Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 54


Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67. Đời Vệ Kinh Vương năm thứ hai.

Trộm cướp công khai hoành hành giữa chợ,bọn cướp phía Nam chặt tay người mà cướp ngựa. Lũ cướp phía Bắc dùng súng bắn lại quan binh, người bị hại. Những việc như thế không xảy ra đêm tối mà toàn nhằm vào lúc thanh thiên bạch nhật.

Năm ấy nổ kho khí đốt, vỡ đập, nhiều người quẫn bách tự sát. Thật lắm chuyện quái lạ, thị phi xảy ra. Tiền bạc bỗng trở nên khan hiếm nên nhiều thương gia phá sản kẻ thành điên loạn, kẻ vào ngục tù. Nợ nần dây dưa khiến việc đòi nợ dùng bộc phá, dao kiếm xảy ra thường xuyên khiến cảnh máu đổ, đầu rơi như cơm bữa.

Bên ngoài biển, giặc Tề hoành hành công khai xâm chiếm lãnh hải, đánh đuổi tàu Vệ như đuổi bọn trộm vặt rập rình hôi của. Cả nguồn thu lợi mênh mông của nước Vệ từ biển nay đã không còn nữa.

Nước Vệ nợ tiền bạc các nước khác ngập cao như núi, chẳng thể trả được, nên khó lòng vay mượn ở đâu để trang trải , cầm cự qua lúc khó khăn.

Trước muôn vàn khó khăn đó, nhà Sản chấn chỉnh quan lại, trước là để an dân sau là tìm người tài trong đám quan lại đứng ra lèo lái đất nước qua thời quẫn bách.

Họp cả năm trời nhưng đến lúc tìm được kẻ có tội, định đưa ra xét xử để an dân. Nào ngờ kẻ ấy trần tình xưa nay làm việc đều do nhà nhà Sản quyết cả, kẻ ấy chỉ là thi hành thôi, đâu phải kẻ ấy xin  hay lo lót làm quan, chính triều đình ra lệnh cho kẻ ấy phải làm quan. Nghĩ phận mình từ nhỏ đã theo nhà Sản cho nên chấp hành mà phụng mệnh. Mà năng lực, đức độ thế nào thì nhà Sản đã biết rõ. Giờ đổ tội cho người lương thiện, há chẳng phải là nhà Sản thiếu trách nhiệm trong việc dùng người hay sao. 

Nhà Sản nghe vạch vòi rõ ràng thế, cũng lấy làm phải, bèn bỏ qua cho yên chuyện. 

Ban tuyên huấn triều đình chỉ thị việc biển đảo phải giữ kín thông tin, nếu những thông tin từ Tề đưa ra,thì  tuyên huấn nước Vệ phải chuyển thể làm sao cho thành việc nhẹ nhàng. Để bá tính dần làm quen với chuyện biển đảo bị mất như là chuyện tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày, không có gì là quan trọng. Đồng thời vỗ về dân chúng tập trung vào cày cấy, sản xuất không được tin lời bọn hủ nho xấu bụng phao tin đồn nhảm về thế sự.

Kế ấy của tuyên huấn thật là vi diệu, dân tình mười phần bớt xôn xao đến phân nửa.

Bấy giờ nhà Sản lại rục rịch thu phí xe cộ, đất đai, nâng viện phí, học phí và nâng giá các nguồn năng lượng...dân tình hốt hoảng nhao sang bàn cách đối phó như giảm chi tiêu, đi làm thêm... đồng thời bắt bớ thêm một số người hay nói chuyện thế sự theo cách phê phán triều đình.

Nhờ thế mà dân chúng không ai màng chuyện triều đình, đất nước ra sao. Nhà nào nhà nấy chỉ cắm đầu lo xoay sở với khó khăn đến trực tiếp hàng ngày với nhà mình.

Nước Vệ thanh bình, hạnh phúc quay trở lại, bốn cõi ấm êm

Đấy là kế sách vĩ đại và hiệu quả nhất mà chỉ có duy nhà Sản mới làm được. Phàm những triều đại khác trong hoàn cảnh vậy thường sai lầm chọn cách lề mề, rườm rà như nghiêm minh pháp luât,nâng cao dân trí, làm trong sạch đội ngũ quan lại, chọn nhân tài ra giúp rập , lắng nghe lời kẻ sĩ ,xiết chặt chi tiêu lễ hội...

Mấy năm sau người Tề thấy nhà Sản nước Vệ ăn ở hiếu nghĩa, biết giữ gìn hoà khí, yêu chuộng hoà bình. Tề lấy làm hối hận vì đã cư xử không tốt với Vệ, trước là mất tình nghĩa anh em, sau là xấu hổ với thiên hạ, Tề bèn rút quân trả lại cho Vệ những biển đảo đã lấy trước kia. Không những thế lại còn viện trợ tiền, của, nhân lực để nhà Sản kiến thiết nước Vệ thêm giàu mạnh bội phần. Tình nghĩa keo sơn hai nước càng trở nên gắn bó mật thiết. Những bọn xúc xiểm quan hệ hai nước khi xưa ở trong chốn lao tù đều tâm phục, khẩu phục thành khẩn nhận lỗi lầm, vì mông muội mà không nhận ra được đường lối uyển chuyển, mềm "dẹo", thu phục nhân tâm, đánh vào lòng người của triều đình nhà Sản. Nước Vệ qua thời khó khăn, vị thế lại lên cao vời vợi trong mắt bạn bè các nước thiên hạ, du khách kéo đến ấm ầm. Câu ca vang lừng khắp biển bạc, đồng xanh.

Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng.
Thuyền anh ra khơi có ngại chi sóng gió.
Ơ hò...
Trên đoàn thuyền hải âu vui sóng xô.
Anh nhớ đồng làng quê cánh cò bay trên thảm lụa.
Đời tự do ôi chan chứa bao tình

Cuộc sống bá tính nước Vệ dưới triều nhà Sản ấm no, thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn. Xét từ đời Nghiêu Thuấn bên Tề đến đời Thái Tổ, Thái Tông bên Vệ. Chưa lúc nào thanh bình, thịnh trị như thế. Đời sau gọi giai đoạn đó là mộng Nam Kha

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 53


Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67. Vệ Kính Vương năm thứ hai.

Mùa thu, có cơn bão đổi hướng không dự đoán được, tàn phá nặng nề vùng duyên hải, cây cối hoa màu ngoài đồng không kịp thu hái dập nát, tả tơi.

Năm ấy nhà Sản chỉnh đốn quan lại, kiểm kê nợ nần, số nợ thật là khủng khiếp. Mọi việc đều đổ tại cho phủ Chúa quản lý không ra gì mới đến nỗi vậy. Chúa là người cơ mưu ứng biến tài giỏi, trước việc khó vẫn tươi cười như không. Khi xưa còn thưở là cai đội ở miền heo hút tận cùng đất nước, đã hiểu được chuyện kinh tài rành rẽ. Lại từng canh cửa biển ngăn chặn bọn vượt biên, nên ngài nắm được trong dân còn có nhiều vàng lắm.

Chúa họp bầy tôi lại phán.

- Giữ cho dân trong rọ, cũng như giữ được vàng trong túi. Nay lệnh cho bộ Hình tăng cường xiết chặt không để cho dân chúng dám có ý khác. Sau đó sẽ có kế lấy vàng thanh khoản nợ công.

Bộ Hình ra tay khắp nước, bắt bớ, xét xử lại bắt bớ. Dân chúng cúi đầu im thin thít, người đi đường không dám ngẩng đầu chào nhau. Ai cũng lo việc nhà nầy. Động một lời phàn nàn cũng thành tội nói xấu triều đình. Bởi thế không ai dám nói gì đến chính sự.

Rồi Chúa ra lệnh cấm vàng trong dân, ai có phải mang bán cho triều đình lấy tiền giấy. Rồi lại khuyên dân mang tiền giấy ấy mà gửi ngân khố triều đình. Cầm giấy chứng nhận mà hàng tháng đi lấy tiền lời.

Dân có ý thăm dò, nhìn nhau. Một tháng trôi qua, chả ai mang vàng đến bán.

Bầy tôi coi kho bạc đến gặp Chúa hiến kế  như vầy, như vầy.

Chúa cấp tốc xuất kho, cho người cầm vàng đi ra thương điếm bán. Đồng thời lại sai bộ Hình đi theo nhằm lúc bán mà bắt. Rồi phao tin trong thiên hạ có kẻ bị bắt tich thu trắng cả mấy trăm lượng vàng. Thiên hạ nghe ai cũng xót xa nghĩ đến phận mình, ruột gan bồn chồn thấp thỏm lo lắng nếu ai có chút vàng giữ trong nhà.

Lúc này quan coi kho mới cho người cầm vàng, lẻn cổng sau đến cổng trước xếp hàng. Rồi lấy đó mà tiếng rằng mỗi ngày kho bạc triều đình mua đến cả xe vàng. 

Chúa lại lệnh rằng quyết tâm giữ không để lạm phát, mất giá đồng tiền.

Lác đác người dân thấy giao dịch bên ngoài thì lỡ công sai thấy thu trắng mất,bèn  đem bán cho kho bạc kém giá một chút nhưng an toàn,vả lại Chúa cam kết thế rồi lo gì tiền mất giá, đem tiền ấy gửi cho ngân khố lấy lời có hơn là để vàng chôn dưới đất.


Có mụ đi chợ thấy miếng đậu phụ ngoài chợ bỗng bé hơn bình thường. Lúc về phàn nàn với chồng. Gã chồng nói.

  - Cái mẹo người bán đầu tiên cho bé dần đi để người mua không để ý. Đến khi bé lắm rồi, mới chợt làm to bằng như cũ với giá cao hơn. Thiên hạ cứ tưởng là vì to hơn thì giá cao hơn, thực tình là đã tăng giá còn miếng đậu phụ vẫn thế mà thôi.

Hào phú bên cạnh nghe thấy, lập tức gom hết vàng trong nhà đem đi chôn giấu thật kỹ. Phu nhân mới hỏi sao lại làm chuyện lạ đời lúc này thế. Hào phú nói.

- Nhờ có miếng đậu phụ mà ta nhớ đến câu '' gánh vàng đi đổ sông Ngô, đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.''  Chuyện này cứ thế, không nói nhiều kẻo đắc tội triều đình.

Phu nhân là người am hiểu, nghe thế không hỏi thêm gì nữa.

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 52



Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Cuộc chấn chỉnh triều đình mùa thu không thành công. Vệ Kính Vương rơi nước mắt trước bàn dân thiên hạ giãi bày tâm tư. Dân khắp nơi ai cũng bàng hoàng nghe kết quả cuộc chấn chỉnh mơ hồ, tâm trạng chán chường. Nhất là lúc giá cả vẫn tăng vọt, đắt đỏ lên hàng ngày. Dân tình chạy ăn từng bữa.

Khi trước lúc chấn chỉnh, dư luận ồn ào kể xấu nhà Chúa. Bộ Hình cho người đi lùng bắt gắt gao kẻ nào đưa tin ấy, đồng thời bộ Huấn cũng ra sức tuyên truyền phản bác và kêu gọi khẩn trương tìm bắt trừng trị những kẻ phao tin nói xấu nhà Chúa.

Cuộc chấn chỉnh không đi đến đâu, Chúa có mệnh trời, lúc trước sang Tề chầu xin che chở, trong nước kinh tài nắm cả, thật là thế lực nghiêng trời , lệch đất. Việc Chúa thoát nạn âu cũng là lẽ thường, uy thế nhà Chúa lúc này lớn rộng khắp thiên hạ. Như con chim hồng hộc đủ lông cánh bay trên trời cao, dẫu Bàng Mông, Hậu Nghệ cũng không thể nào bắn tới.

Nhà Chúa vững như bàn thạch sau phút xôn xao, dư luận ồn lên trách cứ nhà Sản bất tài, mọi oán trách đổ lên đầu Vệ Kính Vương. Lạ thay lời oán trách khắp hàng cùng, ngõ hẻm chê trách nhà Sản, chê trách Vương như thế. Mà bộ Hình, bộ Huấn dường như tảng lờ không biết những lời oán thán, chê bai ấy. Đã thế bộ Huấn còn vác loa đi khen ngợi cuộc chấn chỉnh của nhà Sản đã thành công, đạt nhiều kết quả tốt.

Bây giờ tạm yên, nhà Chúa mới đem những phường văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ chống Tề đem ra trừng trị. Từ lúc Chúa lên ngôi, không khi nào nhà tù không có người chống Tề ở cả. Lứa này về có lứa khác gối đầu thay thế, lớp trước sắp về thì lớp sau sắp đem ra xử. Lớp trước sắp đem ra xử thì bắt thêm lớp sau để kế tiếp tuần hoàn cho nhịp nhàng như dòng nước không bao giờ cạn.

Đầu thu xử ba văn sĩ chống Tề mức án nặng nề, giữa thu xử tiếp hai nhạc sĩ, cuối thu bắt thêm một nữ học trò can tội làm thi sĩ chống Tề. Mưu thần nhà Chúa thật hiểu thế thời. Bắt người chống Tề thì nhà Sản không thể không đồng tình, lại được lòng của Tề nữa. Vì thế bộ Hình đang mở chiến dịch rà soát những đối tượng kháng Tề để lên biện pháp đấu tranh.

Nước Vệ nhờ thế trở nên ổn định chinh sự, hoà bình bốn cõi. Nhân dân tuy khổ sở vì thuế má, gạo châu, củi quế nhưng an tâm vì không có xáo trộn, binh đao.

Chúa vững vàng như thế, bầy tôi mưu kế như thế ,tựa chim hồng hộc đủ lông cánh.

Lẽ nào không bay cao, xem trăm họ dưới đất thuộc giống gì!

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Đại Vệ Chí Dị 51



Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67

Mùa thu, khí hậu oi bức. Chính trường nước Vệ cũng nặng nề không kém.

Kiếm tiền trảm hậu tấu Bạo nhận từ thời Vệ Cường Vương vẫn nằm bên phủ Chúa. Vệ Kính Vương mấy lần nhắc nhở, nhưng Bạo cứ lờ đi.

Vương đòi rát quá, Bạo lần nữa cũng cảm thấy khó, mới vò đầu suy nghĩ suốt. Mưu thần là Thụ, trước là phó bộ Hình nay về hưu, làm môn khách trong phủ Chúa. Chuyên bầy mưu kế cho Chúa, Thụ là người lắm mưu, nhiều kế. Thấy Chúa lo toan, bèn vào tâu rằng.

- Giờ trong lúc khó khăn  giữa trùng điệp, chỉ có một cách hoá giải mà thôi.

Bạo hỏi hoá giải gì.

Thụ nhìn quanh rồi dắt tay Chúa ra sân, giả bộ ngắm sao, chỉ trỏ nói về mệnh trời, sao này sáng, sao kia tối, ứng vào điềm này, việc nọ. Nhưng kỳ thực tay Thụ toàn chỉ về phương Bắc.

Bạo hiểu ý, hôm sau nhà Chúa chuẩn bị việc sang Tề chầu. Bấy giờ bên Tề đang vào lúc chuyển ngôi báu, quyền vào tay Tân Vương là Tạp Cặn. Lúc soạn lễ vật dâng cho Tạp Cặn, mưu thần trong phủ Chúa mới bàn.

- Tạp Cặn sắp lên ngôi, trước tiên cần danh chưa không cần báu vật. Chuyến này khó mà biết dâng gì đây.

Mưu thần Thụ nói.

- Thần trước làm phó bộ Hình, đã biết lo xa, mấy năm trước đã sắm cống vật, giờ vẫn đang giữ. Chúa thượng chuyến này sang đó, chắc chắn thành công, được hưởng ơn mưa móc của thiên triều, an bình vạn sự.

Lúc Bạo dẫn đoàn đi, Thụ tiễn chân đến ngoài biên ải. Bạo nhìn thấy Thụ đi tay không thì sốt ruột lắm. Lúc đến cửa biên giới, Thụ mới luồn vào tay Bạo mảnh giấy chỉ có ba chữ.

Y rằng chuyến đó Bạo đi chầu Tân Vương Tạp Cặn, suôn sẻ, nhận được ơn che chở của thiên triều. Về đến nước, mọi việc khó khăn trước kia đều gần như tan biến cả.

Nửa tháng sau, phía Nam nước Vệ có phiên toà đại hình xử ba kẻ can tội dám dùng lời nói để chống phá triều đình. Mức án nặng nề khiến khắp nước không ngớt lời oán thán. Trong đám phạm tội có người cựu chiến binh tuổi đã lục tuần, lại có cả người cựu công sai là phụ nữ, và con của chiến sĩ lão thành. Án xử khiến người ta căm phẫn hơn là khiếp sợ. Nhất là lúc xử, đằng thì nói là công khai, nhưng ai đến dự đều bị bắt giữ cả.

Không ai hiểu vì sao xử đã nặng, trước khi xử lại cố làm to chuyện.

Phải chăng tại kẻ chủ mưu tuổi lục tuần kia trước nay vẫn hô hào chống Phương Bắc. Cho nên việc xử trước bắt người xem để gây sự thu hút, sau nữa xử thật nặng là có ẩn ý gì chăng?

Bên Tề vào cuộc luận sắp xếp quan lại trong triều đình, bàn cả về xử lý quan hệ các nước lân bang. Nhắc đến nước Vệ thì Tạp Cặn đứng lên giơ mảnh giấy của người Vệ đưa. Trên giấy có ba chữ kỳ quặc, rất vô nghĩa.

- Biển Ống Hút.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Đại Vệ Chí Dị 50

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Vệ Kính Vương năm thứ hai, ngày Ất Mão, tiết Lập Thu ở phía bắc ngoại ô kinh thành phát hiện được một vụ giết người. Người chết là nữ, bị chặt đầu treo trên xà nhà, xác vất dưới bếp.

Nước Vệ ngày càng nhiều chuyện giết nhau ghê gớm như cơm bữa. Dân tình thảm sát lẫn nhau hàng ngày. Người ta giết nhau trực tiếp bằng dao chưa đủ. Còn vì mưu lợi mà trộn thuốc độc hại vào thực phẩm để trục lợi khi mua bán, người chết dần vì bệnh ngày càng đông. Ở nhà thương lúc nào cũng chật kín người bệnh. Đã thế trời lại không khoan dung cho cái xứ ấy, làm mưa, khiến lũ liên miên, năm nào cũng có vô số người chết vì thiên tai. Chỉ cơn mưa to là chết mấy chục mạng, đừng nói chi là bão lũ.

Gần Châu Diễn có cỗ xe chở người hành hương, qua địa phận đó bỗng lao xuống vực sâu. Trước đó sập hầm ở đây chết rất nhiều người. Châu Diễn là nơi phát tích của nhà Sản, quê hương của tiên đế. Chả hiểu sao mấy năm gần đây ở phía ấy loạn lạc, cướp phá, tai nạn, lũ lụt xảy ra liên miên. Đại thần nghị chính kiêm tổng quản nghị trường là Sanh gốc ở nơi ấy, Sanh cằm vuông, môi mỏng, mắt rắn, trán bóng thuộc loại thâm trầm, kín kẽ, nhiều mưu kế. Sợ long mạch quê nhà động mới vờ làm cái đền thờ thân quyến tiên đế. Thực ra là trấn yểm cho mệnh của mình. Đền khởi công dịch bệnh, thiên tai vẫn không dứt, thậm chí còn hoành hành khắp cả nước. Người ở chợ có kẻ nói rằng có lẽ long mạch hở từ lâu, giờ chả còn nguyên khí, có hàn hay trấn lại cũng chả ăn thua. Khí trời chỉ cho từng ấy là tận, còn đâu mà giữ nữa.

Vệ Kính Vương là người không tin vào chuyện hoang đường, ngài vốn là học sĩ của thuyết duy vật, trình độ uyên bác, lập luận biện chứng dựa trên khoa học, thực tế. Kính Vương cho rằng chẳng phải vì khí số nhà Sản tận, mà chẳng qua do quan lại triều đình tham nhũng, quan liêu gây ra. Xưa nay đức năng thắng số là chuyện thường. Vệ Kinh Vương mới ban lệnh kiểm điểm tư cách, trình độ quan lại trong triều.

Ngày Quý Sửu tháng Ngâu, nhân đêm tối, triều đình bủa vây biệt thự của Bạch Thủ đại gia ở phường Quảng Yên phía Bắc kinh thành, bắt về ngục tối chờ xem xử vì tội lũng đoạn nền kinh tế. Bạch Thủ đại gia giàu nứt đố, đổ vách, thuộc hàng phú gia địch quốc, chỗ nào cũng có cổ phẩn, hùn vốn. Tin Bạch Thủ đại gia bị bắt khiến thị trường xao động, ngành tín dụng sụt giảm thê thảm. Triều đình lập tức xuất kho bạc ra ứng cứu ngành tín dụng. 

Bạc vừa trong kho xuất ra, chưa đến nơi thì các bộ ngành thuộc quyền của tể tướng Bạo đã ngấp nghé nâng giá những mặt hàng thiết yếu, dù trước đó vừa tăng giá xong.

Trong nước chính sự, đời sống, kinh tế rối loạn. Giá cả leo thang, bệnh dịch, mua điêu bán dối, phường đạo tặc giết người cướp của, hiếp dâm liên miên, càng ngày càng dã man hơn.

Bởi thế việc quân Tề tung hoành ngoài xâm lược biển nước Vệ, chả ai mà nhớ đến.

Người chiến sĩ ăn chơi sa đọa, không gìn giữ sức mình, trữ lưỡng, luyện võ. Khi giặc đến sân nhà, mới khám bệnh, bốc thuốc có phải là muộn rồi không.? Chi bằng dốc sức bắt hết những kẻ tham nhũng, là thượng thư, đại thần lấy hết tài sản của chúng tham nhũng chất chứa đầy nhà mà mua sắm vũ khí. Liều trận với quân thù, nếu có dứt số trời thì còn được tiếng thơm mãi sau này, được hậu thế xá tội cho những sai lầm trước đó.

Còn chấn chỉnh để kéo dài thêm vận khí của mình. Để giang sơn, lãnh thổ rơi vào tay giặc đó cũng chỉ là mưu lợi cho mình. Đất trời nào dung mà không làm mưa gió.?

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Đại Vệ Chí Dị 49

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Nhà Sản sa sút uy tín trong nhân dân. Vệ Kính Vương bèn làm cuộc phê bình và tự phê bình để chấn chỉnh tư  cách, đạo đức quan lại trong triều. Mở đầu Vương nói thẳng vì uy tín nhà Sản giảm sút mới cần phải chỉnh đốn quan lai như vậy.

Cuộc chỉnh đốn tư cách quan lại chưa xong, uy tín nhà Sản chưa thấy tăng thì giá cả ngoài chợ đã tăng vọt. Mọi thứ chất đốt, lương thực, thực phẩm đều tăng lên vèo vèo.

Tháng bảy mưa to, ngày đầu tháng mưa một ngày khiến hơn hai mươi người bị chết. Con đường rộng lớn phía Tây kinh thành bỗng nhiên bị lở cắt ngang như vết chém. Châu Diễn lại sập hầm lò chết mấy người làm công. Dường như đất khắp nơi đều quằn quại chuyển mình dãy giụa.

Trước đó thân mẫu của một người tù vì tội làm phản bỗng nhiên tự thiêu. Lửa bốc ám khói đen cả góc trời. Không biết trời có phải vì thế mà làm mưa không.?

Bấy giờ mọi thứ trong nước đã tăng giá, các nguồn lệ phí cũng đã tận thu, tài nguyên mỏ không còn, rừng xanh kiệt, biển bị quân Tề thôn tính. Đời sống nhân dân khó khăn vô cùng. Quân lính trong triều lại nhiều như cỏ trên thảo nguyên, tướng tá nhung nhúc như rươi. Khiến ngân khố phải oằn mình chi trả lương bổng.

Quan nhà Sản nói với tể tướng : 

- Giờ ngân khố cạn kiệt, xin ngài bổ sung cho.

Tể tướng có nhiều bộ hạ thao lược tài xoay sở, ngài nghe xong quay ra hỏi bộ hạ rằng :
- Còn cái gì chưa tăng giá, còn cái gì chưa thu, cái gì chưa khai thác không.?

Bộ hạ thưa :
- Dạ, hết rồi ạ. Giờ chỉ còn sự bất mãn của dân là nhiều thôi.

Quan tuyên huấn thấy tể tướng lườm mình. Biết có ý trách không dẹp được dư luận, bèn đứng ra tâu :
- Còn bất mãn thì đánh thuế bất mãn.

Các quan lại lao xao, bất mãn thì người ta nói, ai mà đánh thuế được người ca thán cơ chứ. Người khác tỉnh táo hơn thì nói :


- Đừng vội suy đoán, nhà Sản ta có cái gì mà không làm được cơ chứ. Để quan tuyên huấn nói hết xem sao đã.

Quan tuyên huấn e hèm hắng giọng bước ra giữa triều nói :

- Thần trộm nghĩ, giờ nên xử phạt bọn bất mãn, một công đôi việc, vừa cho chúng nó chừa thói ấy, không phải bắt giam vào ngục mang tiếng triều đình, lại tốn người canh giữ, nuôi nấng. Chi bằng cứ phạt bọn ấy là có ngân sách lại là răn đe. Đứa nào không nộp phạt thì đến nhà nó cưỡng chế, nồi niêu, bát đũa có gì thu lấy.

Triều đình nghe mới ngộ ra, ai nấy cũng hỉ hả khen quan tuyên huấn tài. Khiến quan tài chính cũng phải chắp tay bái phục vì chuyên môn khác người của quan tuyên huấn.

Họ Nguyễn người trấn Đoài bị phạt hơn 7 triệu quan tiền. Bên miền trong gia đình nhà họ Huỳnh xứ Chiêm Thành cũ phạt cả nhà còn nhiều hơn gấp bội. Triều đình vừa xử phạt vừa gấp rút soạn lệ phạt lên thành bộ luật.

Dân tình ngoài chợ xôn xao :
- Xưa vẫn có câu '' đéo ai đánh thuế được thằng nói phét '' xem ra bây giờ không đúng ở thời này nữa rồi.

Người khác cãi :
- Người xưa nói không thể sai, khối kẻ nói phét xui dân mua chứng khoán, mua nhà khiến bao người táng gia bại sản. Có kẻ nói không tăng giá mặt hàng này, hôm sau giá tăng luôn đấy có sao.?


Người trung dung tổng kết :
- Đó là nói phét có môn bài, hoặc như câu '' miệng nhà quan có gang có thép' ''

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Đại Vệ Chí Dị 48

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.

Vỡ nợ khắp nơi, thất nghiệp khắp nơi, kiện cáo khắp nơi, tham nhũng cũng nơi nơi và tăng giá cũng nơi nơi.

Mùa hè năm ấy, ngoài biển quân Tề triển khai tàu thuyền. Nỗ lực xây dựng nhà cửa, kho tàng, chiến lũy kiên cố trên đảo Lam Phu của Vệ. Khi việc xây cất đã xong, lựa ngày tốt bố cáo cho thiên hạ việc mở vùng đất mới, đặt tên là Sa Ta.

Việc động trời ấy, cố nhiên khiến nước Vệ xôn xao. Nhà Sản vô cùng khó xử, nước Tề bên ngoài là láng giềng, nhưng bên trong là tình huynh đệ. Bên Tề cũng do nhà Sản cai trị, anh em với nhau đã mấy mươi năm. Sau khi nhà Sản ở xứ Xa La Tư bị phế truất, Sản Vệ bơ vơ không nơi nương tựa. Triều thần kéo nhau sang Tề khóc thảm thiết mấy ngày trước điện, dâng thơ tha thiết nói rằng:
- Người xưa có câu “quyền huynh thế phụ” cha chết mọi việc do anh quyết. Nay phụ thân ở xứ Xa La Tư lạnh giá, không may đã chẳng còn. Anh em khác còn ở xa và thơ dại, duy chỉ có Tề là anh lớn nhất lại gần kề bên. Xin xá tội cho đứa em nhỏ dại mà nhận về đùm bọc, chỉ bảo, dạy dỗ đừng để bơ vơ thế lực bên ngoài lôi kéo làm tha hóa. Xấu mặt cả họ nhà Sản nói chung.

Tề nghe thấy bèn ra một số điều kiện. Vệ bấy giờ như chết đuối vớ phải cọc, cái gì cũng ừ, miễn sao có chỗ bám chắc chắn. Nhà Sản từ đó mới yên, mưa thuận, gió hòa chỉ việc đào tài nguyên, khoanh đất mà bán lấy tiền. Triều đình quan lại ung dung hưởng lộc, nhàn nhã, phú quý xênh xang. Tậu biệt thự ngoài biển, xây lâu đài trên núi, cuộc sống quan lại nhà Sản nước Vệ thịnh vượng, xa hoa hết chỗ nói.

Giờ nhà Tề chính thức tuyên bố lấy Lam Phu đặt thành quận huyện của Tề. Triều thần nhà Sản nước Vệ rụng rời, bối rối không biết xử lý ra sao. Một mặt chạy sang kêu nài Tề hay thư thả để vài năm nữa nói chuyện. Nhưng thế sự rối bời, mai này chưa biết về đâu, Tề nhất quyết lấy ngay bằng được.

Nhà Sản nước Vệ họp bàn kế sách về việc Lam Phu. Chả ai đưa ra được ý kiến, lúc cả triều đang vò đầu bứt tai thì có quan tuyên huấn đứng ra nói:
- Trong cái họa có cái phúc, nước Vệ gặp việc này càng may cho nhà Sản.

Triều đình mới hỏi phúc họa thế nào. Quan tuyên huấn nói:
- Việc Lam Phu mà Tề gây ra sẽ khiến dân tình bức xúc, trong sự bức xúc đó sẽ lộ ra nhiều đứa ai oán triều đình, phản đối quan hệ Tề-Vệ. Nay ta nhân cơ hội này mà làm cuộc thanh trừng, tảo phạt bọn phản nghịch ấy. Triệt hết mầm mống thì có phải nhà Sản ta lại kê cao đầu mà ngủ không?

Có quan hỏi:
- Thế còn chuyện Lam Phu nói với dân thế nào?

Quan tuyên huấn nói:
- Nói với dân thế nào chả được, nói rằng mọi việc đã có triều đình, làm dân phải yên ổn làm ăn, không được bàn tán thế sự để bọn xấu lợi dụng.

Một quan khác hỏi:
- Thế dân không nghe thì sao?

Quan tuyên huấn:
- Không nghe rõ là có ý nghịch, loại ấy là mầm mống, trước sau cũng nghịch. Chẳng phải đây là cơ hội ta phát hiện chúng sao, thế mới gọi là trong cái họa có cái phúc.

Lập tức hôm sau, nhà Sản cho người đi lu loa khắp phố phường những kẻ phản đối Tề xâm lược Lam Phu chỉ là mưu đồ nhằm lật đổ triều đình nhà Sản, những kẻ này sẽ bị trừng trị thích đáng. Đối với việc Lam Phu nhà Sản đang có đối sách, nhân dân tuyệt đối bình tĩnh làm ăn. Không nghe theo kẻ khác làm loạn.

Sau này Lam Phu bị mất về tay Tề, nhưng nhà Sản nước Vệ vững như bàn thạch, tọa cùng tuế nguyệt, xây thêm nhiều nhà thờ tiên đế khắp nơi để dân chúng cảm tạ.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Đại Vệ Chí Dị 47

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67.
Dân oan bị cướp đất kéo nhau đi kiện khắp nơi.
Kinh tế suy thoái, nợ nước ngoài chồng chất.
Quân Tề nhân cơ ấy, tung hoành ngoài lãnh hải, ngư thuyền đi đánh bắt hải sản dàn hàng ngang trên biển Vệ. Khiến cho ngư dân Vệ khiếp đảm không dám ra khơi hành nghề. Vì thế mà nước Vệ yên ổn, tránh được chuyện binh đao với Tề. Quả thật một điều nhịn chín điều lành như cha ông dạy. Triều Vệ nghị sự, các quan bàn rằng, chúng nó (ý nói bọn Tề) đánh hết hải sản, thu hết tài nguyên tức khắc phải kéo về. Cứ án binh bất động là kế hay nhất.
Trong nước người dân bất mãn, ca thán, tiếng vang động đến trời cao. Triều Vệ nghị, sự, các quan bàn rằng. Cứ cấm chúng nó than vãn, thì gần cũng chả nghe thấy, huống chi là trời cao vời vợi kia.
Bèn lựa lúc mùa hạ oi bức khiến bá tính khó chịu vô cùng, mới sai bọn truyền thông thanh tra những người hay phổ biến tin tức trong nhân dân để khép tội.
Lúc ấy ở kinh thành có tiến sĩ họ Nguyễn, Nguyễn nguyên người xứ Đoài, năm 38 tuổi đậu tiến sĩ khóa Mậu Tí đời Vệ Cường Vương, làm quan thủ thư tại viện Cổ Ngữ. Tay ấy rành kinh sử, hay chọn lọc được những tin tức quý giá trong dân phổ biến cho mọi người xem. Ước thiên hạ người đọc tin của tiến sĩ có đến hàng triệu.
Đại thần nghị chính kiêm phó tể tướng là Phước được triều đình tín nhiệm, giao cho xử việc trấn áp Nguyễn. Phước cầm lệnh bài triệu tập các bộ liên quan là bộ Lễ, bộ Hình lại, cắt đặt việc đâu ra đấy. Trước là dùng pháp lệnh để nắn Nguyễn tìm chứng cứ cho bộ Hình vào cuộc, tiếp nữa là dùng bọn bồi bút công kích hạ thấp uy tín của Nguyễn. Đồng thời lệnh cho những kẻ đặc tình cài trong hàng ngũ nhân dân hưởng ứng cuộc hạ uy tín này tạo thành hai mũi giáp công. Dọn đường khi trấn áp được Nguyễn, hạ được uy tín, reo rắc tiếng xấu cho những người đưa tin trong bốn cõi là đưa pháp lệnh xiết chặt việc truyền tin trong dân gian vào thi hành.
Nào ngờ mưu ấy bị lọt ra ngoài, làm mất đi cái chính danh của pháp lệnh. Khắp nơi đường chợ người ta đều hiểu đó là mưu để bịt miệng nhân dân, không để tiếng than vãn lọt đến trời xanh. Dân vì thế mà không phục.
Nhà Sản thấy khó, bèn xoay chuyển sang hướng khác. Đưa tin bọn ca kỹ, diễn viên bán dâm hàng chục lượng vàng tràn ngập khắp bảng tin trong nước. Dân trí Vệ còn thấp, nghe được tin lạ xúm xít vào bàn tán, làm thế cho loạn tin. Một cách làm bấy lâu nay vẫn thành công. Trước gây loạn có cớ dẹp, trong lúc dẹp thì mượn gió bẻ măng.
Bọn lưu manh kẻ chợ ngồi mách chuyện với nhau. Xưa nay chúng ta bảo kê chỗ nào như nhà hàng, quán chợ, bến bãi, trước tiên cho người vào hàng quán quậy phá, gây loạn cho lòng người hoảng sợ. Sau đó đứng ra bảo kê thu tiền với cớ là giữ gìn trật tự. Nay triều đình dùng kế đem mỹ nhân bán dâm gây loạn thiên hạ, sau đó chấn chỉnh việc truyền tin trong nhân dân. Liệu có giống nhau không nhỉ?
Có người nói:
- Giống phần nào thôi, chúng ta là lưu manh, côn đồ, chúng ta dùng vũ lực. Dù sao đi nữa chúng ta cũng là người ngay thật. Chứ dùng váy của đàn bà mà để làm chuyện đó thì xưa nay trong giới chúng ta không ai làm việc đó cả.
Dân kẻ chợ, nghe bọn đó nói chuyện, ai cũng ngao ngán nói với nhau.
- Đúng là thời của âm binh.

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Cả nước đã bị lừa

Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, làm ăn cực nhọc là thế, thành tựu không thể nói là nhỏ, thế mà khoảng cách phát triển của VN so với thế giới sao vẫn xa vời! Không định thần nhìn nhận lại tất cả, không khéo chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào con đường đi làm thuê, đất nước có nguy cơ trở thành đất nước cho thuê với triển vọng là bãi thải công nghiệp của các quốc gia khác! Giữa lúc thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế trí thức!


150 năm đã trôi qua, nhưng bài học này còn nguyên vẹn. Đó là 80 năm nô lệ, 40 năm với 4 cuộc chiến tranh lớn (Pháp, Mỹ, Cam Bốt, Tàu) – trong đó 3 thế hệ liên tiếp gánh chịu những hy sinh khốc liệt, 35 năm xây dựng trong hòa bình với biết bao nhiêu lận đận, và hôm nay VN vẫn còn là một nước chậm tiến.

Thảm kịch của đảng cộng sản thực ra đã bắt đầu ngay từ ngày 30-4-1975. Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt. “Tính hơn hẳn” của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.


Nhìn lại sau hơn nữa thế kỷ dưới chế độ CS, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra :

_ Năm 1954 sau khi thắng Pháp, tại sao hơn 1 triệu người Bắc phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn di cư vào miền Nam ?
_ Sau năm 1975 , tại sao dân miền Nam không ồ ạt di cư ra Bắc sinh sống để được hưởng những thành quả của CNXH mà chỉ thấy hàng triệu người Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam lập nghiệp ?
_ Tại sao sau khi được “giải phóng” khỏi gông cùm của Mỹ-Ngụy, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông ?
_ Tại sao nhân viên trong các phái đoàn CS đi công tác thường hay trốn lại ở các nước tư bản dưới hình thức tị nạn chính trị ?


Tất cả những thành phần nêu trên, họ muốn trốn chạy cái gì?

_ Tại sao đàn ông của các nước tư bản Châu Á có thể đến VN để chọn vợ như người ta đi mua một món hàng?
_ Tại sao Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ?
_ Tại sao lại có sự cách biệt một trời một vực giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn?
_ Tại sao nước ta ngày nay phải quay trở lại với kinh tế thị trường, phải đi làm công cho các nước tư bản?
_ Tại sao các lãnh tụ CS lại gởi con đi du học tại các nước tư bản thù nghịch?


Hỏi tức là trả lời, người VN đã bỏ phiếu bằng chân từ bỏ một xã hội phi nhân tính . Mọi lý luận phản biện và tuyên truyền của nhà nước cộng sản đều trở thành vô nghĩa.


Sự thực đã quá hiển nhiên nhưng đảng cộng sản không thể công khai nhìn nhận. Họ không thể nhìn nhận là đã hy sinh bốn triệu sinh mệnh trong một cuộc chiến cho một sai lầm. Nếu thế thì họ không còn tư cách gì để nắm chính quyền, ngay cả để hiện diện trong sinh hoạt quốc gia một cách bình thường.


Nhìn nhận một sai lầm kinh khủng như vậy đòi hỏi một lòng yêu nước, một tinh thần trách nhiệm và một sự lương thiện ở mức độ quá cao đối với những người lãnh đạo cộng sản. Hơn nữa họ đã được đào tạo để chỉ biết có bài bản cộng sản, bỏ chủ nghĩa này họ chỉ là những con số không về kiến thức. Cũng phải nói là trong bản chất con người ít ai chịu từ bỏ quyền lực khi đã nắm được.


Thế là sau cuộc cách mạng long trời lở đất với hơn ba chục năm khói lửa, máu chảy thành sông, xương cao hơn núi, Cộng sản Hà Nội lại phải đi theo những gì trước đây họ từng hô hào phá bỏ tiêu diệt. Từ ba dòng thác cách mạng chuyên chính vô sản, hy sinh hơn bốn triệu mạng người, đi lòng dòng gần nửa thế kỷ, Cộng sản Hà Nội lại phải rập khuôn theo mô hình tư bản để tồn tại .


Hiện tượng “Mửa ra rồi nuốt lại” này là một cái tát vào mặt các nhà tuyên giáo trung ương.


Cách mạng cộng sản đã đưa ra những lí tưởng tuyệt vời nhất, cao cả nhất, đã thực hiện những hành động anh hùng vô song, đồng thời cũng gieo vào lòng người những ảo tưởng bền vững nhất.


Nhưng thực tế chuyên chính vô sản đã diễn ra vô cùng bạo liệt, tàn khốc, chà đạp man rợ lên đạo lý, văn hóa và quyền con người ở tất cả các nước cộng sản nắm chính quyền. Sự dã man quỷ quyệt mánh lới và sự bất nhân khéo che đậy của cộng sản chưa hề thấy trong lịch sử loài người.


Con người có thể sống trong nghèo nàn, thiếu thốn. Nhưng người ta không thể sống mà không nghĩ, không nói lên ý nghĩ của mình. Không có gì đau khổ hơn là buộc phải im lăng, không có sự đàn áp nào dã man hơn việc bắt người ta phải từ bỏ các tư tưởng của mình và “nhai lại” suy nghĩ của kẻ khác.


Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối, những kẻ mù chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều…


Công dân của nhà nước cộng sản luôn luôn sợ hãi, luôn luôn lo lắng không biết mình có làm gì sai để khỏi phải chứng minh rằng mình không phải là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.


Cơ chế quyền lực cộng sản tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất. Vì vậy công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.


Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là suy đồi đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống…


Bác và đảng đã gần hoàn thành việc vô sản hóa và lưu manh hóa con người VN (vô sản lưu manh là lời của Lê Nin). Vô sản chuyên chính (đảng viên) thì chuyển sang làm tư bản đỏ, còn vô sản bình thường (người dân) trở thành lưu manh do thất nghiệp, nghèo đói.

Nền kinh tế Việt Nam bây giờ chủ yếu là dựa trên việc vơ vét tài nguyên quốc gia, bán rẻ sức lao động của công nhân và nông dân cho các tập đoàn kinh tế ngoại bang, vay nước ngoài do nhà nước cộng sản làm trung gian .


Huyền thoại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp do cộng sản Việt Nam dày công dàn dựng đã tan thành mây khói khi giai cấp “vô sản” âm thầm lột xác trở thành các nhà tư bản đỏ đầy quyền lực và đô la.
 

Do vậy, lý thuyết cộng sản dần dần mất đi tính quyến rủ hoang dại. Nó trở nên trần trụi và lai căng. Tất cả điều đó đã làm cho các ĐCS trên toàn thế giới dần dần chết đi. Dù GDP có tăng lên, nhiều công trình lớn được khánh thành do vay mượn quỹ tiền tệ Quốc Tế nhưng đạo đức xã hội cạn dần. Thực tế cho thấy rằng sức mạnh không nằm ở cơ bắp. Vũ khí, cảnh sát và hơi cay chỉ là muỗi mòng giữa bầu trời rộng lớn nếu như lòng dân đã hết niềm tin vào chính quyền.


Học thuyết về xây dựng một xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ là một loại lý tưởng hóa, nó là chiếc bánh vẽ để lừa gạt dân, không hơn không kém; đảng nói một đằng, làm một nẻo.


Chẳng hạn đảng nói “xây dựng xã hội không có bóc lột” thì chính những đảng viên lại là những người trực tiếp tham nhũng bóc lột người ; đảng nói ” một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản” thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng; đảng nói “đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất” nhưng thực tế thì đảng đầy rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ đục khoét tiền bạc của nhân dân.


Sở dĩ ĐCSVN còn cố giương cao ngọn cờ XHCN đã bị thiêu rụi ở tất cả các nước sản sinh ra nó vì chúng đang còn nhờ vào miếng võ độc “vô sản chuyên chính” là… còng số 8, nhà tù và họng súng để tồn tại !

Nhân dân đang hy vọng rằng Đảng sớm tự ý thức về tội lỗi tầy trời của mình . Đảng sẻ phải thẳng thắn sám hối từ trong sâu thẳm chứ không chỉ thay đổi bề ngoài rồi lại tiếp tục ngụy biện, chấp vá một cách trơ trẽn.


Người dân chẳng còn một tí ti lòng tin vào bất cứ trò ma giáo nào mà chính phủ bé, chính phủ lớn, chính phủ gần, chính phủ xa đưa ra nữa. Họ nhìn vào ngôi nhà to tướng của ông chủ tịch xã, chú công an khu vực, bà thẩm phán, ông chánh án, bác hải quan, chị quản lý thị trường, kể cả các vị “đại biểu của dân” ở các cơ quan lập pháp “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà kết luận: “Tất cả đều là lừa bịp!”


Do đó XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử VN. Con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại nó như một thời kỳ … đồ đểu ! vết nhơ muôn đời của nhân loại.


Một thời kỳ mà tâm trạng của người dân được thi sĩ cách mạng Bùi Minh Quốc tóm tắt qua 2 vần thơ :
“Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa!
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”

Chẳng lẽ tuổi thanh xuân của bao người con nước Việt dâng hiến cho cách mạng để cuối cùng phải chấp nhận một kết quả thảm thương như thế hay sao?


Chẳng lẽ máu của bao nhiêu người đổ xuống, vàng bạc tài sản của bao nhiêu kẻ hảo tâm đóng góp để cuối cùng tạo dựng nên một chính thể đê tiện và phi nhân như vậy?


Tương lai nào sẽ dành cho dân tộc và đất nước Việt Nam nếu cái tốt phải nhường chổ cho cái xấu?


Một xã hội mà cái xấu, cái ác nghênh ngang, công khai dương dương tự đắc trong khi cái tốt, cái thiện phải lẩn tránh, phải rút vào bóng tối thì dân tộc đó không thể có tương lai!


Một kết cục đau buồn và đổ vỡ là điều không tránh khỏi.


Châu Hiển Lý – Bộ đội tập kết 1954




Quốc hội Âu Châu lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại

Ngày 25.01.2006, tại Strasbourg, Pháp, Quốc hội Âu Châu, với đa số áp đảo, 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống, đã đưa ra nghị quyết số 1481, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể.


 

Nguyễn Văn Thiệu (tổng thống Đệ nhị Cộng hòa, nhiệm kỳ 1967-1975 - mất năm 2001):
Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm.



Martin Luther King (mục sư Tin Lành, mất năm 1968)
Điều làm cho kinh hãi  không phải là sự đàn áp của kẻ ác, mà là sự thờ ơ của kẻ thiện.


Mikhail Gorbachev (tổng bí thư cuối cùng của đảng cs Liên Xô, nhiệm kỳ 1985-1991):
Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.


Boris Yeltsin (tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, nhiệm kỳ 1991-1999 - mất năm 2007):
Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó.


Vladimir Putin (tổng thống Nga, nhiệm kỳ 2000-2008):
Kẻ nào tin những gì cộng sản nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của cộng sản là không có trái tim.


Milovan Djilas (Bí thư đảng CS Nam Tư - mất năm 1995)
20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu.


Dalai Lama (lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng):
Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời.


Angela Merkel (thủ tướng Đức, đương nhiệm từ 2005)
Cộng sản đã làm cho người dân trở thành gian dối. Dưới chế độ cộng sản chỉ tạo nên những con người dối trá.


















Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Giá trị của đồng tiền lẻ

Mỗi lần đi chợ về tôi lại có thói quen gom hết tiền lẻ bỏ vào ngăn kéo nơi bàn làm việc của mình. Tôi không có chỗ nào khác để cất những đồng tiền lẻ ấy mà để vào ngăn kéo để có thể nhìn ngắm chúng vì đó là thói quen mà khi ba tôi còn sống ông ấy thường làm. Tôi thấy và bắt chước ông tự lúc nào không hay nhưng cho mãi tới ngày hôm nay tôi vẫn tự tin rằng thói quen nhìn những đồng tiền lẻ giúp tôi bình thản rất nhiều trong cái tranh đua thường nhật với đời sống kinh tế cùng những chật chội oi bức về xã hội của thành phố.

Bắt đầu là những tờ bạc 200 đồng. Tôi tin rằng đây là tờ bạc khiêm nhượng nhất còn lưu hành ngoài chợ tuy ngày càng hiếm đi. 200 là đơn vị tính không hề nhỏ, nhưng khi con số đó nằm trên tờ giấy được gọi là tiền đồng Việt Nam thì nó trở nên lẻ loi đến thảm hại. Không một món hàng nào ngoài chợ có cái giá 200 đồng bạc. Nó chỉ dành để thối lại mà phải nhiều tờ nhập lại mới đủ làm cái công việc thối cho khách hàng. 5 tờ thì thành 1.000 và 10 tờ thì thành 2.000…Cứ thế, những tờ bạc 200 đồng chỉ sống sót khi được nằm chung với nhau, chúng ký sinh lẫn nhau và sống đời sống tầm gửi chờ ngày biến mất.

Mỗi lần nhìn những tờ bạc nhỏ nhoi ấy tôi lại thấy thấm thía thân phận của chính mình. Ba tôi thường nói tờ bạc lẻ nói lên cả một quá trình của một chế độ với biến thiên lịch sử lẫn kinh tế xã hội của nó. Trị giá đồng tiền lẻ càng lớn thì đời sống của xã hội càng vững vàng vì nền kinh tế tận dụng từng chút giá trị của đồng bạc lẻ nói lên sự ổn định của xã hội và đôi khi cả chính trị nữa.

Sau hai đợt đổi tiền với ý đồ ngây thơ là nâng giá trị của đồng tiền lên nên ban đầu những tờ bạc mệnh giá từ 200 lên tới 2.000 tự nhiên được nâng cao giá trị. Thế nhưng giá trị thật của tờ bạc không nằm ở con số mà ở tình trạng GDP của quốc gia. Việt Nam có lẽ là một trong những nước có những đồng bạc lẻ vô giá trị trên bàn làm việc của ngân hàng tuy chúng vẫn được những chị hàng rong vui vẻ chấp nhận. Thân phận của những đồng tiền lẻ ấy vẫn còn một chút an ủi vì ít ra chúng còn được những bàn tay kham khổ của giai cấp thấp nhất xã hội vuốt ve mỗi buổi tối khi trở về từ mọi hóc hẻm của thành phố.

Người ta không chú ý đến những đồng tiền lẻ nhưng nếu được tống khứ nó đi bằng một nắm tiền để đổi lấy một tờ vé số chẳng hạn thì lại cảm thấy hân hoan hạnh phúc. Tâm lý vứt bỏ một vật kém giá trị bằng cách đổi lấy một vật có giá trị ngang với một tờ giấy lộn làm cho không ít người sung sướng. Tâm lý thắng lợi tinh thần này không những gắn liền với cách ứng xử của nhiều người mà nó còn thể hiện trong không ít chính sách hiện nay mà xã hội đang kêu rêu chống đối.

Chính sách xuất khẩu lao động có thể là một ví dụ tốt cho hình thái này. Người nghèo khó và không còn cơ hội nào nữa mới chấp nhận làm thân phận đi làm thuê ở nước ngoài. Họ như những đồng tiền lẻ mà giá trị được các công ty kinh doanh đem ra trao đổi để thu về những gói lợi nhuận nhưng không hề để ý đến quyền lợi của người làm thuê. Bao nhiêu cũng tốt và bao nhiêu cũng bán. Các công ty xuất khẩu lao động không hề bị theo dõi xem việc làm của họ có phù hợp với lợi ích của người lao động hay không bởi chính sách tận bán không cần hậu mãi của nhà nước đã và đang khuyến khích cho không ít kẻ trục lợi trên những con người nghèo khổ này.

Chính sách này cho thấy tư duy của nhà nước luôn nghĩ rằng những con người không nghề nghiệp kia được làm việc, được hưởng lương là một điều may mắn và vì vậy cho dù quyền lợi của họ có bị xem thường một chút thì cũng không đáng quan tâm. Họ giống như những đồng tiền lẻ được mang đi đổi lấy một lợi nhuận nào đó và điều này được xem là thắng lợi, thắng lợi tinh thần.

Ngược lại với những đồng tiền lẻ là những loại tiền mệnh giá tối đa. 500 ngàn là tờ bạc của người giàu hay ít ra cũng là niềm mơ ước của người nghèo. Báo chí hồ hởi viết những bài phóng sự ca tụng mức độ ăn chơi trác táng của những kẻ mới giàu làm cho người nghèo vừa nhục lại vừa đau. Họ ngồi đếm những đồng tiền lẻ và ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình có thể sống sót qua bao nhiêu năm trời dưới cái nghèo đói triền miên như vậy?

Trong khi đó những khuôn mặt được gọi là đại gia với những thước tiền không đếm xuể không hề có một chút ấn tượng nào về loại tiền khó đếm chỉ dành cho người nghèo này. Họ chỉ có ấn tượng với những chiếc xe ngoại quốc sang trọng cực kỳ. Họ ấn tượng với những thứ sản phẩm kỳ cục được thổi lên và tán tụng lẫn nhau trong cùng giới. Những cây cảnh tầm thường được chăm chút rồi thổi phồng qua phương tiện báo chí để giá cả trở thành hàng trăm tỷ chỉ có thể lừa gạt trong giới của họ. Họ phù phiếm ngồi trong những phòng lạnh sang trọng nói về thế giới chung quanh với tâm thức và tư duy của những kẻ trọc phú. Giọng điệu của họ dễ làm cho người có học tởm lợm nhưng lại được những người chuyên sài tiền lẻ ngưỡng phục. Sự ngưỡng phục không phải từ ý thức muốn làm giàu mà từ tâm lý trống rỗng của chiếc bao tử.

Nếu một lúc nào đó các đại gia tình cờ cầm tờ giấy bạc 200 đồng lên và thấm thía từng giọt mồ hôi vẫn còn phảng phất trên ấy thì có lẽ việc vung tiền của họ sẽ giảm bớt. Những tờ giấy bạc nhỏ nhoi ấy có thể như một trang kinh thánh bị rơi ra nhưng có khả năng nhắc nhở cho người ta rằng tiền có thể mua mọi thứ nhưng không thể mua được bình an trong tâm hồn.

Đừng tưởng là đại gia thì không có điều gì làm họ sợ hãi. Đồng tiền của họ chỉ có thể thu phục bọn giá áo túi cơm, sống bám vào hành vi bất chính và do đó khi một luồng sóng cách mạng tràn về thổi bay những rác rến ấy thì không ít đại gia sẽ lộ mặt với những tội lỗi không thể đếm hết mà trong đó tội móc nối với quyền lực để làm giàu trên những người sài bạc lẻ là một.

Người làm giàu bất chính lo sợ rất nhiều thứ nhưng điều họ sợ nhất là một ngày nào đó họ phải tiêu những đồng tiền lẻ mà bấy lâu nay họ không bao giờ để ý.

Cánh Cò (RFA)

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Đại Vệ Chí Dị 46



Nước Vệ triều nhà Sản. Năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương thứ hai.

Nứt đập chắn nước ở nam trung bộ, tính mạng hàng trăm ngàn bá tính bị đe dọa.

Dân oan bốn phương kéo về kinh đô đánh trống kêu oan ngày một đông.

Ngoài biên cương nước Tề kéo thủy quân nhòm ngó lãnh hải, bắt đi cơ man nào là ngư dân đòi tiền chuộc.

Ngân khố cạn kiệt, giá cả vẫn leo thang chóng mặt.

Nhà nhà phá sản, khánh kiệt.

Kẻ có bạc vẫn hoang phí, xa hoa,quan chức thì xây cung điện, dinh cơ tráng lệ. Phường trọc phú tậu xe tứ mã nhập ngoại, tổ chức hôn lễ đình đám tốn hàng ngàn lượng vàng.

Bấy giờ nhà Sản thấy ngân khố trống rỗng, lo lắng họp triều định nghị sự, đại thần nghị chính Tôn Dưa mở đầu nói rằng.

- Nay thiên hạ rối ren, đập nứt, vỡ nợ, nông dân thì kiện triều đình mất đất, ngư dân thì bị Tề bắt giam đòi chuộc, giá cả lạm phát hàng ngày… nhưng thứ đó đều quan trọng. Nhưng cái quan trọng nhất cần bàn phải là ngân khố triều đình. Đập vỡ chết dân thì dân lại sinh đẻ. Nông dân, ngư dân không có ruộng, biển hành nghề tức khắc đói đầu gói phải bò kiếm nghề khác. Giá cả cao thì không ăn thịt nữa chọn rau, củ mà ăn… chưa hẳn là cấp bách. Ngân khố là sức mạnh đoàn kết của triều đình, không có ngân khố không duy trì được ba quân. Không giữ được ba quân thì không giữ nổi triều đình. Nước Vệ ta từ khi thành lập đến nay dân tình trải qua bao lần đào sắn, khoai trừ bữa nhưng chưa bao giờ sinh biến, ấy bởi vì ngân khố cho ba quân còn mạnh. Ba quân mạnh thì dẫu biến thế nào cũng trị được. Bởi vậy lần này nghị triều, việc khẩn cấp là tìm nguồn tài lực cho ngân khố.

Vệ Kính Vương trầm tư gật đầu, xưa Dưa với Vệ Kính Vương cùng trường, người khóa trước kẻ khóa sau. Nên nói là hợp ý. Vệ Kinh Vương trăn trở luận rằng.

- Biết là vậy, nhưng tài nguyên đã bán hết từ lâu, ruộng đồng của dân thu hồi về bán cũng gần hết. Vay nợ bên ngoài khắp nơi giờ cũng hết chỗ mà vay. Biết chỗ nào trông cậy.

Bạo e hèm một tiếng, triều thần đổ dồn ánh mắt về phía Bạo. Làm tể tướng nhiều năm, Bạo có tiếng là liêm khiết. Gia sản thanh bạch, nhà cửa mồ mả cha ông ở quê nhà vẫn đơn sơ, giản dị. Con cái, họ hàng không được nhờ cậy toàn phải tự lực cánh sinh. Lúc Bạo làm tể tướng tính yêu sự thật, ghét giả dối cho nên không có bè cánh gì cả, chỉ dựa vào tài năng, đức độ của mình mà điều hành việc nước. Không những dân chúng trong nước yêu mến, mà ngay cả người nước ngoài đều đánh giá Bạo tài năng lỗi lạc, xuất chúng. Bởi vậy Bạo hắng giọng là được sự chú ý của cả triều đình.

Bạo đưa cằm lên cao, ngước mắt nhìn xung quanh, mắt nheo nheo, miệng cười khẩy nói:

- Triều nhà Sản ta xưa nay lắm lý luận, chả lẽ không có kế gì sao?

Một phần ba đại thần nghị chính là nho sĩ, triết gia, lý luận hàng đầu của nước Vệ. Nghe Bạo hỏi ai cũng tảng lờ. Việc tiền bạc và chữ nghĩa xưa nay không mấy khi chung đường. Bạo đợi mãi không thấy ai trả lời, mới hỏi:

- Thế nào là phát huy nội lực?

Vẫn không ai trả lời, Bạo quay lại đằng sau gọi quân bản bộ của mình là tùy tướng Đương Leo Thang:

- Này Thang, ngươi có trả lời được câu này cho triều đình nghe không?

Đương Leo Thang tuổi trẻ, tài cao, chí lớn. Người trấn Sơn Nam Hạ. mắt phượng, mày ngài đi đứng ăn nói dõng dạc. Nghe chủ tướng gọi tên mình, Thang bước ra giữa triều tâu:

- Phát huy nội lực chính là lúc này đây, không lấy được tiền từ tài nguyên, đất đai, vay mượn thì lấy từ trong dân. Kế này gọi là hết nạc ta vạc đến xương. Dân ta bây lâu nay nhờ ơn nhà Sản mở mang luật pháp cho làm ăn, của nả cũng dư dả. Xe cộ nườm nượp đi tắc cả đường. Nay nhân cớ dẹp tắc đường mà thu phí. Đó chả phải là kế hay sao?

Bạo hỏi:

- Thế ngươi đã có chủ trương gì chưa?

Thang tâu:

- Thưa tể tướng, thần từ khi nhậm chức đã biết lo xa. Nên đã học Thương Ưởng.

Triều đình có tiếng thì thầm, học gì, Thưởng Ưởng là ai nhỉ?

Thang rành rẽ kể:

- Được vua Tần giao quyền trị nước, Thương Ưởng liền soạn thảo một chính sách Pháp trị cứng rắn để đem ra áp dụng. Bảy điều luật ông chuẩn bị ban hành đều rất hà khắc, trong đó điều thứ 7 là hà khắc nhất: trong 10 nhà nếu có một nhà phạm pháp mà không ai báo thì cả 10 nhà đều bị giết.

Vì chính quyền nước Tần lâu nay vẫn chuyên “nói một đường làm một nẻo”, giờ cần lấy lại lòng tin của dân chúng để thi hành 7 điều luật Pháp trị mới này thật khó. Thương Ưởng đã nghĩ ra một cách phương cách khá ngoạn mục và cũng khá hao tốn: Ông cho dựng nhiều cây gỗ nhẹ dài khoảng ba trượng ở cửa Nam thành kinh thành rồi thông báo: “Ai vác nổi một cây gỗ này từ đây sang cửa Bắc sẽ được thưởng 5 lượng vàng”.
Suốt ngày hôm đó không có ai vác.

Hôm sau ông lại cho thông báo: “Ai vác được một cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lượng vàng”.
Hôm ấy cũng chẳng có ai vác.

Hôm sau nữa Thương Ưởng lại cho thông báo như cũ nhưng thay vì thưởng 10 lượng thì giờ lại tăng thành 50 lượng. Dân chúng thấy kỳ lạ chưa biết ý của quan Tả thứ trưởng muốn gì.

Một người ăn mày nói:
- Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?
Và người này đã vác thật! Khi vừa để thanh gỗ xuống cửa Bắc ông ta liền được người của quan Tả thứ trưởng mời vào trong trao tặng 50 lượng vàng thật! Những người khác thấy vậy cũng kéo sang cửa Nam vác gỗ sang cửa Bắc và cũng đều được lãnh thưởng 50 lượng.

Thực hiện xong việc lấy lại lòng tin của quốc dân, Thương Ưởng liền ban hành pháp lệnh mới để chính quyền cùng dân chúng thi hành.

Sau khi pháp lệnh được ban ra, chính quyền bắt đầu triệt để thực hiện. Từ các bậc công hầu cho tới hàng thứ dân hễ ai phạm lỗi đều bị trừng phạt đúng mức. Thái tử Doanh Tứ vì chê tân lệnh không đúng cũng bị trừng phạt. Vì Thái tử là vị vua tương lai không thể phạt trực tiếp, hai vị thầy dạy của Thái tử là Công Tử Kiền đã phải chịu cắt mũi và Công Tôn Giả đã phải chạm vào mặt.

Thế là từ đó dân nước Tần tin hễ nhà nước nói sao thì làm vậy.

Thang ngừng lại một lát để câu chuyện được thấm vào tai người nghe, đoạn tiếp:

- Thần khi mới nhậm chức, đã học chuyện đó mà cách chức mấy mống quan dưới quyền. Ra lệnh khắt khe với bọn dưới trướng. Dân tình giờ ai cũng hân hoan, khen ngợi quan lại triều ta chí công vô tư. Lời nói bây giờ thần đã có trọng lượng với dân rồi ạ.

Bạo khoát tay:

- Thôi không rườm rà, thế đã đến lúc phát huy nội lực chưa?

Thang tâu:

- Giờ đã là lúc chín muồi, thần đã có bản tấu xin triều đình phê chuẩn thu phí xe cộ trong dân gian.

Bản tấu của Đương Leo Thang chuyền tay cho triều đình đọc, ai cũng tấm tắc khen kế sách chu toàn, nghĩ trước sau chặt chẽ. Các quan lại đứng đầu các bộ như tìm ra được hướng đi, hân hoan bàn tán râm ran, người tính tăng giá thuốc, người lượng tăng giá than, người áng thu phí thuế đất ở phi nông nghiệp….

Vệ Kính Vương nâng ly mừng tể tướng Bạo:

- Quả là rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt, công lao này thuộc cả về tể tướng.

Bạo nhận chén rượu, khiêm tốn đáp lễ rằng.

- Ấy là nhờ Vương cả, giữ vững được niềm tin cho dân chúng đến chùa, giữ được chùa tất nhiên có oản mà thôi.

Triều đình nhà Sản nghị xong, tình đoàn kết lại tràn trề. Mọi mối tị hiềm đều được xua tan. Đúng là một nước cường thịnh, vua sáng tôi hiền. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng như lời tiên đế ban khi xưa.

Lúc lệnh ban ra, dân chúng đa số đồng thuận. Duy có lác đác vài kẻ cự nự. Đại thần nghị chính kiêm tổng trấn kinh thành là Cả Sáng phán:

- Chúng mày nhiều tiền mua xe đi, kêu ca cái nỗi gì.

Dân chúng từ đó không còn ai dị nghị nữa.

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Cuộc cách mạng của Sợ Hãi

Vũ Đông Hà - Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội. 

I. Từ Điện Biên Phủ đến Sài Gòn 

Khi mùi thuốc súng không còn phảng phất trong không gian lòng chảo Mường Thanh, khi những tiếng hò vang chào đón đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô đã chìm lắng, khi những người nông dân tải gạo ra chiến trường đã về lại "xứ Đoài mây trắng lắm..., trở lại đồng Bương Cấn, về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng..." (1) thì những người lãnh đạo đảng Cộng sản đối diện với một thử thách mới, gay go gấp ngàn lần cuộc chiến Điện Biên: giữ quyền và điều hành, xây dựng, phát triển đất nước.

Những câu thơ "Trên đất nước, như huân chương trên ngực / Dân tộc ta, dân tộc anh hùng! / Điện Biên vời vợi nghìn trùng / Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta..." (2) không là những câu thần chú làm nên cơm áo. 

Những "Chiến sỹ anh hùng / Đầu nung lửa sắt / Năm mươi sáu ngày đêm / Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng / Chí không mòn!" (2) không thừa trí tuệ để tự mình thảo nên một phương án thích nghi cho chính sách phát triển quốc gia. 

Thiên tài quân sự của thời chiến không đương nhiên là lãnh đạo tài ba trong thời bình. Winston Churchill, Charles de Gaulle, Harry S. Truman - những người hùng ca khúc khải hoàng vào thời khắc sau cùng của Thế chiến thứ 2, trong thời bình chỉ để lại dấu ấn của những nhà lãnh đạo tầm thường. Vai trò của họ được lịch sử ghi nhận, nhưng thời của họ đã qua, nhường chỗ lại cho những người lãnh đạo tương lai, thích hợp cho bối cảnh và nhu cầu phát triển đất nước thời bình. 

Tại Việt Nam, tham vọng cầm quyền vô thời hạn đã được thể hiện sau cuộc cướp chính quyền bằng những khẩu hiệu màu đỏ với những cụm từ "đời đời", "muôn năm", được bổ sung thêm bằng những "quang vinh", "vĩ đại". Tham vọng đó, nếu đặt trong nhu cầu xây dựng lại đất nước sau một thế kỷ mất độc lập, đã không thể đạt được bằng khả năng và trí tuệ của những người chỉ quen cầm súng, khoét núi, ngủ hầm, đào địa đạo và đầu óc chỉ được bồi dưỡng bằng giáo điều cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam phải bằng mọi cách để duy trì vai trò lãnh đạo lâu dài sau khi tiếng súng đã im hơi và tiếng óc ách từ bao tử đói của người dân đang trỗi dậy. 

Từ đó, một cuộc chiến mới được dựng lên và trở thành sứ mạng của toàn đảng và áp đặt lên toàn dân miền Bắc: Đấu tranh giai cấp. Kẻ thù không còn là những tên thực dân da trắng mà là những con người da vàng máu đỏ trong làng trong xóm. Phương án đã có sẵn, đã được tiến hành bởi những đồng chí đồng mộng đồng sàng từ phía "bên kia biên giới cũng là quê hương" (3). Những tên Hồng Vệ Binh một thời từng là thảo khấu trên con đường Vạn lý Trường chinh khi bị truy đuổi bởi Tưởng Giới Thạch được mời sang làm cố vấn. Ảnh Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch được song hành treo lên "Bác Hồ ta đó cũng là Bác Mao" (4)

Cải cách Ruộng đất bắt đầu... 

Cuộc cách mạng long trời lỡ đất "Giết, giết nữa đi bàn tay không phút nghỉ / Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong / Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng / Thờ Mao chủ tịch, thờ Xì ta Lin bất diệt." (5) được lệnh xuất quân. 

Cho đảng bền lâu... 

Chiến dịch vĩ đại để cấy những con vi trùng SỢ HÃI vào tim não của mấy mươi triệu người dân được khởi xướng. 

Cho đảng muôn năm... 

Vũ khí là những cái loa và miếng vải đen bịt mắt. 

Chiến sĩ diệt thù và kẻ thù đều mang cùng một màu da, một dòng máu, cùng chia sẻ với nhau một nơi chôn nhau cắt rốn: nhân dân. 

Những thành phần có khả năng đe dọa đến vai trò lãnh đạo của đảng qua đó bị loại trừ. 

Khả năng lãnh đạo đất nước của đảng vinh quang không đo đạt bằng mức độ tăng trưởng mà bằng thành tích bao nhiêu "kẻ thù" bị tiêu diệt. 

Con số người bị tiêu diệt trong cuộc cách mạng "long trời lỡ đất" không ai biết đích xác nhưng chắc chắc một điều: gần như toàn bộ lòng can đảm của một nửa phần đất nước từ dòng sông Bến Hải trở lên, mới ngày nào làm nên chiến thắng Điện Biên lẫy lừng, đã bị giết chết nội trong vòng 3 năm. 

Từ đó, Đảng cộng sản xây dựng và củng cố guồng máy cai trị bằng những con vi trùng sợ hãi mỗi ngày một ăn sâu vào từng tế bào của người dân miền Bắc. Lởn vởn trên những cái đầu bấy giờ chỉ biết cúi xuống là những bóng ma... 

Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ... (6) 

Hai mươi năm sau. Sài Gòn được "giải phóng". Nhà văn nữ Dương Thu Hương ngồi khóc bên lề đường khi nhận ra rằng "nền văn minh đã thua chế độ man rợ" (7). Những người cộng sản một lần nữa phải đối diện với bài toán của 20 năm trước. Thời kỳ toàn trị do đó được mở ra và cuộc cách mạng long trời lỡ đất ngày xưa được thay thế bằng những chiến dịch "Học tập cải tạo" không biết ngày về, chính sách đổi tiền, chiến dịch X1, X2 “Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa” mà vẫn được quen gọi là “Đánh tư sản mại bản”, xua dân đi kinh tế mới để lấy nhà và tài sản của dân. Chỉ vài năm sau, từ một trung tâm công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, toàn bộ nền sản xuất của Sài Gòn bị tê liệt. Người dân Sài Gòn 300 năm trước đó chưa bao giờ thiếu gạo, sau khi giải phóng xong thì cái dạ dày của người dân thành phố được giải phóng khỏi gạo. (8) 

Gần 1 triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi, một cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử hơn 4000 năm của một dân tộc có truyền thống bám lấy quê cha đất tổ. Những thành phần ưu tú nhất của xã hội miền Nam phải đành đoạn lìa bỏ quê hương. 

Miền Nam, 20 năm sau đã cùng với đồng bào miền Bắc cúi đầu trong nỗi sợ hãi triền miên. Thống nhất! 

II. Sợ hãi - căn bệnh ung thư và di truyền 

Gần 60 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, bầy vi trùng sợ hãi đã đục khoét vào từng phế phủ của dân tộc Việt Nam. Sợ đảng, sợ cán bộ, sợ lẫn nhau và sợ ngay cả ý tưởng độc lập của chính mình. Nỗi sợ bám theo năm tháng làm cho người ta phải tự đánh mất chính mình để có thể yên thân sống. 

Những người cha, người mẹ cũng đã truyền lại cho những đứa con của mình những con vi trùng độc hại ấy. Truyền lại bằng chính thái độ sống của họ mà con cái chứng kiến từ lúc lọt lòng cho đến trưởng thành. Truyền lại bằng những lời "dạy bảo" tóm gọn trong triết lý sống tiêu biểu của thời đại búa liềm "khôn sống, dại chết". Hậu quả là những thế hệ thứ hai, thứ ba sau Cải cách Ruộng đất, sau Cải tạo Tư sản Mại bản đã coi đó là lẽ thường tình, một lẽ sống không có lẽ khác. 

Ngoài đảng thì thế. Ở trong đảng, đồng chí sợ nhau. Con người nhìn nhau trong ánh mắt xoi mói. Phê và tự phê trở thành "văn hóa" đảng. Người ta sợ ngay cả khi không có gì xấu xa để tự khai và để chứng minh sự thành khẩn. Kẻ thù thực dân, đế quốc đã cút; cường hào ác bá địa chủ đã được đảng tuyên bố "đào tận gốc, trốc tận rễ" thì đã có ngay một kẻ thù mới: thế lực thù địch và tự diễn biến. Kẻ thù này vô hình nhưng hiện hữu khắp nơi và bất cứ lúc nào. Theo chiếc đũa trừ ma huyền diệu của đảng, mọi tư tưởng, mọi hành động của mỗi người hợp lòng dân nhưng không theo ý đảng đều do bóng ma kẻ thù này kích động, xúi dục, giựt giây. 

Dân sợ đảng, đảng viên sợ đồng chí, cả nước đội lên đầu bảng hiệu "Đảng là cuộc sống của tôi" với sự sợ hãi triền miên. 

Và cứ thế, hơn nửa thế kỷ trôi theo mưa sa trên màu cờ đỏ, đảng đã thành công trong sứ mạng biến đại khối nhân dân thành những con người ngoan ngoãn nhất, biết cúi đầu, câm miệng trước dối trá, bất công và tội ác. Khi bộ não đã bị đảng chiếm đoạt, tư tưởng bị dẫn dắt, con người đã trở thành nạn nhân dễ dàng nhất cho những tiểu xảo tuyên truyền, chính sách nhồi sọ, bưng bít thông tin. Sợ hãi, tê liệt, nhiều người đã trở thành mù quáng với những giả-dối-tưởng-là-sự-thật. Stalin, Lenin, Mao, Castro, Kim, Hồ… tất cả trở thành những ông thánh trong cái thế giới mà “sự thật” nằm trong tay đảng, trong tay những kẻ có toàn quyền sở hữu những cái loa cũng như cái giẻ vô hình bịt miệng nhân dân. Trong thế giới ấy, ngày xưa, và bây giờ vẫn còn, những đám khóc vĩ đại với những giọt nước mắt mù khi lãnh chúa qua đời nhưng sự nghiệp vẫn đời đời sống mãi từ những cái loa và khẩu hiệu. 

Trong cái thế giới tê liệt vì sợ ấy, người dân như những con cừu non được dàn lãnh đạo cáo nhào nặn tâm hồn để lớn lên trở thành con (bị) lừa và sau đó là một con (đi) lừa những chú cừu trẻ thơ khác. Cuối cùng cừu, lừa, cáo chung chạ và thành một loài mới: loài sản. Trong không gian độc trị của loài sản ấy, lằn ranh phân định giữa nạn nhân và kẻ thủ ác cũng dần dà bị xóa mờ. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ góp phần vào quyết định chọn lựa ngôi sao vàng nằm trên lá cờ màu máu do đảng tự chọn nhưng đã đứng nghiêm trang và sẵn sàng hy sinh trước mảnh vải đã trở thành biểu tượng quốc gia. Đối với nhiều người, những gì có được ngày hôm nay là nhờ ơn bác và đảng chứ không phải bằng mồ hôi và trí tuệ của mấy chục triệu người. Lãnh tụ của đảng đã trở thành cha già muôn vàn kính yêu của cả dân tộc và là thước đo, chuẩn mực đạo đức trên mọi ngôn từ và diễn văn. 

Cũng có những người không đui mù, cũng chẳng ngu dại, nhưng nỗi sợ hãi thâm căn cố đế, cộng với tính tinh ranh của loài sóc khi phải sống đời với cáo, đã biến hoá tinh thông thành những mợ két hát theo thuần thục nhất, những chú khỉ đu dây lão luyện nhất. Họ mau mắn tung hô thủ lãnh của đảng khi các đồng chí thả cho vài cọng cỏ rơm và thiếu điều quên ngay chính đồng chí này là người bao năm nay vừa ăn cắp, ăn cướp vừa đốt rụi cánh đồng cỏ xanh mướt đáng lý là của họ. 

Cũng có khi, chúng ta như những con cừu - thành lừa - thành sản một ngày nào đó soi gương và nhận ra mình vốn dĩ là một con cừu bị lừa. Những đêm khuya trằn trọc đau đớn có đến, lương tâm tưởng đã ngủ quên có choàng thức giữa canh thâu. Thế nhưng khi con gà cất tiếng gáy, tiếng loa đầu ngõ vang lên thì chúng ta lại lồm cồm ngồi dậy và sống y lại cuộc sống đong đầy nỗi sợ của ngày hôm qua. Nhìn ra ngoài khung cửa, chúng ta sợ những chiếc áo vàng thấp thoáng và tiếng leng keng hình số 8. Nhìn vào gương, chúng ta sợ làm thất vọng, sợ làm rách thêm cái lương tâm vốn đã bị đảng xé rách toang theo năm tháng cuộc đời. 

Trong cuộc đời với lương tâm rách bươn vì sợ hãi đó, xuất hiện một thái độ sống mới: thờ ơ - hay mackeno, theo danh từ thời thượng đã quá mùa. Thái độ sống đó, chủ động có ý thức hay nằm trong tiềm thức của mỗi người, đều là hệ quả của sự sợ hãi đã truyền kiếp hay vốn đã thành bẩm sinh. Thờ ơ với tất cả, không quan tâm với mọi sự, con người tự chích cho mình mũi thuốc vô cảm để không còn cảm giác gì nữa đối với những điều tồi tệ chung quanh. Khi sự quan tâm bị đóng nút chai thì ý tưởng phản kháng sẽ không thể tiết phát. Và như vậy không còn gì để sợ hãi, không làm gì để phải sợ hãi. Đó là giai đoạn sau cùng của căn bệnh ung thư mãn tính - sống không còn cảm giác

Và đó là điều mà đảng muốn; ý muốn của những người không có khả năng điều hành đất nước nhưng muốn độc quyền lãnh đạo muôn năm. Vai trò lãnh đạo đó đã được xây dựng bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ, của cả đảng viên lẫn không đảng viên để phát tán căn bệnh ung thư thời đại búa liềm: Sợ. Vai trò đó tồn tại đến ngày hôm nay, không tùy thuộc vào khả năng phát triển đất nước mà nhờ vào gần 90 triệu người dân đã và đang được "thuần". 


Nhìn lại mấy mươi năm, lột da, nhỏ máu của chính mình để thấy bóng ma sợ hãi nó chế ngự cả một dân tộc như thế nào. Để không trách nhau là hèn. Để đừng mắng nhau là nhát. 

Để biết sẽ khó mà có một cuộc cách mạng dân chủ nếu sự sợ hãi vẫn tiếp tục là bóng ma lởn vởn trên đầu. 

Để biết tại sao mọi lời kêu gọi chỉ có được vài trăm hoặc vài ngàn người hưởng ứng, không đủ để tạo thành cơn sóng đổi đời. 

Để biết mọi kế hoạch đều bất khả thi nếu bước chân con người vẫn rụt rè và chôn cứng trong bốn bức tường hãi sợ. 

Gần nửa thế kỷ với căn bệnh trầm kha này, liều thuốc nào có thể chữa trị được cho chúng ta? Đã đến lúc chúng ta phải tập trung ngậm ngãi tìm trầm, đi tìm, đi kiếm để sớm chấm dứt tình trạng đứng bên này bờ ảo vọng bằng đôi chân run mà cứ ước mơ đội đá vá trời, để những lời kêu gọi tha thiết nhất không chỉ dội lại như những tiếng vọng từ vực sâu. 

(còn tiếp) 


(1) Thơ Tố Hữu - Hoan hô chiến sỹ Điện Biên 
(2) Thơ Quang Dũng - Đôi mắt người Sơn Tây 
(3) Thơ Tố Hữu 
(4) Thơ Chế Lan Viên 
(5) Thơ Tố Hữu 
(6) Thơ Trần Dần - Nhất định thắng 
(7) Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ
(8) Giáo sư Đặng Phong - Những cơ hội bỏ lỡ và chặng đường phía trước