Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Đại Vệ Chí Dị 46



Nước Vệ triều nhà Sản. Năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương thứ hai.

Nứt đập chắn nước ở nam trung bộ, tính mạng hàng trăm ngàn bá tính bị đe dọa.

Dân oan bốn phương kéo về kinh đô đánh trống kêu oan ngày một đông.

Ngoài biên cương nước Tề kéo thủy quân nhòm ngó lãnh hải, bắt đi cơ man nào là ngư dân đòi tiền chuộc.

Ngân khố cạn kiệt, giá cả vẫn leo thang chóng mặt.

Nhà nhà phá sản, khánh kiệt.

Kẻ có bạc vẫn hoang phí, xa hoa,quan chức thì xây cung điện, dinh cơ tráng lệ. Phường trọc phú tậu xe tứ mã nhập ngoại, tổ chức hôn lễ đình đám tốn hàng ngàn lượng vàng.

Bấy giờ nhà Sản thấy ngân khố trống rỗng, lo lắng họp triều định nghị sự, đại thần nghị chính Tôn Dưa mở đầu nói rằng.

- Nay thiên hạ rối ren, đập nứt, vỡ nợ, nông dân thì kiện triều đình mất đất, ngư dân thì bị Tề bắt giam đòi chuộc, giá cả lạm phát hàng ngày… nhưng thứ đó đều quan trọng. Nhưng cái quan trọng nhất cần bàn phải là ngân khố triều đình. Đập vỡ chết dân thì dân lại sinh đẻ. Nông dân, ngư dân không có ruộng, biển hành nghề tức khắc đói đầu gói phải bò kiếm nghề khác. Giá cả cao thì không ăn thịt nữa chọn rau, củ mà ăn… chưa hẳn là cấp bách. Ngân khố là sức mạnh đoàn kết của triều đình, không có ngân khố không duy trì được ba quân. Không giữ được ba quân thì không giữ nổi triều đình. Nước Vệ ta từ khi thành lập đến nay dân tình trải qua bao lần đào sắn, khoai trừ bữa nhưng chưa bao giờ sinh biến, ấy bởi vì ngân khố cho ba quân còn mạnh. Ba quân mạnh thì dẫu biến thế nào cũng trị được. Bởi vậy lần này nghị triều, việc khẩn cấp là tìm nguồn tài lực cho ngân khố.

Vệ Kính Vương trầm tư gật đầu, xưa Dưa với Vệ Kính Vương cùng trường, người khóa trước kẻ khóa sau. Nên nói là hợp ý. Vệ Kinh Vương trăn trở luận rằng.

- Biết là vậy, nhưng tài nguyên đã bán hết từ lâu, ruộng đồng của dân thu hồi về bán cũng gần hết. Vay nợ bên ngoài khắp nơi giờ cũng hết chỗ mà vay. Biết chỗ nào trông cậy.

Bạo e hèm một tiếng, triều thần đổ dồn ánh mắt về phía Bạo. Làm tể tướng nhiều năm, Bạo có tiếng là liêm khiết. Gia sản thanh bạch, nhà cửa mồ mả cha ông ở quê nhà vẫn đơn sơ, giản dị. Con cái, họ hàng không được nhờ cậy toàn phải tự lực cánh sinh. Lúc Bạo làm tể tướng tính yêu sự thật, ghét giả dối cho nên không có bè cánh gì cả, chỉ dựa vào tài năng, đức độ của mình mà điều hành việc nước. Không những dân chúng trong nước yêu mến, mà ngay cả người nước ngoài đều đánh giá Bạo tài năng lỗi lạc, xuất chúng. Bởi vậy Bạo hắng giọng là được sự chú ý của cả triều đình.

Bạo đưa cằm lên cao, ngước mắt nhìn xung quanh, mắt nheo nheo, miệng cười khẩy nói:

- Triều nhà Sản ta xưa nay lắm lý luận, chả lẽ không có kế gì sao?

Một phần ba đại thần nghị chính là nho sĩ, triết gia, lý luận hàng đầu của nước Vệ. Nghe Bạo hỏi ai cũng tảng lờ. Việc tiền bạc và chữ nghĩa xưa nay không mấy khi chung đường. Bạo đợi mãi không thấy ai trả lời, mới hỏi:

- Thế nào là phát huy nội lực?

Vẫn không ai trả lời, Bạo quay lại đằng sau gọi quân bản bộ của mình là tùy tướng Đương Leo Thang:

- Này Thang, ngươi có trả lời được câu này cho triều đình nghe không?

Đương Leo Thang tuổi trẻ, tài cao, chí lớn. Người trấn Sơn Nam Hạ. mắt phượng, mày ngài đi đứng ăn nói dõng dạc. Nghe chủ tướng gọi tên mình, Thang bước ra giữa triều tâu:

- Phát huy nội lực chính là lúc này đây, không lấy được tiền từ tài nguyên, đất đai, vay mượn thì lấy từ trong dân. Kế này gọi là hết nạc ta vạc đến xương. Dân ta bây lâu nay nhờ ơn nhà Sản mở mang luật pháp cho làm ăn, của nả cũng dư dả. Xe cộ nườm nượp đi tắc cả đường. Nay nhân cớ dẹp tắc đường mà thu phí. Đó chả phải là kế hay sao?

Bạo hỏi:

- Thế ngươi đã có chủ trương gì chưa?

Thang tâu:

- Thưa tể tướng, thần từ khi nhậm chức đã biết lo xa. Nên đã học Thương Ưởng.

Triều đình có tiếng thì thầm, học gì, Thưởng Ưởng là ai nhỉ?

Thang rành rẽ kể:

- Được vua Tần giao quyền trị nước, Thương Ưởng liền soạn thảo một chính sách Pháp trị cứng rắn để đem ra áp dụng. Bảy điều luật ông chuẩn bị ban hành đều rất hà khắc, trong đó điều thứ 7 là hà khắc nhất: trong 10 nhà nếu có một nhà phạm pháp mà không ai báo thì cả 10 nhà đều bị giết.

Vì chính quyền nước Tần lâu nay vẫn chuyên “nói một đường làm một nẻo”, giờ cần lấy lại lòng tin của dân chúng để thi hành 7 điều luật Pháp trị mới này thật khó. Thương Ưởng đã nghĩ ra một cách phương cách khá ngoạn mục và cũng khá hao tốn: Ông cho dựng nhiều cây gỗ nhẹ dài khoảng ba trượng ở cửa Nam thành kinh thành rồi thông báo: “Ai vác nổi một cây gỗ này từ đây sang cửa Bắc sẽ được thưởng 5 lượng vàng”.
Suốt ngày hôm đó không có ai vác.

Hôm sau ông lại cho thông báo: “Ai vác được một cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lượng vàng”.
Hôm ấy cũng chẳng có ai vác.

Hôm sau nữa Thương Ưởng lại cho thông báo như cũ nhưng thay vì thưởng 10 lượng thì giờ lại tăng thành 50 lượng. Dân chúng thấy kỳ lạ chưa biết ý của quan Tả thứ trưởng muốn gì.

Một người ăn mày nói:
- Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?
Và người này đã vác thật! Khi vừa để thanh gỗ xuống cửa Bắc ông ta liền được người của quan Tả thứ trưởng mời vào trong trao tặng 50 lượng vàng thật! Những người khác thấy vậy cũng kéo sang cửa Nam vác gỗ sang cửa Bắc và cũng đều được lãnh thưởng 50 lượng.

Thực hiện xong việc lấy lại lòng tin của quốc dân, Thương Ưởng liền ban hành pháp lệnh mới để chính quyền cùng dân chúng thi hành.

Sau khi pháp lệnh được ban ra, chính quyền bắt đầu triệt để thực hiện. Từ các bậc công hầu cho tới hàng thứ dân hễ ai phạm lỗi đều bị trừng phạt đúng mức. Thái tử Doanh Tứ vì chê tân lệnh không đúng cũng bị trừng phạt. Vì Thái tử là vị vua tương lai không thể phạt trực tiếp, hai vị thầy dạy của Thái tử là Công Tử Kiền đã phải chịu cắt mũi và Công Tôn Giả đã phải chạm vào mặt.

Thế là từ đó dân nước Tần tin hễ nhà nước nói sao thì làm vậy.

Thang ngừng lại một lát để câu chuyện được thấm vào tai người nghe, đoạn tiếp:

- Thần khi mới nhậm chức, đã học chuyện đó mà cách chức mấy mống quan dưới quyền. Ra lệnh khắt khe với bọn dưới trướng. Dân tình giờ ai cũng hân hoan, khen ngợi quan lại triều ta chí công vô tư. Lời nói bây giờ thần đã có trọng lượng với dân rồi ạ.

Bạo khoát tay:

- Thôi không rườm rà, thế đã đến lúc phát huy nội lực chưa?

Thang tâu:

- Giờ đã là lúc chín muồi, thần đã có bản tấu xin triều đình phê chuẩn thu phí xe cộ trong dân gian.

Bản tấu của Đương Leo Thang chuyền tay cho triều đình đọc, ai cũng tấm tắc khen kế sách chu toàn, nghĩ trước sau chặt chẽ. Các quan lại đứng đầu các bộ như tìm ra được hướng đi, hân hoan bàn tán râm ran, người tính tăng giá thuốc, người lượng tăng giá than, người áng thu phí thuế đất ở phi nông nghiệp….

Vệ Kính Vương nâng ly mừng tể tướng Bạo:

- Quả là rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt, công lao này thuộc cả về tể tướng.

Bạo nhận chén rượu, khiêm tốn đáp lễ rằng.

- Ấy là nhờ Vương cả, giữ vững được niềm tin cho dân chúng đến chùa, giữ được chùa tất nhiên có oản mà thôi.

Triều đình nhà Sản nghị xong, tình đoàn kết lại tràn trề. Mọi mối tị hiềm đều được xua tan. Đúng là một nước cường thịnh, vua sáng tôi hiền. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng như lời tiên đế ban khi xưa.

Lúc lệnh ban ra, dân chúng đa số đồng thuận. Duy có lác đác vài kẻ cự nự. Đại thần nghị chính kiêm tổng trấn kinh thành là Cả Sáng phán:

- Chúng mày nhiều tiền mua xe đi, kêu ca cái nỗi gì.

Dân chúng từ đó không còn ai dị nghị nữa.

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Cuộc cách mạng của Sợ Hãi

Vũ Đông Hà - Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội. 

I. Từ Điện Biên Phủ đến Sài Gòn 

Khi mùi thuốc súng không còn phảng phất trong không gian lòng chảo Mường Thanh, khi những tiếng hò vang chào đón đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô đã chìm lắng, khi những người nông dân tải gạo ra chiến trường đã về lại "xứ Đoài mây trắng lắm..., trở lại đồng Bương Cấn, về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng..." (1) thì những người lãnh đạo đảng Cộng sản đối diện với một thử thách mới, gay go gấp ngàn lần cuộc chiến Điện Biên: giữ quyền và điều hành, xây dựng, phát triển đất nước.

Những câu thơ "Trên đất nước, như huân chương trên ngực / Dân tộc ta, dân tộc anh hùng! / Điện Biên vời vợi nghìn trùng / Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta..." (2) không là những câu thần chú làm nên cơm áo. 

Những "Chiến sỹ anh hùng / Đầu nung lửa sắt / Năm mươi sáu ngày đêm / Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng / Chí không mòn!" (2) không thừa trí tuệ để tự mình thảo nên một phương án thích nghi cho chính sách phát triển quốc gia. 

Thiên tài quân sự của thời chiến không đương nhiên là lãnh đạo tài ba trong thời bình. Winston Churchill, Charles de Gaulle, Harry S. Truman - những người hùng ca khúc khải hoàng vào thời khắc sau cùng của Thế chiến thứ 2, trong thời bình chỉ để lại dấu ấn của những nhà lãnh đạo tầm thường. Vai trò của họ được lịch sử ghi nhận, nhưng thời của họ đã qua, nhường chỗ lại cho những người lãnh đạo tương lai, thích hợp cho bối cảnh và nhu cầu phát triển đất nước thời bình. 

Tại Việt Nam, tham vọng cầm quyền vô thời hạn đã được thể hiện sau cuộc cướp chính quyền bằng những khẩu hiệu màu đỏ với những cụm từ "đời đời", "muôn năm", được bổ sung thêm bằng những "quang vinh", "vĩ đại". Tham vọng đó, nếu đặt trong nhu cầu xây dựng lại đất nước sau một thế kỷ mất độc lập, đã không thể đạt được bằng khả năng và trí tuệ của những người chỉ quen cầm súng, khoét núi, ngủ hầm, đào địa đạo và đầu óc chỉ được bồi dưỡng bằng giáo điều cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam phải bằng mọi cách để duy trì vai trò lãnh đạo lâu dài sau khi tiếng súng đã im hơi và tiếng óc ách từ bao tử đói của người dân đang trỗi dậy. 

Từ đó, một cuộc chiến mới được dựng lên và trở thành sứ mạng của toàn đảng và áp đặt lên toàn dân miền Bắc: Đấu tranh giai cấp. Kẻ thù không còn là những tên thực dân da trắng mà là những con người da vàng máu đỏ trong làng trong xóm. Phương án đã có sẵn, đã được tiến hành bởi những đồng chí đồng mộng đồng sàng từ phía "bên kia biên giới cũng là quê hương" (3). Những tên Hồng Vệ Binh một thời từng là thảo khấu trên con đường Vạn lý Trường chinh khi bị truy đuổi bởi Tưởng Giới Thạch được mời sang làm cố vấn. Ảnh Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch được song hành treo lên "Bác Hồ ta đó cũng là Bác Mao" (4)

Cải cách Ruộng đất bắt đầu... 

Cuộc cách mạng long trời lỡ đất "Giết, giết nữa đi bàn tay không phút nghỉ / Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong / Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng / Thờ Mao chủ tịch, thờ Xì ta Lin bất diệt." (5) được lệnh xuất quân. 

Cho đảng bền lâu... 

Chiến dịch vĩ đại để cấy những con vi trùng SỢ HÃI vào tim não của mấy mươi triệu người dân được khởi xướng. 

Cho đảng muôn năm... 

Vũ khí là những cái loa và miếng vải đen bịt mắt. 

Chiến sĩ diệt thù và kẻ thù đều mang cùng một màu da, một dòng máu, cùng chia sẻ với nhau một nơi chôn nhau cắt rốn: nhân dân. 

Những thành phần có khả năng đe dọa đến vai trò lãnh đạo của đảng qua đó bị loại trừ. 

Khả năng lãnh đạo đất nước của đảng vinh quang không đo đạt bằng mức độ tăng trưởng mà bằng thành tích bao nhiêu "kẻ thù" bị tiêu diệt. 

Con số người bị tiêu diệt trong cuộc cách mạng "long trời lỡ đất" không ai biết đích xác nhưng chắc chắc một điều: gần như toàn bộ lòng can đảm của một nửa phần đất nước từ dòng sông Bến Hải trở lên, mới ngày nào làm nên chiến thắng Điện Biên lẫy lừng, đã bị giết chết nội trong vòng 3 năm. 

Từ đó, Đảng cộng sản xây dựng và củng cố guồng máy cai trị bằng những con vi trùng sợ hãi mỗi ngày một ăn sâu vào từng tế bào của người dân miền Bắc. Lởn vởn trên những cái đầu bấy giờ chỉ biết cúi xuống là những bóng ma... 

Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ... (6) 

Hai mươi năm sau. Sài Gòn được "giải phóng". Nhà văn nữ Dương Thu Hương ngồi khóc bên lề đường khi nhận ra rằng "nền văn minh đã thua chế độ man rợ" (7). Những người cộng sản một lần nữa phải đối diện với bài toán của 20 năm trước. Thời kỳ toàn trị do đó được mở ra và cuộc cách mạng long trời lỡ đất ngày xưa được thay thế bằng những chiến dịch "Học tập cải tạo" không biết ngày về, chính sách đổi tiền, chiến dịch X1, X2 “Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa” mà vẫn được quen gọi là “Đánh tư sản mại bản”, xua dân đi kinh tế mới để lấy nhà và tài sản của dân. Chỉ vài năm sau, từ một trung tâm công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, toàn bộ nền sản xuất của Sài Gòn bị tê liệt. Người dân Sài Gòn 300 năm trước đó chưa bao giờ thiếu gạo, sau khi giải phóng xong thì cái dạ dày của người dân thành phố được giải phóng khỏi gạo. (8) 

Gần 1 triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi, một cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử hơn 4000 năm của một dân tộc có truyền thống bám lấy quê cha đất tổ. Những thành phần ưu tú nhất của xã hội miền Nam phải đành đoạn lìa bỏ quê hương. 

Miền Nam, 20 năm sau đã cùng với đồng bào miền Bắc cúi đầu trong nỗi sợ hãi triền miên. Thống nhất! 

II. Sợ hãi - căn bệnh ung thư và di truyền 

Gần 60 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, bầy vi trùng sợ hãi đã đục khoét vào từng phế phủ của dân tộc Việt Nam. Sợ đảng, sợ cán bộ, sợ lẫn nhau và sợ ngay cả ý tưởng độc lập của chính mình. Nỗi sợ bám theo năm tháng làm cho người ta phải tự đánh mất chính mình để có thể yên thân sống. 

Những người cha, người mẹ cũng đã truyền lại cho những đứa con của mình những con vi trùng độc hại ấy. Truyền lại bằng chính thái độ sống của họ mà con cái chứng kiến từ lúc lọt lòng cho đến trưởng thành. Truyền lại bằng những lời "dạy bảo" tóm gọn trong triết lý sống tiêu biểu của thời đại búa liềm "khôn sống, dại chết". Hậu quả là những thế hệ thứ hai, thứ ba sau Cải cách Ruộng đất, sau Cải tạo Tư sản Mại bản đã coi đó là lẽ thường tình, một lẽ sống không có lẽ khác. 

Ngoài đảng thì thế. Ở trong đảng, đồng chí sợ nhau. Con người nhìn nhau trong ánh mắt xoi mói. Phê và tự phê trở thành "văn hóa" đảng. Người ta sợ ngay cả khi không có gì xấu xa để tự khai và để chứng minh sự thành khẩn. Kẻ thù thực dân, đế quốc đã cút; cường hào ác bá địa chủ đã được đảng tuyên bố "đào tận gốc, trốc tận rễ" thì đã có ngay một kẻ thù mới: thế lực thù địch và tự diễn biến. Kẻ thù này vô hình nhưng hiện hữu khắp nơi và bất cứ lúc nào. Theo chiếc đũa trừ ma huyền diệu của đảng, mọi tư tưởng, mọi hành động của mỗi người hợp lòng dân nhưng không theo ý đảng đều do bóng ma kẻ thù này kích động, xúi dục, giựt giây. 

Dân sợ đảng, đảng viên sợ đồng chí, cả nước đội lên đầu bảng hiệu "Đảng là cuộc sống của tôi" với sự sợ hãi triền miên. 

Và cứ thế, hơn nửa thế kỷ trôi theo mưa sa trên màu cờ đỏ, đảng đã thành công trong sứ mạng biến đại khối nhân dân thành những con người ngoan ngoãn nhất, biết cúi đầu, câm miệng trước dối trá, bất công và tội ác. Khi bộ não đã bị đảng chiếm đoạt, tư tưởng bị dẫn dắt, con người đã trở thành nạn nhân dễ dàng nhất cho những tiểu xảo tuyên truyền, chính sách nhồi sọ, bưng bít thông tin. Sợ hãi, tê liệt, nhiều người đã trở thành mù quáng với những giả-dối-tưởng-là-sự-thật. Stalin, Lenin, Mao, Castro, Kim, Hồ… tất cả trở thành những ông thánh trong cái thế giới mà “sự thật” nằm trong tay đảng, trong tay những kẻ có toàn quyền sở hữu những cái loa cũng như cái giẻ vô hình bịt miệng nhân dân. Trong thế giới ấy, ngày xưa, và bây giờ vẫn còn, những đám khóc vĩ đại với những giọt nước mắt mù khi lãnh chúa qua đời nhưng sự nghiệp vẫn đời đời sống mãi từ những cái loa và khẩu hiệu. 

Trong cái thế giới tê liệt vì sợ ấy, người dân như những con cừu non được dàn lãnh đạo cáo nhào nặn tâm hồn để lớn lên trở thành con (bị) lừa và sau đó là một con (đi) lừa những chú cừu trẻ thơ khác. Cuối cùng cừu, lừa, cáo chung chạ và thành một loài mới: loài sản. Trong không gian độc trị của loài sản ấy, lằn ranh phân định giữa nạn nhân và kẻ thủ ác cũng dần dà bị xóa mờ. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ góp phần vào quyết định chọn lựa ngôi sao vàng nằm trên lá cờ màu máu do đảng tự chọn nhưng đã đứng nghiêm trang và sẵn sàng hy sinh trước mảnh vải đã trở thành biểu tượng quốc gia. Đối với nhiều người, những gì có được ngày hôm nay là nhờ ơn bác và đảng chứ không phải bằng mồ hôi và trí tuệ của mấy chục triệu người. Lãnh tụ của đảng đã trở thành cha già muôn vàn kính yêu của cả dân tộc và là thước đo, chuẩn mực đạo đức trên mọi ngôn từ và diễn văn. 

Cũng có những người không đui mù, cũng chẳng ngu dại, nhưng nỗi sợ hãi thâm căn cố đế, cộng với tính tinh ranh của loài sóc khi phải sống đời với cáo, đã biến hoá tinh thông thành những mợ két hát theo thuần thục nhất, những chú khỉ đu dây lão luyện nhất. Họ mau mắn tung hô thủ lãnh của đảng khi các đồng chí thả cho vài cọng cỏ rơm và thiếu điều quên ngay chính đồng chí này là người bao năm nay vừa ăn cắp, ăn cướp vừa đốt rụi cánh đồng cỏ xanh mướt đáng lý là của họ. 

Cũng có khi, chúng ta như những con cừu - thành lừa - thành sản một ngày nào đó soi gương và nhận ra mình vốn dĩ là một con cừu bị lừa. Những đêm khuya trằn trọc đau đớn có đến, lương tâm tưởng đã ngủ quên có choàng thức giữa canh thâu. Thế nhưng khi con gà cất tiếng gáy, tiếng loa đầu ngõ vang lên thì chúng ta lại lồm cồm ngồi dậy và sống y lại cuộc sống đong đầy nỗi sợ của ngày hôm qua. Nhìn ra ngoài khung cửa, chúng ta sợ những chiếc áo vàng thấp thoáng và tiếng leng keng hình số 8. Nhìn vào gương, chúng ta sợ làm thất vọng, sợ làm rách thêm cái lương tâm vốn đã bị đảng xé rách toang theo năm tháng cuộc đời. 

Trong cuộc đời với lương tâm rách bươn vì sợ hãi đó, xuất hiện một thái độ sống mới: thờ ơ - hay mackeno, theo danh từ thời thượng đã quá mùa. Thái độ sống đó, chủ động có ý thức hay nằm trong tiềm thức của mỗi người, đều là hệ quả của sự sợ hãi đã truyền kiếp hay vốn đã thành bẩm sinh. Thờ ơ với tất cả, không quan tâm với mọi sự, con người tự chích cho mình mũi thuốc vô cảm để không còn cảm giác gì nữa đối với những điều tồi tệ chung quanh. Khi sự quan tâm bị đóng nút chai thì ý tưởng phản kháng sẽ không thể tiết phát. Và như vậy không còn gì để sợ hãi, không làm gì để phải sợ hãi. Đó là giai đoạn sau cùng của căn bệnh ung thư mãn tính - sống không còn cảm giác

Và đó là điều mà đảng muốn; ý muốn của những người không có khả năng điều hành đất nước nhưng muốn độc quyền lãnh đạo muôn năm. Vai trò lãnh đạo đó đã được xây dựng bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ, của cả đảng viên lẫn không đảng viên để phát tán căn bệnh ung thư thời đại búa liềm: Sợ. Vai trò đó tồn tại đến ngày hôm nay, không tùy thuộc vào khả năng phát triển đất nước mà nhờ vào gần 90 triệu người dân đã và đang được "thuần". 


Nhìn lại mấy mươi năm, lột da, nhỏ máu của chính mình để thấy bóng ma sợ hãi nó chế ngự cả một dân tộc như thế nào. Để không trách nhau là hèn. Để đừng mắng nhau là nhát. 

Để biết sẽ khó mà có một cuộc cách mạng dân chủ nếu sự sợ hãi vẫn tiếp tục là bóng ma lởn vởn trên đầu. 

Để biết tại sao mọi lời kêu gọi chỉ có được vài trăm hoặc vài ngàn người hưởng ứng, không đủ để tạo thành cơn sóng đổi đời. 

Để biết mọi kế hoạch đều bất khả thi nếu bước chân con người vẫn rụt rè và chôn cứng trong bốn bức tường hãi sợ. 

Gần nửa thế kỷ với căn bệnh trầm kha này, liều thuốc nào có thể chữa trị được cho chúng ta? Đã đến lúc chúng ta phải tập trung ngậm ngãi tìm trầm, đi tìm, đi kiếm để sớm chấm dứt tình trạng đứng bên này bờ ảo vọng bằng đôi chân run mà cứ ước mơ đội đá vá trời, để những lời kêu gọi tha thiết nhất không chỉ dội lại như những tiếng vọng từ vực sâu. 

(còn tiếp) 


(1) Thơ Tố Hữu - Hoan hô chiến sỹ Điện Biên 
(2) Thơ Quang Dũng - Đôi mắt người Sơn Tây 
(3) Thơ Tố Hữu 
(4) Thơ Chế Lan Viên 
(5) Thơ Tố Hữu 
(6) Thơ Trần Dần - Nhất định thắng 
(7) Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ
(8) Giáo sư Đặng Phong - Những cơ hội bỏ lỡ và chặng đường phía trước

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Đại Vệ Chí Dị 45

 


Nước Vệ triều nhà Sản, năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương năm thứ hai.

Kinh tế sa sút, hàng loạt các nhà buôn, chủ xưởng vỡ nợ. Vụ án huyện Lãng thành Hoa Cải Đỏ nhùng nhằng chưa dứt. Cứ ngỡ tể tướng Bạo quyết xong, nhưng quan lại thành Hoa Cải bấy lâu vốn xưng hùng một cõi. Sản vật, thuế má cống nạp về triều bao năm nay đâu ra đấy, bèn ỷ công đó mà trây ì chưa quyết xong án xứ Lãng. Đã thế quan đầu tỉnh lại họp các bô lão bao biện rồi trách móc đại lão thần, dư luận cứ hối thúc thiên vị, làm cả nước mất tập trung , chểnh mảng chuyện làm ăn khiến cho giá cả mọi thứ tăng vọt.

Vệ Kinh Vương kinh luận cái thế, bụng chứa ba vạn sáu nghìn chữ, thuộc làu sách thánh hiền, nhìn rõ bản chất sự việc. Ngày nọ đầu năm mới triệu tập đại hội quần thần, chấn chỉnh tư tưởng, đạo đức và lề lối cai trị của quan lại vào quy củ. Vương nghị luận đanh thép, chỉ rõ những việc cấp bách phải làm, liên quan đền sự tồn vong của nhà Sản. Quần thần ai nấy đều kính phục, toàn dân, toàn quân, toàn quan lại nhiệt liệt tán thành. Quyết tâm khi thế cải cách, loại bỏ những sai lầm được tất cả quần thần ủng hộ.

Dân ngoài chợ bàn nhau, người hào hứng nói:

- May mắn thay nước Vệ còn có minh quân, vạch rõ những yếu huyệt của quan lại như tham nhũng, xa hoa, bất tài, suy thoái đạo đức, kết bè, kết cánh, độc đoán.

Người khác hớn hở nói:

- Trước hết muốn trị bệnh phải nhìn rõ bệnh, lần này triều đình ta đã công khai chuẩn bệnh. Bước đầu đã suôn sẻ, chỉ còn việc trị bệnh là xong. Đúng thuốc, đúng bệnh lo gì không khỏi.

Bấy giờ có kẻ lang thang đi qua, thò đầu vào đám đông nói:

- Ối dào, bệnh có gì đâu, tôi đi khắp bốn phương, tám hướng, Tần, Sở, Tề, Ngụy... nơi nào chả có chuyện quan lại tham nhũng, bất tài, vô đạo. Thế mà nước họ vẫn cường thịnh đó thôi.

Một người gắt:

- Ngươi thì biết cái gì ? Đành rằng ở đâu cũng có người thế nọ, thế kia, nhưng ít hay nhiều mới là quan trọng. Nước người ta 100 vị quan có vài tên tham nhũng, bất tài, vô đạo. Chuyện đó không nhiều nên mới không quan trọng.

Kẻ lang thang cự lại:

- Ở nước ta thì cũng thế, đâu có nhiều tham quan, vô đạo đâu ?

Người khác nạt nộ:

- Dựa vào đâu ngươi bảo không nhiều, nếu không nhiều thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của triều đình thì làm gì phải triệu đại hội quần thần chấn chỉnh.?

Kẻ lang thang xin miếng nước, uống xong bát trà xanh, hắn ngồi trên càng xe bò giữa chợ thủng thẳng rằng.

- Xưa Ung Chính nhà Thanh lên ngôi, ban hành chấn chỉnh quan lại tham ô. Khi dự luật đã bị nhiều kẻ ngáng trở, lúc luật ban rồi quan lại mặt mũi đa phần rầu rĩ. Ấy là bởi họ chính là những bị thiệt hại về luật mới ban ra, thái độ mới như thế.

Nay nhà Sản chúng ta, ban hành luật mới trị tham ô, bất tài, vô đạo mà như lời Vệ Kính Vương nói thì toàn bộ đại thần quan lại các cấp đều hớn hở, vui tươi, tán thành nhiệt liệt. Chả phải suy ra thì toàn bộ số ấy đều là trung thần, hiền đống, thao lược cả, cho nên mới hào hứng vậy. Đâu phải như lũ tham quan, vô đạo thời Ung Chính mà phải buồn rầu, lo lắng. Người ta nói cây ngay không sợ chết đứng là vậy.

Mọi người nghe xong lặng thinh suy ngẫm, rồi lác đác có kẻ gật gù tán thành. Một người nói:

- Có thể đúng là nước Vệ nhà ta, các quan lại đều trung chính, đức độ cả. Cho nên đông đảo mới tán thành hăng hái với chấn chỉnh của Vệ Kinh Vương.

Người khác hoài nghi chêm vào:

- Nhưng chẳng lẽ quan lại chúng ta tốt thế, lại ra luật chấn chỉnh là sao ?

Kẻ lang thang đứng dậy, rũ áo nói:

- Trong lời của Vệ Kính Vương có nhắc lại nhiều lời của Tiên Đế dạy quần thần cách đây mấy mươi năm. Bậc thánh nhân phải biết nhìn xa. Nay Vệ Kinh Vương học Tiên Đế, ban hành luật bây giờ để phòng xa mấy mươi năm sau, quan lại nhà Sản có tham nhũng, vô đạo thì người sau trị nước còn có lời dựa vào mà nghị tội. Phàm đã là quân vương phải có lời vàng ngọc để cho hậu thế vài đời sau còn có cái nhớ đến mình. Đấng anh minh trong lúc yên bình phải thấy lúc loạn lạc, nước Vệ ngày nay may thay có được Vệ Kính Vương biết lo cho mấy đời sau, thật là hồng phúc cho Đại Vệ.

Vệ Kính Vương chọn ngày đẹp, đứng giữa điện Kinh Thiên bố cáo luật. Bá tính nghe nuốt từng lời vàng ngọc anh minh, rồi nhất loạt tung hô.

- Hồng phúc, hồng phúc, đại hồng phúc

Quần thần trên điện bá vai, bá cổ thể hiện tình đoàn kết, cười ngặt ngẽo tỏ sự hân hoan tán thành sự thành công của luật quan lại, miệng nhất loạt tán dương rằng.

- Thành công, thành công, đại thành công.