống Đệ nhị Cộng hòa, nhiệm kỳ 1967-1975 - mất năm 2001):
Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm.



Martin Luther King (mục sư Tin Lành, mất năm 1968)
Điều làm cho kinh hãi  không phải là sự đàn áp của kẻ ác, mà là sự thờ ơ của kẻ thiện.


Mikhail Gorbachev (tổng bí thư cuối cùng của đảng cs Liên Xô, nhiệm kỳ 1985-1991):
Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.


Boris Yeltsin (tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, nhiệm kỳ 1991-1999 - mất năm 2007):
Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó.


Vladimir Putin (tổng thống Nga, nhiệm kỳ 2000-2008):
Kẻ nào tin những gì cộng sản nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của cộng sản là không có trái tim.


Milovan Djilas (Bí thư đảng CS Nam Tư - mất năm 1995)
20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu.


Dalai Lama (lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng):
Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời.


Angela Merkel (thủ tướng Đức, đương nhiệm từ 2005)
Cộng sản đã làm cho người dân trở thành gian dối. Dưới chế độ cộng sản chỉ tạo nên những con người dối trá.